TP HCM tìm phương án khai thác hiệu quả quỹ đất dọc bờ sông, kênh, rạch

(PLVN) - Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, quỹ đất dọc hai bờ sông, kênh, rạch hiện hữu là rất lớn; nếu được khai thác có hiệu quả để phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch bằng đường thủy kết hợp phát triển kinh tế ven sông sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố.
TP HCM có quỹ đất ven sông, kênh, rạch rất lớn.
TP HCM có quỹ đất ven sông, kênh, rạch rất lớn.

Theo quy định, tại TP HCM, loại sông, suối, kênh, rạch cấp đặc biệt, cấp I, cấp II theo phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và các tuyến hàng hải thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ 50m mỗi bên. Tương ứng đó, với cấp III, cấp IV là 30m mỗi bên; cấp V, cấp VI là 20m mỗi bên...

Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng.

Tuy nhiên, cũng theo qui định tại Quyết định 22/2017 của UBND TP HCM ngày 18/4/2017, trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ được xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng dọc sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng với điều kiện phù hợp không gian cảnh quan kiến trúc, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo ổn định bờ sông và môi trường.

Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể từng khu vực quy hoạch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn để sử dụng theo đúng mục đích, đảm bảo yếu tố bảo vệ bờ sông kết hợp với không gian cảnh quan.

Nội dung này, hiện nay, đang có luồng ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc áp dụng quy định trên là hạn chế. Thành phố nên cho thuê hành lang bảo vệ trên bờ có thời hạn để sử dụng vào mục đích dịch vụ nhằm tránh lãng phí quỹ đất đồng thời giúp cho ngân sách có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thành phố không được cho thuê vào mục đích trên vì luật chưa có quy định rõ.

Cụ thể, phía Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM nêu quan điểm, các quy định của pháp luật về đất đai không quy định về việc cho thuê đất để đầu tư xây dựng mới công trình (kể cả công trình tạm trên đất) nếu không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, việc xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ trên phần đất hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến không có cơ sở thực hiện thủ tục thuê đất tại phần diện tích này.

Sở TN&MT cũng nhấn mạnh, chủ trương cho thuê đất có thời hạn (kể cả để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ với thời hạn ngắn hạn) tại phần diện tích đất thuộc “hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch” để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất là “tiết kiệm, có hiệu quả”. Thế nhưng, nó không phù hợp với nguyên tắc “sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.

Về vấn đề trên, Sở Tư pháp TP HCM cũng nhận thấy, theo quy định pháp luật hiện hành thì chưa có cơ sở pháp lý để ban hành quy định cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động có thời hạn trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, thành phố có hệ thống sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 1.000km, được phân bố trên hầu hết các quận, huyện; bao gồm các tuyến luồng hàng hải và giao thông đường thủy nội địa. Thành phố cũng có hệ thống cảng biển đi sâu vào nội địa, hệ thống cảng thủy nội địa phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Khối lượng vận tải hàng hóa thông qua cảng biển và khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường thủy nội địa khá lớn. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.

Sở GTVT cho biết, quỹ đất dọc hai bờ sông, kênh, rạch hiện hữu là rất lớn; nếu được khai thác có hiệu quả để phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch bằng đường thủy kết hợp phát triển kinh tế ven sông sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Do đó, để phát huy tiềm năng về đường thủy của thành phố, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố giao Sở TN&MT (là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về đất đai) chủ trì, phối hợp Sở GTVT, UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố, có văn bản gửi Bộ TN&MT (Bộ quản lý chuyên ngành về đất đai) để được hướng dẫn về vấn đề này. Hoặc sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế, chính sách cho thuê đất trong phạm vi hành lang trên bờ sông, kênh rạch để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn trên địa bàn thành phố…

Đọc thêm