Trai làng sợ hãi vì đồn đoán cái chết “ma ám”

(PLO) - Những câu chuyện đầy màu sắc mê tín đã khiến cái chết của nạn nhân bị tâm thần thể nhẹ trở thành nỗi ám ảnh của trai làng.
Đồn đại “ma bắt đi chơi”
Thông tin anh Nguyễn Ngọc Hải (SN 1972, ngụ thôn Xuân Phú, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị “ma rủ đi chơi rồi lấy mạng” thời gian vừa qua lan truyền khắp Quảng Nam. Một đồn mười, mười đồn trăm khiến cái chết của anh Hải càng nhuốm màu huyền bí, gây hoang mang dư luận. Pháp luật & Thời đại đã vào cuộc tìm hiểu sự việc. 
Chuyện xảy ra vào rạng sáng ngày 23/10. Như thường lệ, anh Hải vẫn dậy sớm để lo cho con đi học, tuy nhiên một lúc sau người nhà phát hiện anh đột ngột biến mất. Linh cảm có chuyện chẳng lành, gia đình tức tốc gọi người trong thôn tổ chức tìm kiếm. 
Theo một hàng xóm, khi đó, nghe tin anh Hải mất tích, ai nấy đều bất giác rùng mình nghĩ ngay đến chuyện “ma bắt”. Bởi đúng một năm trước, anh Nguyễn Công Lựu (SN 1969, ngụ cùng thôn) cũng rời khỏi nhà bí ẩn như vậy. 
Gần 2 tháng sau, một người dân đi vớt bèo mới phát hiện thi thể anh Lựu nổi tại Bàu Vàng. Sau cái chết của anh Lựu, người làng truyền tai nhau “sẽ có 3 người nữa bị “ma bắt” theo cách tương tự”. Cũng vì đồn thổi này, khi anh Hải mất tích, câu chuyện một năm về trước được ai nấy liên tưởng đến ngay.
 
Quay trở lại với trường hợp anh Hải, cả làng được huy động lùng sục khắp nơi. Sau gần 18 tiếng tìm kiếm, bất ngờ phát hiện anh Hải đang ngồi trên ngôi mộ ở núi Vàng. 
Đưa về nhà, anh kể, khi đang ngủ, nghe tiếng gõ cửa nên tỉnh giấc, sau đó thấy 3 người đàn ông vào rủ anh đi chơi. Dù trời mưa rất to nhưng anh vẫn đi theo họ. Những người lạ trên đưa anh đến khu vực ngôi miếu gần đó. 
Vào khoảng 6h sáng, trời còn chưa tỏ, họ dẫn anh xuống Bàu Vàng dưới chân miếu và thay phiên nhau nhấn anh xuống nước. Đến 19h, họ mới kéo lên, để trên ngôi mộ. 
“Khi đó, tui nghe tiếng mọi người gọi tên mình nhưng không hiểu sao không cất tiếng trả lời được”, anh Hải ú ớ thuật lại. Đến khoảng 21h, mọi người tìm thấy, đưa anh Hải về nhà. 
Theo người địa phương, Bàu Vàng như một dòng sông dài nối các thôn trong xã Quế Xuân, bèo phủ kín toàn bộ diện tích mặt nước. Nơi đây vốn được thêu dệt rất nhiều câu chuyện ma quái kì bí, như nếu một ai đó “gặp ma”, khi trở về nếu quên hết mọi chuyện, khả năng sẽ được sống. 
Trường hợp ngược lại, người gặp nạn vẫn nhớ như in những điều mình thấy, chắc chắn nhận phải lấy cái chết kiểu như “vạ miệng, đã được tha rồi còn đi kể, làm lộ hết bí mật của “thế giới bên kia”.  
Mất mạng vì người nhà quá mê tín!
Chị Nguyễn Thị Trang (SN 1972, vợ anh Hải) thuật lại, từ khuya ngày 23/10, khi đưa về nhà, chồng chị đã có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, nôn ói. Thế nhưng người thân cứ tin vào câu chuyện bị “ma bắt” nên không đưa đi bệnh viện mà chờ mời “thầy” về cúng. 
Qua đến chiều ngày 24/10, thấy anh Hải nôn ói nhiều hơn và đau đầu, gia đình mới vội đưa đến Bệnh viện Vĩnh Đức (huyện Điện Bàn) thăm khám. 
Bác sĩ Đỗ Hiển, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, người trực tiếp theo dõi bệnh nhân Hải cho biết, 14h ngày 24/10, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy đa phủ tạng, tim đập nhanh, trụy mạch. 
Một người dân cho biết sau cái chết bí ẩn một năm trước, tiếp đến cái chết của anh Hải có tình tiết tương tự, gây đồn đoán hoang mang 
Các bác sĩ nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh Hải có nguy cơ tử vong do chỉ số bạch cầu cao gấp đôi bình thường, dấu hiệu của nhiễm trùng huyết nặng. Thăm khám tiếp, anh Hải được xác định bị nhiễm trùng đường ruột dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa và sốt nhưng không được điều trị nên tình trạng bệnh chuyển biến xấu.
Khi đó, bệnh viện yêu cầu gia đình nên chuyển anh Hải ra tuyến cao hơn chữa trị. Thế nhưng, gia đình anh Hải vẫn một mực tin vào câu chuyện “ma bắt” và nấn ná chờ “thầy đang cúng ở nhà”. 
Qua hơn 7 tiếng đồng hồ thuyết phục, đồng thời cũng cảnh tỉnh bệnh tình, đến 21h ngày 24/10, gia đình mới đưa bệnh nhân chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đến nơi, bệnh nhân rơi vào trạng thái tim ngưng đập và tử vong sau ít phút.  
Cũng lời bác sĩ Hiển, tiếp tục tìm hiểu kỹ từ người nhà, người vợ có tâm sự, bệnh nhân từng có dấu hiệu bị tâm thần nhẹ, người hay mệt mỏi. Khi thấy chồng như vậy, chị cũng đã đi lấy thuốc về cho uống. Được vài tháng, bệnh tình đỡ dần, thời gian gần đây, anh ngừng dùng thuốc. Kết hợp lời của gia đình cộng với kết quả kiểm tra bệnh án, bệnh viện khẳng định, bệnh nhân Hải bị loạn thần nên dẫn đến ảo giác, hoang tưởng và mới cho rằng mình bị “ma bắt” vào rạng sáng 23/10. 
Sau cái chết của anh Lựu và tiếp thêm anh Hải, một số thanh niên trong làng vội rời quê đi làm ăn xa để tránh bị “ma bắt” như lời đồn đại. 
Trao đổi với Pháp luật & Thời đại, ông Trương Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 xác nhận, đồn đại “ma bắt” ở địa phương lâu nay lan truyền âm ỉ, đang khiến một số người lo sợ bỏ làng đi. Những ngày qua, chính quyền đã chỉ đạo cán bộ thôn, tổ xuống giải thích; trấn an tư tưởng của người dân; cấm tung tin đồn mang tính mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương./.

Đọc thêm