TP HCM: Nỗ lực thoát khỏi biển nước

(PLO) - Tác động xấu của biến đổi khí hậu gây ngập lụt ngày càng trầm trọng tại TP Hồ Chí Minh.  
Triều cường tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
TP Hồ Chí Minh nằm trên vùng đất lầy và thấp. Sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai hình thành hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc với gần 8.000 km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố. Thủy triều lên xuống thường xuyên đang gây ngập úng trên diện rộng. 
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho thấy, trên địa bàn hiện có 154/333 phường, xã thường xuyên bị ngập úng và dự báo con số này sẽ là 177 vào năm 2050. Thực tế cho thấy, 10 năm trở lại đây, tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra ngày càng trầm trọng và lan rộng. Nhiều khu vực của thành phố không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. 
Nếu mưa và thủy triều lên diễn ra cùng lúc thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Đáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, luôn năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền; nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm và cạn kiệt, ảnh  hưởng đời sống người dân. 
Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên này còn nhiều yếu kém. Một số dự án chống ngập đang triển khai chưa phát huy hết tác dụng hoặc đang kéo dài thời gian thi công gây lãng phí và chậm trễ trong việc ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trước thực trạng này, chính quyền và người dân TP HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng với BĐKH và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. 
Từ năm 2009 đến năm 2015, thành phố đã triển khai Kế hoạch ứng phó BĐKH với 14 nhiệm vụ trọng tâm như: nghiên cứu, đánh giá nhận thức của cộng đồng về BĐKH; nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng BĐKH tác động đến các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đề xuất giải pháp ứng phó; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của BĐKH. 
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thích ứng với BĐKH, TPHCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể đối với công tác này. Hiện thành phố đang xây dựng 2 nhà máy xử lý rác với công suất 2 ngàn tấn/ngày theo công nghệ Nhật Bản. 
UBND TP HCM cũng vừa chấp thuận cho UBND huyện Cần Giờ lập Dự án nâng cấp tuyến đê biển dài hơn 12km để bảo vệ dân cư và phòng chống nước dâng do bão và triều cường. Giai đoạn 2016-2020, thành phố thực hiện 41 chương trình thực dụng, đến nay đã triển khai được 30% kế hoạch, bao gồm: 
Việc đánh giá BĐKH trên các lĩnh vực đời sống về kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng trang thông tin điện tử về BĐKH, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tích hợp; sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về quy hoạch vùng bị ảnh hưởng BĐKH; xúc tiến đầu tư xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường nước; điều tra, kiểm kê khí nhà kính; đề án giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường. 
Với sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học kỹ thuật của thành phố Rotterdam (Hà Lan), TP HCM đã chọn quận 4 để thí điểm các hoạt động trong chiến lược thích ứng với BĐKH. Trước mắt, các nhà khoa học từ thành phố Rotterdam và TP HCM sẽ xây dựng phương án về những tình huống xấu nhất do BĐKH gây ra tại quận 4 và có các giải pháp cụ thể để ứng phó, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. 
Theo kế hoạch, TP HCM sẽ xây dựng một hồ điều tiết để chống ngập và một công viên xanh để làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân tại khu vực này.
Bên cạnh đó, triển khai dự án kế hoạch ứng phó BĐKH ở TP HCM giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường khẩn trương kết hợp với các sở, ngành, quận, huyện triển khai nhanh các danh mục ứng phó BĐKH, phải chú trọng đến việc nước biển dâng để có biện pháp chuẩn bị ứng phó kịp thời. Các ngành có liên quan biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội cùng tham gia ứng phó và thích nghi với BĐKH, nước biển dâng./.

Đọc thêm