TP Hồ Chí Minh: Tập trung chăm lo người dân trong thời gian giãn cách

(PLVN) - Trong 2 tuần tới, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 12, TP HCM sẽ tăng cường hơn nữa việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân, không bỏ sót, không để người dân đói.
Trong thời gian giãn cách xã hội tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường hơn nữa hỗ trợ, chăm lo cho người dân, nhất là người dân trong khu phong tỏa.

Thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ nhu yếu phẩm ở 3 cấp

Chiều 2/8, cuộc họp trực tuyến về công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội do Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì với các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Phó Bí thư cho biết, trong thời gian qua, TP có nhiều cố gắng, cùng với các nguồn, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là người nghèo, lao động tự do, công nhân trong các khu phong tỏa kéo dài. Mặt trận Tổ quốc và các lực lượng thiện nguyện khác cũng đã tập trung chăm lo. Nhưng không thể phủ kín toàn diện, toàn bộ.

Theo ông Hải, TP HCM là địa phương có đông lực lượng công nhân, người dân từ các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Và nhiều hộ dân không có hộ khẩu, không có nơi cư trú. Đây là nhóm người góp phần xây dựng TP phát triển và cần được quan tâm, chăm lo, không để họ gặp khó khăn. “Chúng ta không để người dân nào bị đói trong thời gian giãn cách. Các địa phương cần rà soát để chăm lo cho người dân. Thời điểm khó khăn này, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc họ nhằm đảm bảo an dân và góp phần phát triển lại kinh tế sau dịch bệnh”, ông Hải nhấn mạnh.

Thường trực Thành ủy đã có kết luận về việc thành lập các Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết cho người ở 3 cấp là cấp TP, cấp quận, huyện và cấp phường, xã. Các trung tâm cần phải đảm bảo bám sát người dân, nắm rõ về số liệu để có thể hỗ trợ, không bỏ sót bất cứ đối tượng nào. Nếu bỏ sót sẽ có lỗi với người dân.

Trong 2 tuần giãn cách xã hội tới, lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tính tới phương án tính toán và tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực tới từng hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn; tìm thêm phương án để tăng cường việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân thuộc địa bàn mình.

Tại buổi họp, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TP thông tin, thời gian qua, TP đã thực hiện giải quyết hỗ trợ người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND. Trong đó, TP đã chi hơn 467 tỷ đồng để hỗ trợ toàn bộ người lao động không có kết giao hợp đồng, lao động tự do. Bên cạnh đó, 100% hộ kinh doanh đã dừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 7, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai Nghị quyết 09 tới 379.639 đối tượng với tổng số tiền hơn 578 tỷ đồng.

Y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19

Dự kiến trong tháng 8/2021, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và tổ chức tiêm hơn 4 triệu liều vaccine để đảm bảo độ bao phủ vaccine cho người dân cũng như tính chất cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Do đó, TP đề nghị Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ vaccine liên tục cho TP để thực hiện mục tiêu đến cuối tháng 8 có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine.

Trước tình hình dịch bệnh, đáp lại lời kêu gọi, một số bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chuyển đổi công năng để thực hiện tiếp nhận, điều trị COVID-19, đến ngày 2/8, có 2 bệnh viện tham gia. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đưa vào hoạt động tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 (tạm đổi tên thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức). Giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường (trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu) bố trí tại tầng 2, 3, 4 của tòa nhà và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường Hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2. Bệnh viện Quốc tế City cũng bắt đầu nhận bệnh hồi sức COVID-19, dự kiến ban đầu là ca 50 ca.

Ngoài ra, còn có Bệnh viện Xuyên Á đang lập 1 bệnh viện bằng cách lắp ráp nhà tiền chế, tách biệt với khu điều trị hiện hữu và có quy mô 125 giường. Bệnh viện Triều An cũng đăng ký tách đôi bệnh viện hiện hữu với quy mô 100 giường. Bệnh viện Nam Sài Gòn sau thời gian tạm ngưng cũng đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị COVID-19 trong vài ngày tới…

Ngày 2/8, TP HCM đồng loạt tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine cho các shipper các hãng Gojek, Grab, Be và shipper của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... Đây là lực lượng quan trọng trong giai đoạn TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã được Sở Công Thương TP HCM đề xuất ưu tiên tiêm chủng này.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong ngày 1/8, TP HCM có thêm 3.207 bệnh nhân xuất viện, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 37.846 người.

Đọc thêm