TP HCM hiện có khoảng 30.000 xe ba gác
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), các phương tiện này khi lưu thông trên đường thường vận chuyển các loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm. Phương tiện không được đăng kiểm định kỳ, nhiều xe cơi nới để vận chuyển được nhiều hàng hóa, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Do đó, cần thiết phải có giải pháp điều chỉnh, bổ sung để khắc phục hiệu quả trong thời gian tới, nhằm giải quyết triệt để các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
Sở GTVT đề xuất 3 lộ trình tổ chức lưu thông cho phương tiện này. Cụ thể:
Giai đoạn 1, từ nay đến 2022, áp dụng gần như tương tự với các quyết định trước đây. Theo đó, cấm các loại xe ba gác lưu thông trong khu vực trung tâm TP và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm. Khu vực trung tâm TP được giới hạn và bên trong các tuyến đường gồm: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
Đồng thời, cấm các loại xe này lưu thông trong khu vực nội đô TP thời gian từ 5 – 13h và từ 16 – 22h. Khu vực nội đô TP được giới hạn bên trong các tuyến vành đai gồm:
Hướng Bắc và hướng Tây: QL1 (đoạn từ nút giao QL1 - Xa lộ Hà Nội (XLHN) đến nút giao QL1 - đường Nguyễn Văn Linh).
Hướng Đông: XLHN (đoạn từ nút giao QL1 - XLHN đến nút giao thông Cát Lái) - đường Mai Chí Thọ - đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công).
Hướng Nam: Đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến QL1).
Giai đoạn này cũng cấm các loại xe trên lưu thông trên các tuyến đường, đoạn đường thời gian từ 6 - 8h và từ 16 - 19h . Các tuyến đường, đoạn đường hạn chế lưu thông:
XLHN (đoạn từ nút giao QL1 - XLHN đến nút giao thông Cát Lái), QL1, QL1K (đoạn từ QL1 đến ranh tỉnh Bình Dương), QL13 (đoạn từ QL1 đến ranh tỉnh Bình Dương);
QL22 (đoạn từ QL1 đến ranh tỉnh Tây Ninh); QL50 (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An), đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến QL1), đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Phạm Hữu Lầu).
Giai đoạn 2, từ năm 2022 – 2025, đối với vành đai hạn chế tương tự như giai đoạn 1. Đối với thời gian hạn chế lưu thông vào khu vực nội đô TP và một số tuyến đường, đoạn đường điều chỉnh thời gian cấm từ 5 - 22h.
Giai đoạn 3, sau 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động đối với loại phương tiện này trên địa bàn TP.
Trước đó, năm 2013 UBND TP quyết định cấm và hạn chế xe ba gác chạy vào khu vực nội đô nhưng phạm vi hẹp và khung thời gian ngắn hơn. Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ đã đình chỉ hoạt động nhiều xe, trong đó có xe ba gác, bắt đầu từ 2008. Chủ các phương tiện này được hỗ trợ để thay thế xe, chuyển đổi việc làm.
Từ đó đến nay, TP thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe ba gác tự chế, chi khoảng 160 tỷ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Theo thống kê, hiện TP còn khoảng 30.000 xe ba gác. Từ 2017 đến nay, TP xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông liên quan xe ba gác.
Sở GTVT cũng thừa nhận nhu cầu sử dụng xe ba gác là có do tính cơ động, dễ chạy vào các đường nhỏ, thuận tiện chở hàng... Việc điều chỉnh giao thông và tiến đến chấm dứt hoạt động ảnh hưởng nhiều người nên cần đánh giá tổng thể để có giải pháp phù hợp.
Nên “khai tử” hay nên tìm cách quản lý cho tốt?
Đánh giá về đề xuất trên, LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: “Các hành vi chạy quá tốc độ, chở hàng quá tải, quá khổ, cồng kềnh… đều là vi phạm và đã có chế tài xử phạt được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, các nghị định xử phạt hành chính. Do đó, nếu lấy lý do xe ba gác hay chở hàng quá khổ cồng kềnh... để cấm, theo tôi là chưa phù hợp”.
“Đề xuất “khai tử” xe ba gác có từ cách đây 13 năm (từ 2008). Nhưng tại sao cho đến nay chưa thể “khai tử” được? Về xe thô sơ 3 - 4 bánh tự chế, đúng như Sở GTVT nói, loại xe này đã bị “khai tử” từ 2008, nếu lưu thông trên đường, CSGT có quyền lập biên bản, tịch thu tiêu hủy. Luật đã quy định rõ về quản lý, xử phạt với các lại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh, nên nay muốn cấm, cần có lý giải phù hợp”.
“Ngoài ra, muốn cấm, chính quyền phải đáp ứng được các yếu tố sau: Phương tiện thay thế, công ăn việc làm và hỗ trợ cho chủ xe. Trước đây, khi “khai tử” xe 3 - 4 bánh tự chế, TP có loại xe thử nghiệm 4 bánh T&T Motor. Loại xe này có kích thước ngang với xe ba gác nhưng sau 13 năm thực hiện, loại xe này cho thấy không phù hợp, không thể vào các con hẻm nhỏ, quanh co. Về công ăn việc làm, đa số người theo nghề này đều không bằng cấp, quá tuổi đi xin việc lại, vậy sẽ giải quyết công ăn việc làm cho họ thế nào; hỗ trợ thì mỗi xe bao nhiêu, cào bằng hay tùy loại? Theo tôi, cần quản lý chứ không nên cấm xe ba gác”, LS Lân nói.
Ông Ngô Văn Hùng (51 tuổi, ngụ Thủ Đức, một người chạy xe ba gác nhiều năm), chia sẻ: “Nếu mà bị cấm chắc đi móc bọc (đi nhặt ve chai – NV). Ở tuổi của tôi, không thể xin được việc mới. Trước khi mua xe, tôi đã đi xin việc nhiều chỗ nhưng không được”.
Để mua được chiếc xe ba gác với giá hơn 30 triệu, ông Hùng phải vay trả góp trong 3 năm: “Nói thật, xe không có giấy tờ, tự chế mới có giá 30 triệu, còn xe có giấy tờ thì từ 120 – 200 triệu chiếc, hoặc xe mà TP đang thử nghiệm là xe T&T Motor bốn bánh giá cả trăm triệu, tôi không mua nổi”.
“Đa số người chạy xe ba gác đều là dân nghèo, không bằng cấp, khó kiếm việc ở các công ty. Giờ mà cấm, chúng tôi biết làm gì để sống? Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào chiếc xe này. Tiền học của con, tiền nhà, ăn uống... đều trông vào chiếc xe”.
Theo ông Hùng, xe ba gác ở TP HCM rất thông dụng, gần như tất cả các tuyến đường đều có xe ba gác đậu chờ khách. “Xe rất cơ động, hẻm nhỏ cỡ 2,5m là chạy vào được. Nhiều lần tôi chở hàng cho khách, thấy xe tải gần đó quá trời nhưng khách không kêu vì xe đó không vào được, phải khiêng ra rất mất công”.
“Tôi mong rằng chính quyền không cấm xe ba gác vì ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Nên quản lý để xe chở hàng đúng quy định về chiều cao, trọng tải, chấp hành tốt Luật Giao thông”, ông Hùng nói.