Rộn ràng chuẩn bị mùa Vu Lan
Những ngôi chùa tại TP.HCM, từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch đã rộn ràng chuẩn bị cho mùa đại lễ. Có chùa tổ chức quy mô, rầm rộ nhưng cũng có chùa chỉ làm một buổi thuyết pháp nho nhỏ về lòng hiếu đễ, những điều cần làm để chăm nom, báo hiếu cha mẹ. Có ngôi chùa thiên về những hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ bà con mùa Vu Lan và cũng có những ngôi chùa chuyên tâm nấu cơm chay đãi bá tánh, phát gạo cho người nghèo…
Ngày 23/8, gần 400 phật tử đã có mặt tại Tịnh Viện Pháp Hạnh, ấp Bến Đò 1, huyện Củ Chi, TP.HCM để dự một buổi lễ long trọng nhưng đầy ấm áp. Các nữ phật tử trong những bộ áo dài duyên dáng trong nghi thức dâng hoa tặng mẹ và cài hoa lên áo. Những điệu hát ngọt ngào tình mẹ từ đội văn nghệ và những lời cảm tạ mẹ đầy thực tâm từ phía những người tham dự, rồi lời dặn của các vị cao tăng về tình mẫu tử khiến các cụ già có mặt rơm rớm nước mắt vì xúc động.
Chùa Hoằng Pháp luôn là nơi quy tụ đông đúc phật tử với các khoá tu, bài giảng kinh thiết thực và ý nghĩa. Lễ Vu Lan 2015 của ngôi chùa này cũng diễn ra rất đặc sắc với các chương trình hướng về mẹ cha vào ngày 28/8 Dương lịch như: Lễ mười trọng ân, Lễ tri ân và báo hiếu cha mẹ...
Bên cạnh đó là chương trình văn nghệ hấp dẫn với vở kịch ngắn và chương trình ca nhạc với sự tham gia của các ca sĩ: Kyo York, Giang Hồng Ngọc, Nguyễn Phi Hùng… với những bài hát thấm đẫm tình mẫu tử (Bông hồng cài áo, Con sẽ sống vì mẹ, Điểm tựa đời con…).
Một buổi lễ cầu siêu long trọng cũng đã diễn ra tại Công viên Văn hoá Tâm linh - Phúc An Viên, quận 9 vào ngày 23/8 Dương lịch. Hàng nghìn người từ khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận đã tề tựu về đây để tham dự lễ. Đại lễ cầu siêu mang yếu tố tâm linh nhằm hướng đến truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, để mỗi người dân có dịp tưởng nhớ về người đã khuất…
Ngay cả chốn kinh doanh như Công viên Văn hoá Suối Tiên cũng tổ chức một buổi lễ Vu Lan với đông đảo người dân tham dự. Tại buổi lễ diễn ra cuộc hành hương của hơn 700 tăng ni với các nghi thức Phật giáo trang trọng nhằm tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, cùng với nhiều chương trình văn nghệ hấp dẫn.
Mùa Vu Lan, chùa Vạn Đức, ngôi chùa có tiếng ở Thủ Đức ngoài những hoạt động Phật pháp còn luôn có đội ngũ tình nguyện nấu cơm chay hàng ngày ở chùa và miễn phí cho tất cả phật tử đến chùa cũng như người lang thang, cơ nhỡ…
Tưởng nhớ mẹ cha, dạy con lòng hiếu kính
Với quan niệm “hướng tâm về cha mẹ”, nhiều cá nhân đã phát tâm tổ chức, tham gia những chương trình thiện nguyện, nhường cơm sẻ áo cho người nghèo, giúp đỡ những ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi. Nhiều người bảo nhau đến ngôi chùa Diệu Khả Đàn ở quận 8, TP.HCM để gửi chút tiền “cho người chết”. Ở chùa vẫn thường lo áo quan cho những người chết vô gia cư, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Người ta quan niệm, tháng 7, Lễ xá tội vong nhân, Lễ Vu Lan, làm càng nhiều điều phúc thì phúc ấy được dành cho cha mẹ, ông bà mình.
Hình ảnh đẹp đẽ và quen thuộc mà thường thấy mỗi mùa Vu Lan là những bông hồng được cài lên ngực áo mỗi người con. Bông hồng trắng dành cho những người không còn mẹ cha, hoa hồng đỏ dành cho những ai may mắn còn có cha mẹ trên đời. Một bông hồng gợi bao niềm tưởng nhớ: với người đã mất mẹ thì để hồi tưởng, kính ngưỡng; với người còn mẹ thì để thêm trân trọng những phút giây bên mẹ, để biết hiếu đễ với mẹ cha.
Có mặt ở chùa Bồ Đề Lan Nhã, quận 6, TP.HCM nhằm buổi lễ Vu Lan, cài trên ngực áo bông hoa trắng, chị Ngô Thanh Lan, quận 6 chia sẻ: “Đã 3 năm từ ngày mẹ tôi mất, trước kia tôi vẫn thường dẫn mẹ đến ngôi chùa này nên những lễ Vu Lan về sau, tôi vẫn dẫn con gái đến để tưởng nhớ mẹ và dạy con về lòng hiếu kính”.
Nhìn cảnh những người con đưa mẹ đến chùa, cài hoa hồng đỏ trên ngực áo mà thấy ấm lòng… Cảm ơn những mùa lễ thế này, để có những phút giây lắng lòng, hướng đến, quan tâm, săn sóc cha mẹ, để mỗi người biết cố gắng sống và dạy con cháu mình biết sống đẹp, hiếu nghĩa hơn.