Trả giá cho quá khứ

(PLO) -Sự kiện pháp lý đáng quan tâm tuần qua là việc 4 lãnh đạo công ty tại Đà Nẵng bị khởi tố, khám xét nhà vì liên quan đến Vũ “nhôm” trong vụ án với tội danh Vi phạm các quy định sử dụng tài sản nhà nước gây lãng phí, thất thoát.
Cảnh sát khám xét nơi ở của Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng)
Cảnh sát khám xét nơi ở của Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng)

Việc phá án này đồng nghĩa với các thủ đoạn thâu tóm “đất vàng” bị phanh phui và làm phát lộ sự cấu kết, “đi đêm” giữa nhà chức trách với doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản quốc gia, bổ sung thêm vào danh sách bị can ngoài các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng có thêm những nhà doanh nghiệp, công ty.

Cùng thời điểm, Đà Nẵng đề nghị khai trừ Đảng đối với cựu Chủ tịch TP đã bị khởi tố. Buông lỏng quản lý, để tội phạm thao túng, gây thiệt hại cho xã hội tất yếu sẽ phải trả giá và bây giờ đã là thời điểm đó.

Trả giá cho yếu kém trong quản lý nhưng ở một lĩnh vực khác tại Đà Nẵng là việc bằng mọi giá phải lấy lại Sân vận động Chi Lăng đã bị “xẻ thịt”, kể cả việc trả lại tiền đã thu và tính lãi suất. Một quyết định sai lầm của nhiệm kỳ trước khiến mất rất nhiều công sức, tiền bạc, thời gian chỉ để “hoàn nguyên” cái cũ mà thôi.

Trong diễn biến của đời sống pháp luật, cựu Bí thư thị xã Bến Cát vừa bị khởi tố, bắt giam trong một vụ án với tội danh tương tự như Vũ “nhôm” và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra ở địa phương ông này quản lý trước đây. Ông bị bắt khi vẫn trên cương vị Tỉnh ủy viên, làm việc tại Tỉnh ủy Bình Dương. Ông này “đi lên từ đất”, từng giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch, tiếp đến là Bí thư thị xã Bến Cát. Giờ là lúc ông phải trả giá cho sự nghiệp thăng quan, tiến chức của mình với các hành vi phạm tội.

Trả giá cho quá khứ tuần qua là việc 2 Thứ trưởng Bộ Công an bị cách chức, giáng quân hàm trong một động thái có liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”. Tìm cách chạy tội cho người khác rồi chính mình phải trả giá là các bác sỹ, cán bộ đã cấp giấy chứng nhận tâm thần cho các đối tượng phạm tội hình sự gây nên sự bức xúc lớn trong xã hội.

Việc nhỏ do một số người gây nên nhưng xã hội phải trả giá đắt đó là trường hợp thu tiền “chống trượt” ở các cơ sở đào tạo lái xe tại Hà Nội. Giá này rất đắt có khi phải trả bằng chính sinh mạng con người trong những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong tương lai gần do chính những người “chống trượt” cầm lái. Đào tạo bác sỹ, sỹ quan công an, quân đội cho những người “chống trượt” trong thi cử cũng sẽ gây ra thảm họa tương tự nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội cao gấp nhiều lần.

Nếu không phải trả giá cho những hành vi phạm tội thì đồng nghĩa với việc xâm hại trị an, trật tự xã hội, lẽ công bằng và công lý. “Gieo gió ắt gặt bão”, quy luật nhân – quả đó luôn tồn tại, khó thoát khỏi “lưới trời”, đạo lý và pháp luật.