Giổ Tổ Hùng Vương từ xa xưa đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc. Lịch sử như một dòng chảy liên tục với biết bao thăng trầm, nhưng ngày Mùng Mười Tháng Ba đã in đậm trong tâm thức mỗi người dân nước Việt…Từ ngàn đời nay, dù có đi bốn phương trời người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, hướng về cội nguồn để tưởng nhớ, tôn vinh công ơn của tổ tiên, đó là niềm tự hào to lớn và hạnh phúc trường tồn của con cháu dòng giống Lạc Hồng…
Tín ngưỡng của dân tộc
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Bàn thờ Vua Hùng tại công viên Tao Đàn |
Không phân biệt già trẻ, gái trai, địa vị, tôn giáo, đã là người con Việt đều có chung một nguồn gốc con Rồng cháu Tiên. Niềm tin này đã trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” giá trị đạo đức cốt lõi của người Việt Nam. Đạo lý ấy nhắc nhở người Việt Nam luôn tôn kính biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Và chính truyền thống đạo lý đó đã phát triển thành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng- Tổ tiên thiêng liêng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam .
Lễ giổ Tổ Hùng Vương là lễ hội truyền thống của dân tộc có một đặc thù rất riêng: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc. Từ xưa đến nay, là người dân Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác ai cũng thuộc lòng câu ca dao đậm đà tình nghĩa: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Ngày Hội lớn ở TP HCM
Hòa trong không khí ngày hội lớn của cả nước, tại TPHCM hàng năm có rất nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng.
Từ năm 2009, Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức của thành phố được long trọng tổ chức tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng-Khu Công viên Lịch sử -Văn hoá Dân tộc (quận 9) thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp, các giới, các đoàn thể xã hội của thành phố tham dự với không khí trang nghiêm mà vui tươi.
Thành phố hiện có 11 cơ sở thờ cúng các vua Hùng, trải đều khắp các quận nội thành Trong số đó ba đền thờ được biết đến nhiều nhất là đền thờ vua Hùng tại Thảo Cầm Viên, đền thờ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn và đền thờ Hùng Vương tại Suối Tiên.
Trong những ngày này đều có những hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa truyền thống để bà con, người dân địa phương và các tỉnh lân cận đến dâng hương tưởng nhớ Quốc Tổ.
Chương trình của lễ giỗ Tổ gồm có diễu hành đón rước lễ, lễ dâng hương, dâng hoa, lễ tế theo nghi thức cổ truyền của dân tộc. Năm nay không khí trang nghiêm của ngày Giổ Tổ trọng đại lại được chào đón hân hoan nồng nhiệt gấp nhiều lần bởi sự kiện Việt Nam vừa đón nhận bằng công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của nhân dân ta được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vinh dự to lớn này chính là lòng biết ơn, tôn kính đối với tổ tiên, là sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của thế giới… Lễ hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền thực hành tín ngưỡng, chính sự gắn kết đó tạo nên một sức mạnh, khối đại đoàn kết, sự gắn bó và một niềm tin thiêng liêng của mỗi người con hướng về cội nguồn dân tộc…
Các hoạt động nhân ngày Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay tại Tp. Hồ Chí Minh 1. Hội trại “Tự hào nòi giống Tiên Rồng”: từ 17/4-19/4, địa điểm: Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 2. Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: từ 19h45 - 21h45 ngày 18-19/4 (mồng 9-10 tháng 3) tại Quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 3. Biểu diễn quân nhạc: từ 19h15 - 19h45 ngày 18/4 tại Quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 4. Các hoạt động thể thao: - Hội thi đẩy gậy cấp thành phố: từ 17h-18h ngày 18-19/4 tại Quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. - Biểu diễn võ thuật cổ truyền: từ 18h-18h30 ngày 18/4, 8h-8h30 và 18h-18h30 ngày 19/4 tại quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. - Biểu diễn võ thuật Vovinam: từ 18h30-19h ngày 18/4; 8h30-9h và 18h30-19h ngày 19/4 tại Sân hội và Quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. - Biểu diễn nghệ thuật cờ người diễn ra từ 9h-9h45 ngày 19/4. 5. Hội sách: từ 8h-22h ngày 18-19/4. Nội dung giới thiệu, bày bán các loại sách quốc văn - ngoại văn và chương trình tặng sách. Địa điểm: Sân hội - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 6. Triển lãm hình ảnh giới thiệu về Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc: từ 8h-22h ngày 18-19/4 tại Sân hội - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 7. Triển lãm nghệ thuật thư - họa, trà Việt: từ 8h-22h ngày 18-19/4 tại khu cảnh quan Nhà điều hành và Sân hội - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 8. Trò chơi dân gian: 17h-22h ngày 18/4 và 8h-22h ngày 19/4 tại sân hội, Quảng trường - Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. 9. Ẩm thực: từ 8h-22h ngày 18-19/4 năm 2013 tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng. |
Hoàng Hùng Dũng