Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số

(PLO) - Là Hội thảo do Khoa báo chí và Truyền thông- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với viện KAS- CHLB Đức tổ chức diễn ra cả ngày 10 tháng 6 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet
Đây là sự kiện hướng đến kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6 và cũng là dịp để những người làm báo soi lại mình trong hành trình tác nghiệp. Nhiều Lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, nhà khoa học đã tham dự và luận giải về thực trạng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong giai đoạn bùng nổ truyền thông dưới kỷ nguyên làm báo chịu sự chi phối mạnh mẽ của kỹ thuật số trong đưa tin và cạnh tranh thông tin. 
Có mặt tại cuộc Hội thảo, nhà báo lão thành Hữu Thọ- Nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng TW (nay là Ban Tuyên giáo TW) kể lại hai tình huống mà theo ông khó có thể quên trong đời. Một câu chuyện về một người mẹ bán dâm để lấy tiền nuôi con ăn học, bị báo chí bêu tên và địa chỉ, để rồi đứa con của chị xấu hổ đến nỗi bỏ học, bỏ nhà đi bụi. 
Một trường hợp khác về vụ việc Đường Sơn Quán xảy ra đã lâu, có một đồng chí vốn là một chiến sỹ biệt động có tiếng của Sài Gòn trước đây có đến quán này. Quán này thực chất cũng một quán bia ôm bình thường hiện nay. Và rồi một tờ báo có tiếng đã nêu tên đồng chí này lên báo khiến con trai ông xẩu hổ và tự tử. 
Theo lời nhà báo Hữu Thọ kể lại: :Tôi chưa bao giờ chứng kiến một đám ma đông như thế, đám học trò đi đưa đám ma nói rằng chúng cháu đi đưa đám ma vì thương tiếc bạn và để lên án các nhà báo”.  Qua đó nhà báo Hữu Thọ cho rằng sự nhân văn hết sức cần thiết cho những người làm báo và thông tin liên quan đến đời sống con người là hết sức quan trọng và nhà báo hãy cẩn trọng khi viết về nó.
Ngoài những đánh giá tích cực về đóng góp của báo chí cho đất nước, đa phần các tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra những thực trạng đáng báo động về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong kỷ nguyên số. Đáng lo ngại nhất là tình trạng mất niềm tin của bạn đọc vào báo chí. Nhà báo Đỗ Văn Dũng- Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ cho rằng: “Mất niềm tin vào bạn đọc, báo chí sẽ đánh mất tương lai”. 
PSG TS Nguyễn Thành Lợi- Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Thông tin trong thời đại số đang có sự “ô tạp”, để nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo thì cần phải làm chủ “không gian Internet, không gian lan truyền tin đồn”. 
Cạnh đó phải chuyên nghiệp hóa cách thức thu thập và xử lý thông tin để “nắn dòng” các thông tin sai lệch. Đặc biệt người làm báo khi thông tin không phải vấn đề nào cũng đưa lên mặt báo. Cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp trong chọn lọc thông tin để đảm bảo thông tin có liều lượng nhất định chứ không sa đà vào những thứ thông tin phản cảm, phản đạo đức…
Có thể nói hơn bao giờ hết, trong xu thế cạnh tranh thông tin và làm báo trong môi trường số thì đạo đức báo chí lại càng trở nên cấp thiết. Đây chính là yếu tố quyết định sự sống còn của một tờ báo và suy rộng ra là cả một nền báo chí. Bởi một khi tờ báo nào bị bạn đọc quay lưng thì đồng nghĩa đã chính thức tự tay “khai tử” cho mình.

Đọc thêm