Huy động tối đa nguồn lực
Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hồ Chí Minh - cho biết, ngay sau thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, bên cạnh nguồn vốn được hỗ trợ từ NHCSXH Việt Nam, thành phố tiếp tục tập trung tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo theo tiêu chí của thành phố và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH TP Hồ Chí Minh đạt 3.358 tỷ đồng, tăng 1.120 tỷ đồng (gấp 1,5 lần) so với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương là 1.687 tỷ đồng, tăng 1.367 tỷ đồng (tăng 4,32 lần) so với thời điểm cuối năm 2014, chiếm 50,25% tổng nguồn vốn gồm: nguồn vốn từ cấp quận, huyện là 173 tỷ đồng, tăng 166 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của các chủ đầu tư khác là 165 tỷ đồng, tăng trên 13 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014.
Từ cuối năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% khu phố, ấp trên địa bàn thành phố, giúp hơn 263.646 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với doanh số cho vay đạt 5.876 tỷ đồng và doanh số thu hồi nợ đạt 4.088 tỷ đồng, góp phần giúp cho gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 – 2018.
Bên cạnh đó góp phần giải quyết việc làm cho gần 123.600 lao động; hỗ trợ gần 4.900 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp trên 17.300 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới gần 155.700 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn 05 huyện ngoại thành của thành phố; hỗ trợ cho 126 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp.
Nhiều mô hình, dự án hiệu quả
Qua việc sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Có thể kể đến các mô hình như chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; trồng hoa mai ở quận Thủ Đức; Tổ hợp tác trồng rau sạch ở huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi hàu và làm muối ở huyện Cần Giờ; Câu lạc bộ trồng hoa lan kiểng ở huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn; Tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm ở quận Phú Nhuận,...
Tổng nợ quá hạn là 38,2 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại (30/9/2019), chiếm tỷ lệ 1,14% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,38% so với thời điểm cuối năm 2014 (1,52%) càng thêm minh chứng hiệu quả của dòng vốn tín dụng ở thành phố này.
Để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2019 - 2020, bên cạnh các chính sách của Trung ương, thành phố thực hiện mức cho vay tối đa theo giá trị hợp đồng đối với thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ Quỹ xóa đói giảm nghèo.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố được ngân sách thành phố hỗ trợ cấp bù phần lãi suất 4%/năm. Đặt mục tiêu đưa dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng từ 10% đến 15%, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 40 cần tiếp tục đạt chất lượng và hiệu quả hơn.
Về phía NHCSXH TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trần Văn Tiên cho biết, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo để nguồn vốn tiếp cận được 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát và quản lý vốn để từng đồng vốn của địa phương đến nhanh, đúng và đủ, góp phần giải quyết bài toán giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người nghèo với mức thu nhập chung của thành phố.