Trải nghiệm Tết ba miền

(PLVN) - Cùng ước vọng ấm no, hạnh phúc, may mắn trong ngày đầu năm mới nhưng Tết ở ba miền Bắc- Trung- Nam lại có đặc trưng riêng.

Khám phá phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc 

Tết Nguyên đán ở miền Bắc không thể thiếu được món bánh chưng. Đây là món bánh thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời từ thời Hùng Vương, được sử sách ghi lại.

Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt phía Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng là bánh giầy, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt.

Từ lâu, ở miền Bắc đã lưu truyền câu ca: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh... Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết. Điều đó làm nên nét đặc trưng của món ăn ngày Tết. Bánh chưng ăn dễ ngán nên cần có thêm đĩa dưa hành muối. 

Mâm cỗ Tết miền Bắc.
 Mâm cỗ Tết miền Bắc.

Trên mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa và thịt gà có mấy sợi lá chanh ở trên. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm lại rất phù hợp với khí hậu lạnh…

Trong ngày Tết ở miền Bắc, nét đặc sắc nữa là trưng bày cây đào. Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, là loại hoa đặc biệt của Tết Nguyên đán. Nhiều người chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm.

Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn… Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). 

Cành đào là đặc trưng Tết của người miền Bắc.
Cành đào là đặc trưng Tết của người miền Bắc. 

Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” – mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.

Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa… Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới). 

Đặc trưng Tết miền Trung

Trong ba miền Bắc, Trung, Nam thì miền Trung có là khu vực người dân vất vả nhất, nghèo nhất bởi khí hậu ở đây khắc nghiệt, khi thì khô hạn lúc lại lũ lụt…Mặc dù vậy, mỗi dịp Tết về cũng như khắp nơi trên cả nước, người dân miền Trung dù giàu hay nghèo vẫn náo nức đón Tết theo cách riêng của mình. Nếu miền Bắc đón xuân mới với hoa đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ…thì miền Trung có bánh tét, nem chua, mai vàng..

Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như nhụy hoa. Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng. Là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa.

Trong không khí rộn ràng của xuân mới, người miền Trung náo nức chào xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, khiến bao người con xa xứ nhớ nhung mỗi độ xuân về.

Bánh tét là món ăn đặc trưng của người miền Trung.
 Bánh tét là món ăn đặc trưng của người miền Trung.

Cũng giống như ở miền Bắc và miền Nam, người miền Trung chuẩn bị đón Tết từ khoảng 20 tháng Chạp. Vào thời điểm này, đường phố bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc người đi mua sắm, trong gia đình không khí hối hả dọp dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết ngập tràn khắp nơi.

Ngày 23 tháng Chạp, khác với người miền Bắc có tục thả cá vàng để tiễn ông Táo về trời. Người miền Trung không cúng cá chép vì kiêng theo sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng lại tượng trưng cho vua chúa nên không được đụng chạm đến.

Do đó, trong mâm cơm cúng ông Táo của người miền Trung thường chỉ có xôi, thịt heo luộc và ít hoa quả. So với các nghi lễ của người miền Bắc thì ở miền Trung đơn giản hơn rất nhiều. Sau lễ cúng, ba ông Táo của các gia đình sẽ được thay mới, các ông Táo cũ được đem đi đặt ở một góc đình, miếu hoặc gốc cây đầu làng - những nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm

Cũng như các vùng miền khác trên cả nước chiều 30 Tết sẽ làm mâm cơm tất niên cúng tổ tiên sau đó cả gia đình quây quần cùng nhau ăn bữa cơm tiến năm cũ và đón năm mới, ở miền Trung, tùy theo hoàn cảnh sẽ có món mặn gồm thịt lợn, thịt gà, các món xào, canh…

Nhưng khác với miền Bắc, cúng giao thừa phải có gà sống thiến thì ở miền Trung, mâm cúng giao thừa đơn giản chỉ gồm một ít bánh trái, mứt và xôi chè. Người miền Trung quan niệm rằng, mâm cúng giao thừa là vật phẩm cho sáng mùng một, do đó đâu năm mới nên đón nhận những thứ thanh tao, ngọt ngào…

Miền Nam không cúng chuối trong mâm ngũ quả

Đối với miền Nam, khí hậu nắng nóng quanh năm rất thích hợp với cây hoa mai ngày tết, cũng giống như cây hoa đào miền Bắc chỉ thích hợp với tiết trời se lạnh. Đây là loại hoa tượng trưng cho sự may mắn của người dân miền Nam với màu vàng rực rỡ của nắng, như khí hậu đặc trưng quanh năm nơi đây.

Mai vàng loại hoa được nhiều người miền Nam ưa chuộng.
Mai vàng loại hoa được nhiều người miền Nam ưa chuộng. 

Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển sang trọng. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành - Thổ nằm ở vị trí Trung ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Do đó, không hề ngạc nhiên khi người dân miền Nam lại chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.

Riêng trong mâm ngũ quả, người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”.

Mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả. 

Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiện cách trình bày thẩm mỹ độc đáo của gia chủ, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm”.

Đọc thêm