TP Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh tại Cần Giờ

(PLVN) - Cần Giờ là một trong 3 địa bàn đầu tiên của TP HCM được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP công nhận kết quả kiểm soát tình hình dịch bệnh và được thí điểm tổ chức lại một số hoạt động kinh tế - xã hội. Để đạt được điều này, một trong những cách làm đáng chú ý của huyện là rà soát, nắm chính xác số liệu tình hình dân cư sớm, trước khi TP áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Trả lời báo chí, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, đến hết 18/9, Cần Giờ có 1.217 trường hợp F0, trong đó 1022 trường hợp đã khỏi bệnh, chỉ còn 189 trường hợp đang điều trị. Tuy là huyện vùng xa nhưng huyện bảo đảm được cơ sở thu dung, và năng lực điều trị F0. Điểm thuận lợi là trên địa bàn có một BV điều trị COVID-19 cấp TP quy mô 600 giường bệnh. Cần Giờ cũng nhanh chóng lập cơ sở điều trị riêng với F0 không có triệu chứng.

Ông Dũng cho biết, số ca nhiễm mới và ca nhiễm trong cộng đồng đang trên đà giảm mạnh. Từ 16 - 22/8, huyện có 213 ca, nhưng giai đoạn 6 - 12/9 chỉ có 61 ca nhiễm mới. Số ca trong cộng đồng cũng giảm từ 85 ca giai đoạn 16 - 22/8 xuống còn 3 ca giai đoạn 6 - 12/9. Những ngày gần đây, Cần Giờ không phát sinh F0 trong cộng đồng, là minh chứng cho thấy thành công trong kiểm soát dịch bệnh của huyện.

Việc xét nghiệm tìm F0 để phân loại điều trị được huyện triển khai bài bản. Tại xã Bình Khánh, ghi nhận 8 ấp có nguồn lây nhiễm nhiều, lãnh đạo huyện đã họp và thống nhất coi các ấp này là vùng đỏ để lấy mẫu nhanh tìm F0. Giai đoạn đầu tháng 8, lực lượng y tế chỉ lấy 6.463 mẫu, nhưng với quyết tâm lấy mẫu nhanh để phân loại điều trị, đến đợt lấy mẫu thứ 4, từ 6 - 13/9, huyện đã lấy được 46.052 mẫu. Tỉ lệ lấy mẫu ở các địa bàn đạt trên 90%, tại các vùng đỏ đạt 100%, rà soát lấy mẫu không bỏ sót người dân nào. Cần Giờ coi đây là giải pháp quan trọng đầu tiên.

Đến nay tỷ lệ người dân trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1 của Cần Giờ đạt 99,4% và 37% người dân đã tiêm mũi 2. Tới đây, huyện tiếp tục triển khai các đội lưu động tiêm vét. Mục tiêu đến 15/10 hoàn thành 100% tiêm phủ mũi 2, không phân biệt thường trú hay tạm trú, ai có mặt trên địa bàn cũng được tiêm, ưu tiên người trên 65 tuổi, người có bệnh nền…

Để nắm chính xác, không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào khó khăn cần hỗ trợ về an sinh trên địa bàn, ông Minh Dũng cho biết huyện tổ chức rà soát, lập danh sách từ cơ sở, đầu mối là các ấp, khu phố và việc này thực hiện ngay từ đầu tháng 7/2021. Nhờ đó, từng địa bàn có bao nhiêu hộ, mỗi hộ có bao nhiêu nhân khẩu, bao nhiêu người làm ăn ở ngoài huyện, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách… huyện đều nắm được.

“Nếu như xã, ấp, tổ dân phố không làm tốt, thiếu sự giám sát của các tổ tự quản, tổ cộng đồng và không xây dựng phường, xã, thị trấn trở thành “pháo đài” thì chính quyền khó nắm sát dân”, ông Dũng chia sẻ.

Việc sớm kiểm soát được dịch bệnh đã giúp huyện Cần Giờ cùng Củ Chi, Quận 7 được TP thí điểm khôi phục một số hoạt động kinh tế xã hội.

Ông Dũng cho biết, với đặc thù huyện ven biển, Cần Giờ đã trình UBND TP một số kế hoạch khôi phục kinh tế như nuôi trồng, khai thác thủy hải sản ven bờ, các hoạt động xây dựng và đặc biệt là hoạt động du lịch.

Bắt đầu từ 19/9, Cần Giờ chính thức thí điểm khôi phục hoạt động du lịch, ngành đang chiếm tới 45% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Cụ thể, huyện thí điểm mở lại một tour du lịch khép kín. Du khách sẽ tham quan một số địa điểm, như: Chiến khu rừng Sác; Khu du lịch Dần Xây; Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam.

“Chúng tôi chọn 4 địa điểm này vì đây là những nơi có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, có lợi thế tự nhiên và đều cách biệt với khu dân cư. Phương án mở tour rất chặt chẽ, theo tiêu chí an toàn và tuân thủ 5K”, ông Dũng nói và cho biết ngoài bảo đảm về cơ sở vật chất, hơn 220 người phục vụ của các cơ sở du lịch này đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Các du khách trong chuyến du lịch đến huyện Cần Giờ ngày 19/9 đều là các y, bác sĩ và các thành viên khác trong lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP. Đây là chuyến du lịch với tên gọi: Hành trình tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Dự kiến, hoạt động du lịch sẽ được thí điểm đến cuối tháng 9/2021, sau đó huyện sẽ có đánh giá, nếu thuận lợi sẽ nới lỏng hơn nữa, cho phép nhiều đơn vị du lịch được tham gia tổ chức hoạt động. Ngoài ra các hoạt động kinh tế khác như dịch vụ vui chơi, ăn uống… cũng được huyện tính toán để có lộ trình mở cửa từng bước.

Đọc thêm