"Trải thảm đỏ" nhưng... không phúc đáp thư "nhà đầu tư"

Cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố tốn kém không ít tiền của nhưng trên thực tế, đa phần chỉ mang tính hình thức... 


Cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố tốn kém không ít tiền của nhưng trên thực tế, đa phần chỉ mang tính hình thức...

 Bỏ bê "thảm đỏ"

Trong vai một nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ Ban Pháp chế VCCI đã gửi email  hỏi một số thông tin chung về thủ tục, chính sách của tỉnh và đề nghị được hướng dẫn về cơ quan, địa chỉ mà nhà đầu tư nên liên lạc để tìm hiểu thêm thông tin tới địa chỉ đăng trên website tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam…

Thế nhưng, kết quả nhận được không như các tỉnh vẫn nói là “trải thảm đỏ”… Thời điểm gửi email là cuối năm 2009, khi đó có trên 50 tỉnh có website và địa chỉ liên lạc. Song trong số 43 email gửi đi, chỉ có 14 tỉnh có thư trả lời kèm thông tin cần thiết; 29 tỉnh, thành phố không có phản hồi; 16 tỉnh có địa chỉ email đăng tải trên trang web sai hoặc không hoạt động…

Trong số 14 email trả lời, có 6 email trả lời trong vòng 2 ngày làm việc, chiếm 43% tổng số phản hồi. 5 thư  trả lời trong vòng 3-5 ngày, chiếm 36% tổng số. Còn lại 3 email, chiếm 21%, được trả lời trong vòng 6-13 ngày. Về chất lượng thông tin, trong 14 email trả lời, có 12 email chỉ rõ cơ quan liên hệ và hướng dẫn thủ tục, 1 email trả lời chỉ giới thiệu cơ quan liên hệ và 1 email hẹn trả lời chính thức, song lại không có email gửi tiếp theo (Hà Tĩnh).

Đáng chú ý, những tỉnh có hồi âm sớm lại là những tỉnh lẻ, đang khó khăn như Kon Tum, Phú Thọ (trả lời ngay trong ngày), Bình Dương, Kiên Giang (trả lời sau 1 ngày); Gia Lai, Quảng Ngãi (trả lời sau 2 ngày)... Trong số 29 tỉnh, thành phố không trả lời có Hà Nội và TP HCM.

Mới chỉ cung cấp thông tin

Theo kết quả nghiên cứu về tính minh bạch của các website cấp tỉnh ở Việt Nam do VCCI tiến hành năm 2009, hầu hết website của các tỉnh, thành phố mới chỉ đáp ứng được ở mức độ 1- cung cấp thông tin. 

Hầu như các tỉnh, thành phố đều cung cấp thông tin chung về tỉnh như về khí hậu, diện tích, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, dân số, định hướng/tiềm năng phát triển và bản đồ, thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. 62/63 trang thông tin của các tỉnh, thành phố đã đưa thông tin về kế hoạch phát triển KTXH của tình trong trung và dài hạn (5 năm và 10 năm, kế hoạch đến 2020). Tuy vậy, có đến 30% tổng số các trang thông tin không có thông tin liên quan đến nguồn nhân lực, phần lớn các website cung cấp thông tin về chỉ số này mới chỉ dưới dạng rất vắn tắt, hoặc là một hợp phần của số liệu thống kê.

Theo kết quả điều tra gần 10.000 DN trên 63 tỉnh, TP ở Việt Nam của VCCI năm 2009 thì tỷ lệ DN cho biết thường xuyên truy cập website của UBND tỉnh hoặc các sở, ngành của tỉnh chỉ 14,37%, số DN cho biết chưa bao giờ truy cập chiếm đến 33,42% và số DN tỉnh thỉnh thoảng truy cập là 52,21%.

Chỉ có 3,88% DN đánh giá kênh góp ý chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua website của tỉnh, diễn đàn đối thoại trên mạng là hiệu quả nhất (so với các kênh khác như các cuộc đối thoại chính quyền –  DN: 56,42%, thông qua các hiệp hội DN và hiệp hội ngành nghề: 17,34%...).

Theo thống kê, trong số 63 cổng thông tin tỉnh, thành phố, có 25 tỉnh, thành phố không công bố thông tin về phân công, phân nhiệm của lãnh đạo tỉnh. 19/63 trang thông tin không cung cấp thông tin về lịch công tác của lãnh đạo UBND tỉnh. 11/63 tỉnh thành không cung cấp thông tin về bộ máy lãnh đạo của UBND tỉnh. Chỉ có 6 trang thông tin cung cấp đường dây nóng…

Trao đổi, tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến (mức độ 2) vẫn là mục tiêu phấn đấu của nhiều tỉnh, thành phố. Theo kết quả nghiên cứu của VCCI, có 60/63 trang cung cấp mẫu hồ sơ trực tuyến, 58/63 trang thông tin có phần hỏi đáp thủ tục hành chính, 31/63 trang cung cấp cổng đối thoại với DN, có 17 trang không có mục tìm kiếm hoặc có nhưng không hoạt động, chỉ có 10 trang thông tin của tỉnh, thành phố công bố dự thảo các văn bản QPPL của địa phương để lấy ý kiến người dân và DN.

Tuy nhiên, việc cung cấp các thủ tục trực tuyến còn khá hạn chế, chỉ với 33/63 tỉnh, thành phố có cung cấp, chiếm 52% tổng số trang tin. 41% các trang thông tin cung cấp từ 1 đến 3 thủ tục trực tuyến. Chỉ có 2 trang cung cấp 4 thủ tục trực tuyến (Hậu Giang, Kiên Giang), và 5 trang web cung cấp 5 thủ tục hành chính trực tuyến trở lên (An Giang, TP. HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng và Ninh Bình).

Ở mức độ 3 (sự phổ biến và tương tác của website), theo đánh giá của VCCI, sự khác biệt giữa các tỉnh, TP là rõ nét hơn. Kết quả, trong số 63 trang thông tin tỉnh, thành phố, có 25% chỉ cung cấp tiếng Việt. Phần lớn các trang thông tin có cung cấp thêm 1 phiên bản ngôn ngữ khác, chiếm 67%. Có 4 trang thông tin cung cấp phiên bản có 2 ngôn ngữ trở lên. Duy nhất chỉ có Đồng Nai có 4 phiên bản ngoài phiên bản tiếng Việt…

Thay vì tốn thời gian và tiền của để “xúc tiến đầu tư” (trong và ngoài nước) đã đến lúc các tỉnh, TP cần đầu tư hơn nữa cho “bộ mặt” của mình, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin và hội nhập sâu rộng như hiện nay…

Thanh Thanh

Đọc thêm