Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020), diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18-9 (nhằm ngày 29-7, 1 và 2-8 âm lịch).
Lễ giỗ diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như lễ cúng tiên thường, lễ cúng chánh giỗ theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ xây chầu, hát bội...
Lãnh đạo TP HCM, các ban ngành, hậu duệ của Tả quân Lê Văn Duyệt và đông đảo người dân đã đến tham dự.
“Lễ giỗ năm nào cũng như thế, chúng tôi có muốn tổ chức nhỏ cũng không được. Vì cái lòng ngưỡng mộ quá lớn, đình đền, miễu các nơi cũng quá nhiều. Ai cũng mong về đây viếng Đức ông. Năm nay, có ba vấn đề khiến lễ giỗ kính cẩn hơn, nghiêm trang hơn.
Một là, giỗ ông. Hai là, trả lại cho ông tên con đường. Ba là, tường thành quanh lăng ông được xây dựng trở lại theo kiến trúc xưa cũ chứ không sử dụng kiến trúc đời mới, làm tôn thêm nét nghiêm trang của di sản văn hóa dân tộc cấp quốc gia” - ông Tư Hùng, trưởng ban tổ chức cho biết.
Hoạt động hát bội được tổ chức trong lễ giỗ của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. |
Cũng trong sáng nay (16/9), UBND quận Bình Thạnh tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thành đường Lê Văn Duyệt.
Lãnh đạo quận Bình Thạnh cho hay trước đó, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) đề xuất khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt có trước năm 1975. Sau đó, quận đã lấy ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên gia, người dân và nhận được sự đồng thuận.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM (khóa IX), vào tháng 7/2020, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt .
UBND TP HCM cũng vừa chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức gắn biển tên đường Lê Văn Duyệt; đồng thời tổ chức tuyên truyền về việc đổi tên đường, về công trạng của danh nhân được chọn để đổi tên đường.
Riêng Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc gắn biển số nhà, chậm nhất không quá 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết được HĐND TP thông qua.
Đạ diện lãnh đạo TP HCM cắt băng công bố biển tên đường Lê Văn Duyệt. |
Đường Lê Văn Duyệt trước năm 1975 ở Sài Gòn |
Tại lễ công bố đổi tên đường, người dân bày tỏ sự vui mừng trước quyết định trả lại tên đường Lê Văn Duyệt đúng dịp lễ của Đức thượng công. Bà Lê Thị Hồng, 78 tuổi, nhà gần Lăng Ông Bà Chiểu nói: “Khi thành phố cử cán bộ đến lấy ý kiến, tôi đồng ý ngay và rất vui mừng. Đức ông có công rất lớn với vùng đất này từ ngày xưa và nay thì Đức ông cũng phù hộ, độ trì cho dân, cho nước, mình phải kính trọng”.
Đường Lê Văn Duyệt được xác định từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu nằm trọn trên hai phường 1 và 3, có chiều dài gần 1km.
Đường Lê Văn Duyệt đi qua di tích Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Xung quanh lăng Lê Văn Duyệt có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời, có công với sự nghiệp mở mang đất nước về phương nam và khai khẩn khu vực Sài Gòn - Gia Định, như các danh nhân: Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị... giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm.
Đây cũng là cách đặt tên đường khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử, văn hoá.