Mặc dù, ông Đào Huy Hoàng (SN 1967, ngụ Quận 3, TP HCM) là người đại diện được ủy quyền hợp pháp sở hữu thửa đất số 513 theo tờ bản đồ số 54 (Theo trích lục bản đồ địa chính 2003) với diện tích là 907,5m2 được UBND Quận 9 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AN-841197 ngày 03/11/2008. Thế nhưng chủ sở hữu lại không thể xây nhà, chuyển nhượng vì một quyết định "lạ" của chính quyền địa phương.
Quyết định lạ đời
Phản ánh với báo chí, ông Đào Huy Hoàng không giấu khỏi bức xúc cho biết, thửa đất của gia đình ông có mặt trước là đường Hàng Tre, mặt sau là đường 12F với tổng diện tích được công nhận là 907,5m2.
Thế nhưng, năm 2018 UBND phường Long Thạnh Mỹ (Q.9, TP HCM) lấy lý do là “hỗ trợ các hộ dân trên đường 12F” bất ngờ cho di dời hệ thống điện trên đường 12F vào sâu trong phần đất của gia đình ông.
Cụ thể, ngày 15/3/2018, bà Lê Thị Kim Liên – Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ đã ký, thông qua bản vẽ thi công di dời trụ lòng đường theo đề nghị của các hộ dân khu vực đường 12F (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP HCM) giao cho Đội quản lý đô thị - Công ty điện lực Thủ Thiêm thực hiện. Theo đó, di dời lưới điện và hai trụ lòng đường trên đường 12F tịnh tiến vào sâu trong phần đất của gia đình ông Đào Huy Hoàng 1,5m.
UBND phường Long Thạnh Mỹ thông qua bản vẽ thi công về việc di dời cột và lưới điện vào sâu trong phần đất của gia đình ông Hoàng. |
“Dựa vào sự ủng hộ của UBND phường, các hộ dân trên đường 12F tiếp tục tự ý mở rộng đường bằng cách cán đường bê tông lấn sâu vào phần đất của gia đình tôi. Mặc dù, tôi và gia đình đã kịch liệt phản đối thế nhưng UBND phường Long Thạnh Mỹ vẫn không can thiệp kịp thời để mặc mọi sự diễn ra”, ông Hoàng bức xúc cho biết.
Theo ông Hoàng, kể từ khi UBND phường Long Thạnh Mỹ có quyết định lạ nói trên, các hộ dân trên đường 12F ngang nhiên thực hiện việc xây dựng trái phép, cơi nới phòng trọ lấn chiếm mở rộng ra phần đường cũ. Từ đó, đẩy con đường 12F xê dịch sâu vào phần đất của gia đình ông.
Căn cứ chứng từ về nguồn gốc sử dụng đất và bản đồ hiện trạng vị trí do Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cấp ngày 21/2/2019 và biên bản xác nhận của Trưởng phòng Địa chính UBND phường và trưởng khu phố. Thực tế cho thấy, phần đường 12F bị xê dịch nghiêm trọng là do các hộ dân đối diện xây dựng trái phép, lấn chiếm phần đường hiện hữu vốn có.
Chính quyền “đá bóng” trách nhiệm?
Theo tìm hiểu, năm 2018, ông Đào Huy Hoàng bán lại thửa đất số 513 theo tờ bản đồ số 54 của gia đình mình cho ông Phan Hồng Phi (SN 1983, ngụ Q.9, TP.HCM). Sau khi đo đạt và kiểm tra lại diện tích đất theo GCNQSDĐ thì mới tá hỏa phát hiện chỉ còn lại 807m2. Diện tích hơn 100m2 đã bị các hộ dân trên đường 12F xây đường bê tông lấn chiếm nghiêm trọng.
Bị mất đất vô lý, gia đình ông Hoàng tiến hành mời Trung tâm đo đạc bản đồ TP HCM xác định lại ranh đất của gia đình mình và tiến hành làm bờ rào để bảo vệ đất. Tuy nhiên, các hộ dân trên đường 12F phản đối, đạp phá với lý do phần đất trên là đất chung và tiến hành tranh chấp.
Mặc khác, sau khi ông Đào Huy Hoàng bán lại thửa đất nói trên cho ông Phan Hồng Phi thì không cách nào làm thủ tục chuyển nhượng để sang tên đổi chủ vì một phần đất giáp ranh với đường 12F bị các hộ dân nơi đây tranh chấp.
Bản vẽ thửa đất của gia đình ông Hoàng. |
Ông Đào Huy Hoàng cho rằng: “Mọi việc đều xuất phát từ quyết định di dời lưới điện từ ngoài đường 12F vào trong phần đất của gia đình tôi mà UBND Phường Long Thạnh Mỹ thực hiện vào năm 2008. Tuy nhiên, mỗi khi tôi gửi đơn đến UBND Phường đề nghị họ giải quyết thì họ bảo tôi lên Quận vì đây không thuộc thẩm quyền giải quyết của Phường”.
“Tôi lên Quận nộp hồ sơ thì sau gần 1 năm trời chờ đợi, Quận lại bảo Phường đang xử lý. Khi tôi tiếp tục về Phường thì Phường bảo tôi đi kiện đi vì sự việc này không thuộc thẩm quyền của Phường”, ông Hoàng bất lực nói.
Trước cách xử lý khiếu nại vòng vo, không rõ ràng của chính quyền địa phương, ông Hoàng và gia đình vô cùng bức xúc. Theo ông Hoàng, nếu vụ việc này không thuộc thẩm quyền của Phường thì tại sao trước đây Phường lại ký quyết định cho phép di dời cột và mạng lưới điện vào trong đất của gia đình mình?
“Đến nay, khi gia đình tôi muốn xây nhà trên phần đất của mình thì bị vướng mạng lưới điện nói trên. Hiện nay, Công ty điện lực đã gửi 3 văn bản về Phường nhưng Phường lại không ký giấy xác nhận để phía điện lực di dời cột điện ra khỏi ranh đất của gia đình tôi”, ông Hoàng bức xúc nói.
Gần 2 năm nay, ông Đào Huy Hoàng không ngừng chạy ngược, chạy xuôi đệ đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền chỉ mong UBND Phường Long Thạnh Mỹ, UBND Quận 9 (TP.HCM) trả lại quyền lợi hợp pháp theo GCNQSDĐ được nhà nước cấp cho gia đình mình. Tuy nhiên, mặc kệ khiếu nại chính đáng của người dân cho đến nay địa phương này vẫn không giải quyết.
Trả lời câu hỏi người dân phải đợi đến khi nào mới được giải quyết mà phóng viên đưa ra, bà Lê Thị Kim Liên – Chủ tịch UBND Phường Long Thạnh Mỹ cho biết: “Hiện tại các hộ dân đã gửi khiếu nại lên UBND Quận 9 giải quyết. Hiện nay, UBND Quận 9 đã chỉ đạo các phòng ban liên quan kiểm tra, giải quyết theo quy định”.
– Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp. (Điều 17)
– Chủ tịch UBND huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. (Điều 18)
– Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. (Điều 19)
– Giám đốc sở và cấp tương đương giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. (Điều 20)
– Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. (Điều 21)
– Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. (Điều 23)