TP HCM hỗ trợ cho người hành nghề xe ôm truyền thống thực sự khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Cứ ai thực sự nghèo, khó khăn là được hỗ trợ. Riêng nhóm này là không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ khó khăn là được hỗ trợ”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn công bố tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức sáng 10/8.
TP HCM hỗ trợ cho người lao động tự do khó khăn vì COVID-19, không phân biệt thường trú, tạm trú. Ảnh: Thành ủy TP HCM
TP HCM hỗ trợ cho người lao động tự do khó khăn vì COVID-19, không phân biệt thường trú, tạm trú. Ảnh: Thành ủy TP HCM

Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, triển khai gói hỗ trợ lần 2, TP HCM đã giải ngân hỗ trợ 40 tỷ đồng. Mở rộng diện hỗ trợ, trong đợt hỗ trợ lần 2, TP HCM có mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ cho gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (gồm 1,2 triệu đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng).

Đặc biệt, khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự thì được hỗ trợ.

Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM Lê Minh Tấn cũng cho biết, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, nếu ai không có tài khoản cá nhân thì nhận trực tiếp. Việc chi hỗ trợ đảm bảo không bỏ sót, cũng không trùng lặp và ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên. Kinh phí vừa từ ngân sách TP HCM, vừa từ sự hỗ trợ của cộng đồng.

Riêng về chính sách nếu có người không may tử vong do dịch COVID-19, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM thông tin, TP HCM sẽ hỗ trợ 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng của người bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng), tương đương 17,4 triệu đồng cho một trường hợp không may qua đời do dịch COVID-19.

Đồng thời, Lãnh đạo ngành LĐTB&XH TP HCM nhấn mạnh, quan điểm của TP HCM là không để một lao động nào ở trên địa bàn TP HCM rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ.

Ông Lê Minh Tấn thừa nhận, thời gian qua, một số nơi làm chưa tốt thì TP HCM đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho người dân. Ông đánh giá, thực tế, các địa phương làm rất tích cực, thống kê ban đầu dự kiến chỉ hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do nhưng giờ đây số người được hỗ trợ đã lên tới 365.000 người.

Đối với xe ôm truyền thống, ông Lê Minh Tấn cho biết, TP HCM "sẽ hỗ trợ đàng hoàng, nếu người đó gặp khó khăn" vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba ngã tư đường đón khách, nhưng ông lưu ý: “Không phải ai chạy xe ôm truyền thống thì cũng được hỗ trợ mà phải là người có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ. Nơi nào chưa hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ”.

Đọc thêm