TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm vaccine sau 18 giờ, xem xét áp dụng các biện pháp phòng chống dịch sau ngày 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 28/7, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, những ngày sắp tới, thành phố sẽ tổ chức, mở rộng thời gian tiêm vaccine sau 18h. Đồng thời, thành phố đưa ra phương hướng giải quyết các vấn đề về nghẽn mạng đường dây nóng 1022, 115 và xem xét áp dụng các biện pháp phòng chống dịch sau ngày 1/8.
TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc tiêm vaccine, tận dụng thời gian sau 18h để tiêm cho người dân.
TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc tiêm vaccine, tận dụng thời gian sau 18h để tiêm cho người dân.

Tăng cường tiêm vaccine

Theo Phó Bí thư Phan Văn Mãi, từ ngày 26/7, TP có quy định hạn chế người dân ra đường sau 18h. Nhưng trước yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ việc tiêm vaccine nên TP sẽ triển khai tiêm chủng cho người dân sau 18h và đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm.

Theo đó, mỗi phường sẽ tổ chức 2 điểm tiêm cho người dân, trường hợp những người lớn tuổi sẽ được tiêm tại bệnh viện. Đồng thời, TP sẽ quy định về đặc điểm nhận diện của người đi tiêm và lực lượng tham gia tiêm để các lực lượng trực chốt có thể kiểm soát.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, đến 16h chiều 28/7, TP đã tiêm vaccine cho 300.000 người. Tốc độ tiêm vaccine đã dần nâng lên, ngày 28/7 đã tiêm được 70.000 người/ngày. Với tốc độ này, việc tiêm chủng dự kiến hoàn thành trong 2-3 tuần.

Trước đó, Bộ Y tế đã có yêu cầu TP phải tăng tốc việc tiêm vaccine cho người dân. Theo Bộ Y tế, lượng vaccine nhập về đã hơn 14 triệu liều và phần lớn đã được phân bổ về các địa phương, trong đó có TP HCM.

Nhưng trong 6 ngày triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 5, TP mới chỉ tiêm được 221.289 liều, trung bình tiêm khoảng 36.881 liều/ngày, mỗi điểm tiêm trung bình tiêm cho 59 người/ngày. Như vậy, chưa đến 1/4 số vaccine được phân bổ và với tốc độ tiêm như hiện nay phải mất 25 ngày. Nếu không có phương án, giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm, có thể tiến độ tiêm vaccine đợt 5 sẽ chậm hơn 1 - 2 tuần so với mục tiêu đề ra.

Trong khi theo kế hoạch trước đó của UBND TP, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày và với 624 điểm tiêm có thể đạt 74.880 liều/ngày để trong khoảng 12 ngày thì tiêm hết 930.000 liều được phân bổ đợt này.

Xem xét áp dụng Chỉ thị 12 thêm 1 - 2 tuần sau ngày 1/8

Tại buổi họp báo, Phó Bí thư cho biết, đến ngày 1/8, TP sẽ có những đánh giá về tình hình dịch để đưa ra những giải pháp đồng bộ. Phó Bí thư cho rằng TP có thể áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 12 và Công văn 2468 thêm một thời gian nữa, có thể 1 - 2 tuần sau 1/8. Còn từ nay đến lúc đó, toàn địa bàn sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị 12, Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của UBND TP.

Trong ngày 27/7, 4.353 người tại các bệnh viện Covid-19 TP HCM xuất viện, nâng tổng số điều trị khỏi lên 21.338 ca kể từ khi đại dịch xuất hiện. Đây là ngày có số người xuất viện nhiều nhất tại TP HCM trong đợt dịch này.

Những người này xét nghiệm âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp được chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Đến nay, thời gian xét nghiệm rút ngắn còn ngày thứ 8, nhằm giảm sự quá tải và giúp bệnh viện có thể tiếp nhận các ca mới. Những ca xuất viện sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14 và 21.

Về việc tổng đài 1022 và 115 liên tục nghẽn mạng hoặc chưa được tiếp nhận và giải pháp trong thời gian tới. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, từ ngày 22/7 kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tổng đài bố trí 3 ca 4 kíp, mỗi ca 30 tổng đài viên và cả ngày có 120 tổng đài viên trực 24/24h tiếp nhận cuộc gọi của người dân. Tính đến ngày 28/7, tổng đài tiếp nhận 217.700 cuộc gọi. Trong đó, có 12.100 cuộc đã được tiếp nhận và chuyển các đơn vị xử lý và 70% số đó đã được sở, ngành, địa phương xử lý. Tuy nhiên, số cuộc gọi trong cùng một thời điểm quá lớn nên có tình trạng cuộc gọi đến nhưng chưa được tiếp nhận.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ông Thắng cho hay, Sở đang nghiên cứu giải pháp công nghệ và tăng số lượng tổng đài viên, tăng tình nguyện viên. Sở cũng giới thiệu thêm các đường dây nóng của các Sở, ngành, địa phương để tiếp nhận các cuộc gọi đến của người dân.

Dự kiến trong 1 - 2 ngày tới, sở sẽ triển khai ứng dụng callbot có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mỗi giờ có thể tiếp nhận thêm 3.600 cuộc gọi của người dân. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, với các giải pháp trên, TP sẽ tiếp nhận tốt hơn các cuộc gọi của người dân.

Ông Thắng nêu rõ, tổng đài 115 đã nâng lên 14 đường truyền, có thể tiếp nhận 5.000 cuộc/ngày. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi rơi vào đợt cao điểm gây khó khăn trong việc đáp ứng các cuộc gọi của người dân. TP cũng đã chỉ đạo mở thêm tổng đài dã chiến tại công viên phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 và có thể tăng lên 100 đường truyền; tăng cường thêm lực lượng. Thời gian tới, hy vọng các cuộc gọi đến tổng đài 115 sẽ được tiếp nhận.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho hay, hiện nay tổng đài 115 đã tăng thêm đường truyền và đội ngũ phục vụ công tác tiếp nhận thông tin của người dân. Ngoài xe cấp cứu cũng có thêm xe taxi để hỗ trợ cấp cứu.

Tại buổi họp báo, tin đáng chú ý nhất là 36 chuỗi lây nhiễm trên địa bàn TP đang diễn tiến đã được lực lượng chức năng khoanh vùng, giám sát chặt chẽ. Trong ngày 27/7 TP cũng không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới.

Đọc thêm