Trả giá đắt vì mù quáng tin “ma chài”

Xưa nay chuyện “ma chài” vẫn được người ta nói đến như một huyền tích bí ẩn xa lạ nơi núi cao rừng thẳm. Ít ai biết rằng ngày nay câu chuyện “ma chài” vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến nếp sống, nếp nghĩ của bà con người Mông. Thậm chí, niềm tin mù quáng hủ tục “ma chài” đã gây ra những vụ án mạng...
Xưa nay chuyện “ma chài” vẫn được người ta nói đến như một huyền tích bí ẩn xa lạ nơi núi cao rừng thẳm. Ít ai biết rằng ngày nay câu chuyện “ma chài” vẫn hưởng sâu sắc đến nếp sống, nếp nghĩ của bà con người Mông. Thậm chí, niềm tin mù quáng hủ tục “ma chài” đã gây ra những vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng.

“Ma chài” - nỗi kinh hãi từ ngàn xưa để lại
Theo quan niệm của người Mông, người bị “ma chài” (ma nhập vào người) thường là trẻ con, nam thanh nữ tú đương tuổi dậy thì, những phụ nữ đã có chồng cũng thuộc diện có thể bị “ma chài”.

Người bị “ma chài” thường có biểu hiện ốm đau quặt quẹo, bệnh mãi không khỏi hoặc lơ ngơ như người bị mất hồn, sống thất thần vất vưởng, lập dị khác người, bắt chước làm theo hành vi của người khác như có ma xui, quỷ khiến, thậm chí chết dần chết mòn sau một quãng thời gian dài héo hon tàn tạ.

Tuy vậy, đồng bào người Mông tin rằng “ma chài” không phải là hiện tượng tự nhiên, mà con ma là do người có khả năng đặc biệt yểm vào cơ thể những ai mà “thầy chài” thù ghét hoặc muốn nạn nhân phải làm theo ý của “thầy”.

Từ niềm tin huyễn hoặc ấy, từ bao đời này trong ý thức tâm linh của mình, cộng đồng người Mông thường có tâm lý vừa kính nể vừa sợ sệt những người biết làm “ma chài”. Dựa vào tâm lý này, những năm qua có nhiều người Mông đã tự nhận mình biết “chài”, biết yểm ma vào thân xác người khác để tôn cao chỗ đứng của mình trong cộng đồng.

Trong các phương cách để nhận biết ai đó có bị “ma chài” hay không, người Mông thường chọn phép thử bằng cách để quả trứng gà lên ngưỡng cửa, trên cái chai hoặc để trứng trên sống dao, sau đó gọi tên người nghi đang bị “ma chài”. Nếu quả trứng rơi xuống, người bệnh không bị “ma chài”. Ngược lại, nếu xướng tên hồi lâu mà trứng vẫn đứng im trong trạng thái chênh vênh thì người sở hữu cái tên đó đích thị đã bị “ma chài”.
Hiện trường vụ án.
Cũng theo phong tục của người Mông, chỉ có một cách duy nhất để chữa chứng bệnh “ma chài” là thuê thầy cúng đuổi ma ra khỏi người. Nếu không cúng, ma sẽ không buông bỏ người, kéo theo bệnh không bao giờ khỏi.

Trung úy Nông Văn Nguyên - Y sỹ Đồn biên phòng 413 (xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) cho biết: Hủ tục cúng “ma chài” của đồng bào người Mông ngày nay tuy gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho gia chủ nhưng không vì thế mà vai trò của nó trong đời sống mờ nhạt hơn so với trước. Thực tế cho thấy một số trường hợp bệnh nhân người Mông chỉ mắc bệnh thông thường như nhức đầu, cảm cúm nhưng người nhà vẫn nhất quyết cho rằng các biểu hiện mệt mỏi của người bệnh là do “ma chài” gây ra. Từ đó, họ không tiếc mời thầy về nhà cúng đuổi ma.

“Cúng mãi không khỏi, họ mới đưa bệnh nhân đến trạm xá xã hay đồn biên phòng nhờ chữa trị. Lúc này thì bệnh đã biến chứng, khó chữa, có trường hợp không qua khỏi” - y sỹ Nguyên ngao ngán nói.

Bị giết vì mang tiếng biết làm “ma chài”

Vì coi “ma chài” như một khả năng siêu nhiên của một số con người đặc biệt nên bà con người Mông rất sợ và tôn kính các “thầy chài”. Tuy nhiên, sự tôn kính ấy rất dễ trở thành sự căm thù nếu người nhà của họ bị ốm đau mãi mà thầy cúng không thể đuổi được con ma ra khỏi người bệnh. Khi thầy cúng bất lực, người ta tin rằng phải giết chết người đã gài con ma (làm “ma chài”) vào người bệnh thì may ra mới tai qua, nạn khỏi.

Thào A Páo (SN 1971, ở bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là một ví dụ điển hình về sự thù ghét các “thầy chài”. Đầu năm 2011, con trai duy nhất của Páo bỗng dưng đổ bệnh phải nằm liệt giường khiến Páo mất ăn mất ngủ. Cho rằng thằng bé nhà mình bị “ma chài”, Páo đã thuê thầy cúng về đuổi ma nhưng bệnh trạng của con Páo không hề tiến triển. Đến lúc này, niềm tin mù quáng vào hủ tục “ma chài” khiến Páo vẫn không đưa con đi khám chữa tại cơ sở y tế. Thay vào đó, anh ta quay sang căm thù một người đàn bà ở gần nhà mình tên là Giàng Thị Sú vì cho rằng bà Sú đã “chài” con mình.

Ngày 24/1/2011, Páo thuê Thào A Hồ (sinh năm 1972, ngụ tại bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đến đục cột nhà. Cũng như Páo, Hồ là đối tượng ít học nhưng đã có thâm niên nghiện ma túy.

Trong khi làm việc, Páo nói với Hồ rằng: “Bà Sú biết làm “ma chài”. Nó “chài” cho con tao tí chết. Phải giết nó thôi thì con tao mới khỏi bệnh được”. Sau đó, Páo đặt vấn đề thuê Hồ với giá 3 triệu đồng để giết chết bà Sú. Đang thiếu tiền mua ma túy, Hồ không suy nghĩ nhiều mà gật đầu ngay khi nghe thấy số tiền hấp dẫn như vậy.

Khoảng 7h hôm sau - 25/1/2011, Hồ đi đến nhà Páo và được Páo đưa trước 1 triệu đồng. Trưa 30/1/2011, Hồ lại đến nhà Páo, yêu cầu Páo đưa thêm 500.000 đồng và hứa sẽ đi giết bà Sú ngay. Páo nhất trí.

Khoảng 19h cùng ngày, Hồ sang nhà con trai mình ở cùng bản, nói dối là sắp đi săn thú rừng để mượn khẩu súng kíp. 24h cùng ngày, Hồ cầm súng đi ra đường liên xã. Cách nhà bà Sú khoảng 100 mét, Hồ kiểm tra lại tình trạng súng ống, nhồi đầy đủ thuốc súng, hạt nổ, đạn bi sắt vào nòng rồi kiên nhẫn ngồi chờ cơ hội hành động.

Khoảng 2h ngày 31/1/2011, Hồ áp sát nhà bà Sú. Nhìn qua khe ván, Hồ thấy trong nhà vẫn còn leo lắt ánh điện, trên giường ngủ có ông Thào A Sèng (chồng bà Sú), bà Sú nằm ngoài và đứa con của họ nằm giữa. Hồ lẳng lặng nhét nòng súng kíp qua khe ván, nhắm thẳng đầu bà Sú và bóp cò. Tiếng nổ chát chúa vang lên trong màn đêm, viên đạn xuyên óc khiến bà Sú chết tại chỗ. Gã sát nhân còn cẩn thận lấy đèn pin soi xem bà Sú đã chết thật chưa rồi mới chạy vào rừng cất giấu súng và trở về nhà.

Sáng hôm sau - 1/2/2011, Hồ đến nhà Páo thông báo tình hình và được Páo trả nốt 1,5 triệu đồng tiền thuê giết bà Sú như đã thỏa thuận. Sau gần 2 tuần đi lang thang và tiêu hết tiền, đến ngày 12/2/2011, Hồ mới ra đầu thú tại cơ quan công an.

Về phần Páo, tên này thấy bà Sú chết thì thần hồn nát thần tính, sợ nạn nhân biết làm “ma chài” thì cũng biết cách báo tin cho mọi người. Ở nhà mãi cũng nóng ruột, thế nên Páo đã đến nhà ông Sèng (chồng bà Sú) để đe dọa: “Việc vợ mày chết có liên quan đến tao một tý. Nếu mày làm đơn tố cáo tao, tao sẽ giết cả nhà mày”. Sợ Páo làm thật, ông Sèng đã dẫn con đến ở nhờ nhà một người họ hàng gần đó.

Hủ tục khiến người chết, kẻ đi tù

Vừa qua, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Thào A Páo và bị cáo Thào A Hồ.

Trong vụ án này, Hồ bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện VKS đề nghị phạt Hồ 19-20 năm tù. Páo bị truy tố về hai tội “Giết người” và “Đe dọa giết người” , bị đề nghị hình phạt tổng hợp là tù chung thân.

Trước vành móng ngựa, Páo và Hồ thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình và khẩn khoản xin Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị của đại diện VKS.

Tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho các bị cáo nhất trí với nội dung cáo trạng và quan điểm của vị đại diện VKS. Tuy vậy, Luật sư cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo một phần do phong tục tập quán lạc hậu của người dân địa phương, riêng bị cáo Hồ còn có tình tiết giảm nhẹ là ra đầu thú. Từ đó, người bào chữa đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau khi xem xét toàn bộ các tình tiết của vụ án, xét thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của các bị cáo và xét đơn của ông Sèng (chồng bị hại) xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, HĐXX quyết định tuyên phạt Hồ 16 năm tù về tội “Giết người”, phạt Páo 21 năm tù về các tội “Giết người” và “Đe dọa giết người”.

Thanh Tuấn

Đọc thêm