TP Hồ Chí Minh triển khai hàng loạt dự án phố đi bộ: Làm sao để hoạt động hiệu quả?

(PLVN) - Nhiều dự án tuyến phố ẩm thực, vui chơi đang được triển khai nhằm khai thác triệt để thế mạnh du lịch của TP.HCM. Tuy nhiên, để các dự án này đi vào thực tiễn hiệu quả, không chỉ cần những kế hoạch hấp dẫn trên giấy.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm vui chơi yêu thích của người dân và du khách.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm vui chơi yêu thích của người dân và du khách.

Hàng loạt con phố vui chơi ra đời

Mới đây, thông tin quận 3 quyết định biến khu vực chung quanh vòng xoay Hồ con rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố ẩm thực làm nhiều người dân phấn khởi.

Theo thông tin được Bí thư Quận ủy quận 3 Phạm Thành Kiên đưa ra tại cuộc họp giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM với Ban Thường vụ Quận ủy quận 3 ngày 26/11, Ban Thường vụ Quận ủy quận 3 đã giao cho UBND quận 3 xây dựng "Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ trên đường Nguyễn Thượng Hiền và khu vực hồ Con Rùa". 

Theo đề án, việc xây dựng phố đi bộ nếu được UBND TP chấp thuận sẽ triển khai làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 làm từ điểm nối đường Điện Biên Phủ đến điểm nối đường Nguyễn Đình Chiểu, giai đoạn 2 sẽ mở rộng ra đoạn đường còn lại. 

Đề án này thu hút sự quan tâm của người dân bởi hiện tại, đường Nguyễn Thượng Hiền vốn là con phố nổi tiếng với thế mạnh ẩm thực hè phố. Còn khu vực vòng xoay Hồ con rùa vốn là điểm tụ tập, vui chơi của giới trẻ Sài Gòn.

Tuy nhiên, trước đến nay, phố Nguyễn Thượng Hiền khá chật chội, đông đúc bởi con đường quá hẹp, những quán hàng lấn chiếm lề đường, chen chúc với xe máy. Tương tự, Hồ con rùa là khu vực nổi tiếng ngay trung tâm TP nhưng không đa dạng về ẩm thực, hàng rong bán khắp nơi, thiếu VSATTP, thường bị truy quét.

Việc biến hai khu vực đông đúc nhưng chưa quy củ này thành phố ẩm thực, phố đi bộ sẽ khiến nơi này trở nên tươm tất và dễ thu hút người dân cũng như du khách hơn.

Trước đó, UBND TP đã đồng ý đề án thành lập phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm không bia rượu tại quận 10. Hiện phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm quận 10 đang được triển khai thi công, sắp đi vào hoạt động. Phố được thiết kế dài hơn 100 m, từ ngã ba Nguyễn Lâm - Bà Hạt đến Nguyễn Lâm - Nhật Tảo thuộc phường 6.

Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 48 gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm cùng với các hoạt động văn hóa, âm nhạc đường phố, trò chơi... Phố đi bộ sẽ mở cửa từ 18 giờ - 23 giờ hằng ngày. Một số quận khác, thời gian qua cũng triển khai vào thực tế hoặc triển khai đề án phố đi bộ, phố ẩm thực đêm…

Mới đây, đề án quy hoạch chi tiết 930 ha khu trung tâm được phê duyệt, định hướng một số tuyến đường chính trong khu vực sẽ trở thành các tuyến phố đi bộ. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã đề xuất một số phương án cho đề án này, mà trọng tâm sẽ là khu vực quận 1. 

Các tuyến phố đi bộ sẽ được mở rộng, qua các con đường trung tâm thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão. Một số phương án triển khai các tuyến phố đi bộ có tính khả thi cao cũng được đặt ra, như phố đi bộ hoạt động vào ngày cuối tuần cho quận 1 với nhiều tuyến đường ở trung tâm, cho phép xe qua lại và cấm xe trên một số tuyến đường vào cuối tuần, hoặc cho phép một số con phố đi bộ hoạt động 24/7, cấm xe cơ giới…

Để thành công cần nhiều yếu tố

Những con phố đi bộ, phố ẩm thực sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân khu vực và người dân TP nói chung như giảm thải xe cộ, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và giúp cải thiện đời sống người dân…

Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm thành công sau 3 năm.
 Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm thành công sau 3 năm. 

Trên thực tế, có hai phương án xây dựng phố đi bộ - phố ẩm thực thường được thực hiện, đó là cải tạo những khu vực ăn uống, vui chơi cũ hoặc xây dựng đề án hoàn toàn mới. Các khu được cải tạo có thể kể đến Đề án Phố đi bộ, phố ẩm thực của UBND quận 3 nói trên.

Hoặc phố ẩm thực Vĩnh Khánh - quận 4, trước kia là “phố ốc” tự phát với hàng trăm quán ốc hè phố. Sau khi trở thành phố ẩm thực, nơi này trở nên quy mô, nổi tiếng, thu hút khách các khu vực khác đến hơn. 

Một con phố ẩm thực cũng được đánh giá thành công là Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, con phố hàng rong đầu tiên của TP HCM. Vốn là con đường trung tâm với nhiều quán ăn gia đình hè phố tự phát, con phố này đã được cải tạo thành phố hàng rong quy củ, ngăn nắp với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ ngày phố hàng rong ra đời và trở thành điểm yêu thích của giới văn phòng quận 1 và quận 3 vì thức ăn ngon, giá cả bình dân, khu vực này trở nên an ninh, sạch sẽ, đời sống các hộ kinh doanh cũng được nâng cao, khấm khá hơn.

Tuy nhiên, không phải đề án phố ẩm thực, phố đi bộ nào cũng thành công. Một số quận từng cải tạo một khu vực ăn uống thành phố đi bộ, nhưng rơi vào cảnh đìu hiu hơn trước.

Để một tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực thành công, cần đến nhiều yếu tố như tính khả thi của dự án, lựa chọn khu vực đúng, phân luồng giao thông hợp lý, đội ngũ quản lý trật tự đô thị hiệu quả. Quan trọng hơn, những con phố ấy phải mang ưu thế riêng của khu vực, có nét độc đáo riêng biệt, không trở thành bản sao của nhau. 

Đọc thêm