Kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8
Theo đó, qua 15 ngày triển khai thực hiện, mặc dù TP HCM đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; Do đó, TP HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8, với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị khẩn số 12, về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16. Các biện pháp tăng cường cụ thể như sau: Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa..
Thứ ba, thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông chủ động, hiệu quả, an dân: Thông tin chính xác, kịp thời, tích cực về các hoạt động phòng, chống dịch, hạn chế tối đa đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Tại buổi làm việc với TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ sự ủng hộ với quyết định kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, giải pháp căn bản và lâu dài để đối phó với dịch bệnh vẫn là tập trung nguồn lực cho vaccine.
Ông yêu cầu các địa phương xem xét lại cách làm, bình tĩnh xác định để xử lý, tập trung xét nghiệm "vùng đỏ" để tìm F0 sao cho không tiếp tục lây lan; đồng thời, tập trung giữ "vùng xanh".
Về việc cách ly F1, F0 tại nhà, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thống nhất với chủ trương mới của thành phố. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ với mô hình tháp 5 tầng.
Phó Thủ tướng Thường trực nhắc nhở cần kiểm soát các F0 được cách ly tại nhà. Các bệnh viện quận, huyện phải tăng cường năng lực, điều trị F0 ngay tại địa phương, "chia lửa" với TP. Khi bệnh nhân có triệu chứng nặng mới chuyển lên tuyến trên.
TP HCM cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực, kịp thời xử lý tiếp nhận, chăm sóc và điều trị các ca F0, nhất là các ca nặng; khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ làm để vận hành tại các khu cách ly F0, F1, khu phong tỏa và việc chuẩn bị các khu cách ly F0 tại địa phương. Tiếp tục chỉ đạo phối hợp tổ chức tốt việc cung ứng vận chuyển, tiếp nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất thông suốt, thuận lợi. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, kích động, chống phá…
Đặc biệt cần nắm chắc người dân, hộ gia đình có ca F0, F1 thuộc dạng nghèo, khó khăn, neo đơn, khuyết tật, tôn giáo, dân tộc,… kể cả người nghiện, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
TP HCM xác định thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch của TP; đồng thời yêu cầu các lãnh đạo, người đứng đầu các cấp đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra.
Huy động các nguồn lực để chống dịch
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn đề xuất Thủ tướng chi viện nhân lực hỗ trợ. Cụ thể, đối với công tác điều trị, lãnh đạo TP HCM đề nghị được hỗ trợ 927 bác sĩ; 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, TP đề nghị được hỗ trợ 2.000 nhân viên có chuyên môn liên quan.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng ký văn bản khẩn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ, điều động lực lượng nhân viên y tế của các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, TP HCM đang cần thêm 1.000 bác sĩ, gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức, 900 bác sĩ khám và điều trị; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên, gồm 300 điều dưỡng chuyên về hồi sức, 3.600 điều dưỡng, 100 kỹ thuật viên.
Không chỉ vậy, Tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân đã có văn bản về việc cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị để tạo nguồn khi cần thiết hỗ trợ phục vụ phòng, chống dịch và duy trì hoạt động trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Theo đó, Tổ điều phối yêu cầu lực lượng tham gia chống dịch phải đảm bảo các tiêu chí nam dưới 50 tuổi, nữ dưới 40 tuổi; sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được lập danh sách không quá 30% tổng số nhân lực để phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.