TP Hồ Chí Minh: Công nhân gặp khó vì thiếu chỗ gửi con

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay các nhà máy, khu công nghiệp đã hoạt động nhưng nhiều công nhân vẫn chưa thể đi làm trở lại vì gặp khó trong việc gửi con.
Nhiều công nhân ở TP HCM gặp khó trong việc tìm chỗ gửi con khi đi làm trở lại. (Ảnh minh họa)
Nhiều công nhân ở TP HCM gặp khó trong việc tìm chỗ gửi con khi đi làm trở lại. (Ảnh minh họa)

Nhà trẻ công chưa mở cửa, quá tải điểm gửi trẻ tư

Mặc dù công ty đã gọi đi làm trở lại với mức lương và đãi ngộ khá tốt so với thời điểm khó khăn hiện nay nhưng hơn tuần nay chị Lê Thị Hòa, công nhân Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức vẫn khất lần, chưa đi làm lại được vì chưa tìm được chỗ gửi trẻ.

Trong khi đó, chồng chị cũng là công nhân Khu chế xuất, phải về quê chăm mẹ ốm nặng cả tháng nay. “Trước đó, tôi gửi con ở trường mầm non công lập gần nhà. Đến nay, trường vẫn chưa mở cửa do tình hình dịch bệnh. Một số người dân gần đây cũng có mở điểm giữ trẻ tại nhà, không có đăng kí gì.

Tôi có tìm đến vài chỗ. Nơi sạch sẽ, thoáng mát, người giữ trẻ có tâm thì đã quá tải, không cách nào đăng kí được. Còn có những nơi có chỗ nhưng điều kiện vệ sinh kém, ẩm thấp, lo sợ an toàn cho con nên tôi cũng không dám gửi.

Thành ra bây giờ vẫn đang tìm chỗ và chưa đi làm được. Chỉ sợ mình trì hoãn lâu quá công ty lại thay thế chỗ của mình mất. Vả lại giờ gia đình tôi cũng đang rất cần tiền để trang trải cuộc sống vì đợt dịch vừa qua mọi số tiền để dành đã tiêu sạch rồi”, chị Hòa bộc bạch.

Nhiều chị em công nhân cũng rơi vào tình cảnh tương tự, rất muốn đi làm để có thu nhập, nhưng vì kẹt con nhỏ không gửi trẻ được nên đành chịu. Có những gia đình hai vợ chồng là công nhân, tạm thời đành một người nghỉ làm ở nhà chăm con cho người kia đi làm. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân, mức thu nhập của một người khó lòng có thể gồng gánh được cả gia đình.

“Chúng tôi rất mong được hỗ trợ phương án nào đó để gửi được con, có thể nhanh chóng được quay lại làm việc, ổn định cuộc sống”, anh Trần Văn Tuấn, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình chia sẻ.

Còn chị Lê Thị An, ngụ đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức thì cho biết, do không tìm được điểm gửi trẻ, chị đành phải nghỉ làm ở nhà chăm 2 con nhỏ cho chồng đi làm. Vì thế chị nghĩ ra cách “linh động” nhận giữ luôn con cái công nhân trong khu nhà trọ để có thu nhập trang trải cuộc sống. Với mỗi trẻ, chị nhận 500 ngàn/tuần bao gồm cả ăn 2 bữa.

Chị An cho biết: “Hiện ngoài con tôi, tôi nhận giữ thêm 3 bé vì phòng trọ cũng không rộng rãi, mình ở một mình, không thể nhận nhiều được. Kì thực thì thu nhập không cao bằng đi làm công nhân, lại chăm sóc trẻ con vất vả. Nhưng vì tình thế mình phải vậy và cũng là giúp đỡ thêm cho hàng xóm khu này, chứ không thì họ cũng chả biết làm sao như mình”.

Con trẻ “tự lập” sớm để cha mẹ đi làm

Một số gia đình công nhân có con lớn thì chọn cách bất đắc dĩ để con phải “tự lập” sớm, ở nhà trông nhau để cha mẹ đi làm. Như gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở Mỹ Phước, Bình Dương. Cả hai vợ chồng đều làm tại các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn huyện. Sau thời gian giãn cách, họ phải trở lại làm việc, nhưng hai con nhỏ, một bé năm nay vào lớp 1, một bé lên lớp 4, đều đang học online.

Bé Bảo Anh 9 tuổi đang chăm sóc em để mẹ đi làm

Bé Bảo Anh 9 tuổi đang chăm sóc em để mẹ đi làm

Cực chẳng đã, không còn cách nào khác, anh chị đành “huấn luyện” hai con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau. Cơm nước đã nấu sẵn, ủ sẵn. Các thiết bị điện, nước được xem xét, kiểm tra kĩ lưỡng. Đồng thời nhờ một người hàng xóm thân thiết thi thoảng để mắt đến. Còn lại, hai bé gái 9 tuổi và 6 tuổi ở nhà tự học hành, ăn uống, cô chị chăm cô em.

Chị Thu chia sẻ, cho đến nay thì mọi việc vẫn ổn, nhưng anh chị vẫn biết đây là giải pháp bất đắc dĩ và cả hai vẫn đang ráo riết tìm phương án khác thuận tiện, an toàn hơn cho con để yên tâm đi làm.

Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho hay, vừa qua rất nhiều trường học được trưng dụng thành nơi cách ly tập trung F0, F1. Vì thế, để trẻ đến trường cần phải có thời gian khử khuẩn. Chưa kể, với tình hình hiện nay, việc trở lại trường vẫn chưa an toàn. Vì thế tổ chức Công đoàn rất hiểu khó khăn của công nhân khi cha mẹ phải đi làm, trường vẫn chưa mở cửa.

Bà Thúy cũng đưa ra đề xuất, để giải quyết khó khăn về nơi gửi con trong giai đoạn này, các gia đình công nhân có thể liên kết, hỗ trợ nhau bằng cách thay phiên trông chừng. Chọn giải pháp này, các gia đình cần tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn cho trẻ và gia đình mình.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2021, thành phố cần thêm khoảng 60.000 lao động và đến quý I/2022 cần khoảng 140.000 lao động. Sau khi thành phố mở cửa và trở lại trạng thái bình thường mới, đã có khoảng 150.000 lao động quay lại làm việc, nâng tổng số công nhân đang làm việc lên khoảng 230.000 người, tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Đọc thêm