Trước đó vào tháng 3/2016 UBND tỉnh BR-VT cũng đã có Văn bản số 55/TB-UBND yêu cầu UBND TP Vũng Tàu rà soát và thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực tránh để bà Hương khiếu nại kéo dài.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 1991 UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (ĐK VT-CĐ) đã ban hành quyết định xây dựng cụm ki ốt và bãi đậu xe đối diện chợ Vũng Tàu, giao cho UBND phường 3 là chủ đầu tư và tự cân đối nguồn vốn. Bà Hương- người có đất tại dự án đã thực hiện đầy đủ việc góp vốn xây dựng (13,4 triệu đồng/ki ốt) và nộp 3,460 triệu đồng đền bù hoa màu, thiết kế và san lấp mặt bằng trên diện tích 147m2.
Năm 1991 UBND phường 3 ra quyết định giao quyền sử dụng ki ốt cho bà Hương. Bà Hương sử dụng ki ốt đóng thuế đầy đủ và nghiêm túc kê khai đăng ký đất trong sổ mục kê của phường từ năm 1993. Luật Đất đai năm 1987 không qui định người sử dụng đất (SDĐ) phải nộp tiền SDĐ nhưng lại qui định người SDĐ phải có nghĩa vụ đền bù thiệt hại thực tế cho người đang SDĐ bị thu hồi theo quy định pháp luật.
Năm 2006 tỉnh BR-VT ban hành quyết định thu hồi 12,7 ngàn m2 đất ở khu vực này giao cho Cty TNHH Thái Dương làm trung tâm thương mại. Năm 2009 UBND TP Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất ki ốt của bà Hương nhưng không bồi thường giá trị SDĐ mà chỉ được hỗ trợ 80% nhà bằng 68 triệu đồng. Không đồng ý với quyết định của UBND TP Vũng Tàu, bà Hương khởi kiện UBND TP Vũng Tàu ra Tòa hành chính và được Tòa xử thắng kiện UBND TP Vũng Tàu ở cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó UBND TP Vũng Tàu phải bồi thường giá trị đất cho bà Hương.
Điều lạ ở vụ án này là khi bà Hương có đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Tòa án cũng đã có văn bản gửi UBND TP Vũng Tàu đề nghị tạm ngừng cưỡng chế ki ốt bà Hương đang sử dụng. Tuy nhiên UBND TP Vũng Tàu vẫn quyết liệt cưỡng chế. Bị cưỡng chế, bà Hương mất ki ốt nhưng điều lạ hơn là sau đó nhiều năm dự án này của Cty TNHH Thái Dương không triển khai, vẫn là mảnh đất hoang.
Từ năm 2013, bà Hương đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND TP Vũng Tàu thi hành án. Đã có tổng cộng hàng chục văn bản công văn của UBND, HĐND tỉnh BR-VT… chuyển đơn bà Hương hoặc đề nghị UBND UBND TP Vũng Tàu thi hành án.
Thế nhưng lạ và khó hiểu hơn là sau khi tổ chức đối thoại với bà Hương ngày 9/11/2015, Phó Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Nguyễn Đăng Minh lại ký Văn bản số 57-TB/TU giao cho UBND TP Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan kiểm tra pháp lý 2 bản án và ‘Tham mưu UBND TP Vũng Tàu thực hiện thủ tục giám đốc thẩm theo qui định” dù theo quy định của pháp luật thì thời hiệu kháng nghị đã hết. Ngày 9/3/2016 UBND tỉnh BR-VT đã ra Thông báo cho hay vụ việc trên đã hết thời hiệu kháng nghị, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Tương tự trường hợp của bà Hương là bà Nguyễn Thị Miều (SN 1933) bị thu hồi ki ốt ở đối diện chợ Vũng Tàu để giao đất cho Cty TNHH Thái Dương nhưng UBND TP Vũng Tàu cũng không bồi thường. Bà Miều khởi kiện quyết định của UBND TP Vũng Tàu và đã thắng kiện UBND TP Vũng Tàu cả hai cấp tòa án.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 3 năm nay nhưng UBND TP Vũng Tàu cũng không thi hành án. Điều tréo ngoe là năm 2015, cơ quan chức năng TP Vũng Tàu cũng đề nghị xem xét thực hiện thủ tục giám đốc thẩm nhưng ngày 9/3/2016 UBND tỉnh BR-VT đã ra Thông báo vụ việc này cũng hết thời hiệu kháng nghị và yêu cầu Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu tổ chức thi hành bản án nhưng UBND TP Vũng Tàu vẫn không chịu thi hành.
Từ thực tế trên đặt ra câu hỏi: Khi chính quyền không thực hiện theo phán quyết của toà án thì ai là người cưỡng chế? Thiết nghĩ các cơ quan pháp luật tỉnh BR-VT cần có biện pháp mạnh để thi hành phán quyết của tòa, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.