“Trả” cuộc đời cho cha mẹ

(PLVN) -  Ỉ lại cha mẹ, bóc lột sức lao động, thậm chí bòn rút của cải cha mẹ đến tận khi cha mẹ đã già là một trong những “căn bệnh” có thể gặp của một bộ phận người Việt từ trước đến nay.
Đừng biến niềm vui ở bên cháu thành gánh nặng lao động của cha mẹ già. (Ảnh minh họa )

Những “đứa trẻ không chịu lớn”

Mới đây, một nhóm kín về gia đình trên mạng xã hội đã mở một đề tài thảo luận xoay quanh câu chuyện “con dù lớn vẫn không chịu trưởng thành”. Thông qua những câu chuyện thật được chia sẻ trong diễn đàn, một góc khuất đáng buồn của nhiều đại gia đình đã được phơi bày khi con cái ỉ lại, “bóc lột” cha mẹ đến tận khi cha mẹ đã già.

Chị Ngô Thị Kim H, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM kể câu chuyện của chính gia đình mình. Gia đình chị có hai chị em, cha mẹ là viên chức về hưu. Cậu em trai lúc nhỏ là một cậu bé xinh xắn, được cha mẹ và chị cưng chiều, yêu thương. Cha mẹ nuôi cho ăn học, sau đó đi du học. Trở về nước, em trai chị H xin việc ở một công ty có tiếng với mức lương cao, nhưng bị sa thải vì không đảm bảo tiến độ công việc, sau đó đi làm ở một công ty bình thường với mức lương làng nhàng.

Hàng tháng, người em trai vẫn xin thêm chị và cha mẹ tiền vì lương không cao nhưng thói quen vung tay quá trán. Đến khi người em trai lấy vợ, sinh con và vẫn sống chung với cha mẹ, mọi chuyện vẫn không khá hơn vì hàng tháng, mức lương của hai vợ chồng chỉ đủ họ tiêu xài và phần nào nuôi con. Tiền chi phí sinh hoạt của toàn bộ gia đình mỗi tháng ông bà cụ vẫn phải còng lưng ra gánh.

“Tôi lấy chồng, ở riêng nhưng nhìn gia đình của mình mà cám cảnh và phiền muộn. Cha mẹ tôi không dám tiêu xài, bồi bổ cho bản thân, tiền lương, thu nhập thêm đều dùng làm chi phí nuôi cả nhà em trai, rồi cho thêm mua sữa, tã, quần áo cho cháu được sống tốt hơn. Mỗi lần tôi cho tiền thì cha mẹ cũng chẳng được hưởng mà số tiền ấy lại được dùng cho cả nhà em trai tôi. Cả hai đứa đều thích hưởng thụ nhưng không nỗ lực để tăng thu nhập mà ỉ lại, có gì cũng ngửa tay xin tiền cha mẹ. Tôi đã nói nhiều nhưng chẳng thể thay đổi được gì”.

Câu chuyện gia đình chị H khiến nhiều người đồng cảm vì đang trong hoàn cảnh ấy hoặc chứng kiến những trường hợp đáng buồn như thế trong cuộc sống. Như chuyện của chị Nguyễn Thục A, 50 tuổi ngụ Phạm Thế Hiển, quận 8, là mẹ đơn thân vất vả nuôi con khôn lớn. Đến khi con gái trưởng thành, lại chọn con đường “single mom”. Có con rồi, cô con gái không chí thú làm ăn, đỡ đần cùng mẹ mà giao con hẳn cho bà nuôi, còn mình vẫn lo yêu đương, bay nhảy. Ở tuổi hơn 50, chị Thục A vẫn phải còng lưng làm việc nuôi cả con lẫn cháu, vừa phải chăm cháu nhỏ như nuôi con mọn.

Chấm dứt hành vi “bạo hành tinh thần” cha mẹ

Thực tế, chuyện cha mẹ phải “bao cấp” con về tài chính cả khi con trưởng thành, lập gia đình, cha mẹ hết tuổi lao động là không hiếm. Một trường hợp phổ biến khác, con cái lập gia đình sinh con đẻ cái, quay lại “giao khoán” cháu cho ông bà nuôi với lý do “bận đi làm”, “bận kiếm sống”. Ông bà thì thương con, thương cháu, không nỡ chối từ.

Có không ít trường hợp vợ chồng kết hôn, sinh con rồi chia tay, mạnh ai nấy bay đi tìm kiếm hạnh phúc riêng, “vứt” con cái lại cho ông bà muốn ra sao thì ra. Có những cụ ông, cụ bà khốn khổ vì một lúc phải chăm nuôi cả cháu nội lẫn cháu ngoại, vì con trai và con gái đều viện cớ bận rộn kiếm sống...

Vì thế, không hiếm những bậc cha mẹ cả cuộc đời sinh ra chưa hề có được phút thong dong. Lúc trẻ thì vất vả mưu sinh để nuôi con. Đến khi con lập gia đình thì vẫn vất vả nuôi cháu. Có cả trường hợp ông bà vì tuổi già nuôi cháu quá vất vả, đổ ra các chứng bệnh khớp, tiền đình, thậm chí cả tai biến.

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, trong gia đình, con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và đây cũng là nghĩa vụ phải thực hiện của con cháu. Đồng thời, Luật cũng quy định con cháu không được ép buộc cha mẹ, người cao tuổi làm việc quá sức mình, gây tổn hại sức khỏe.

Có thể thấy, những hành vi như lạm dụng tài chính của cha mẹ, đưa cha mẹ vào thế phải lao động nặng nhọc để nuôi con, chăm sóc cháu ngay cả khi đã hết sức lao động cũng là một hình thức “ngược đãi” tinh vi, núp dưới danh nghĩa “tình cảm gia đình”. Những hành vi ấy đáng phải lên án, thậm chí phải xử lý theo pháp luật, nếu gây ra những tổn thương về tinh thần, sức khỏe cho cha mẹ.

Nhưng trước khi đợi đến sự can thiệp của pháp luật thì những người con cần thay đổi lối suy nghĩ ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, bắt cha mẹ phải hy sinh. Hãy tự lo và tự có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, “trả” lại cho cha mẹ một cuộc đời đáng sống.

Ở chiều ngược lại, các bậc cha mẹ cũng cần có sự giáo dục con từ thuở còn thơ về tính tự lập, tự chủ, vì trong thực tế, rất nhiều trường hợp con cái khi đến già vẫn là những “đứa trẻ to xác” ích kỉ và bòn rút vì sự chiều chuộng, dung dưỡng của các bậc cha mẹ.

Đọc thêm