Điều 7a, Điều 44 Luật THADS quy định người phải THA có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện THA; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó.
Theo Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khi tiến hành xác minh chấp hành viên yêu cầu người phải THA kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA.
Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ THA.
Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện THA về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện THA.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về nội dung và mức độ các thông tin tài sản của người phải THA phải cung cấp. Người phải THA có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA được hiểu là người phải THA phải cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các loại tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của mình hay chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về một phần hoặc một loại tài sản nào đó tương ứng với nghĩa vụ THA?
Trong thực tiễn quy định về trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập của người phải THA chưa thực sự phát huy hiệu quả, người phải THA thường không có ý thức tự kê khai tài sản, thu nhập hoặc việc kê khai chỉ mang tính hình thức. Trong khi đó các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này còn hạn chế.
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) quy định mức xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai trung thực tài sản, điều kiện THA. Mức phạt như trên còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc để răn đe người phải THA có hành vi vi phạm.
Mặt khác, tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người phải THA không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 68, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa mà chấp hành viên được áp dụng là 500.000 đồng, do đó chấp hành viên không thể trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nói trên, mà phải đề nghị người có thẩm quyền xử phạt; điều này cũng dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn.
Ngoài việc xử phạt hành chính với mức thấp nêu trên, pháp luật cũng chưa có chế tài nào khác đủ sức răn đe đối với việc người phải THA không kê khai; kê khai không trung thực, hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập của người phải THA.
Về mặt chủ thể, người phải THA trong các bản án, quyết định rất đa dạng, có thể là cá nhân, có thể là cơ quan, tổ chức (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước…), quy định về trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập của người phải THA trong các trường hợp mà người phải THA là cơ quan, tổ chức sẽ được thực hiện như thế nào cũng là vấn đề cần tiếp tục có những quy định cụ thể hơn để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Việc nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản THA của người phải THA là hết sức cần thiết và quan trọng để quy định này được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.