Trái tim thắp lên nghị lực của cô gái không tay

(PLO) - Có ai đó nói rằng, khi quay ngược trái tim mình lên, trái tim sẽ có hình ngọn lửa. Có phải đó là ngọn lửa của tình yêu thương, của tình người ấm áp? Ngọn lửa ấm áp cho tình yêu đi đến phút sống cuối cùng. Bạn hãy đọc hết câu chuyện này để nhận ra: “trên thế giới này đâu phải tất cả chỉ là toan tính, dối lừa…”

Không đầu hàng số phận

Ngày 8/9/2000, khoa Mỹ thuật trường trung cấp Công nghiệp Nội Mông Cổ (Trung Quốc) bắt đầu chương trình học quân sự, thế nhưng tân sinh viên Lữ Thế Thành phải ngồi ngoài với cô bạn cùng lớp Lý Tri Hoa. Trước đó, trong lễ đón chào sinh viên mới Thế Thành đã được nghe lãnh đạo trường giới thiệu về Hoa, một cô gái ngoan cường đầy nghị lực. 

Hoa có thân hình gầy nhỏ, khuôn mặt cương nghị dường như già trước tuổi. Qua nói chuyện, Thành được biết Hoa sinh ra trong một gia đình nông thôn. Khi cô ra đời được hơn 5 tháng thì người mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt bỏ đi mất tích. Hoa nằm một mình trong giường, nửa đêm tỉnh giấc khóc lóc rồi đánh đổ chiếc đèn dầu gây cháy. Tuy được cứu sống nhưng cô đã vĩnh viễn mất đi đôi tay.

Vì không có tay nên khi uống nước không biết đã bao nhiêu lần Hoa bị sặc. Vậy là lớn lên Hoa quyết định sẽ dùng chân để kẹp thìa tự múc nước uống. Đôi chân lóng ngóng khiến mỗi lần đưa chiếc thìa gần đến miệng lại bị đổ. Mất 3 tháng kiên trì, cuối cùng cô cũng có thể uống nước bằng đôi chân của mình.

Đến tuổi đi học, cô bị nhà trường từ chối. Thế nhưng nỗi khao khát được đến trường luôn thôi thúc nên hàng ngày cô cứ lẽo đẽo theo chị gái đi học. Hoa nghĩ, nếu mọi người không cho vào thì mình sẽ đứng ngoài cửa sổ nghe “lỏm”. 

Khoảng nửa học kỳ sau, khi thầy giáo giảng bài rồi đưa ra một câu hỏi. Trong lúc cả lớp không ai trả lời được, Hoa liền nói vọng đáp án vào trong. Thầy giáo vô cùng sửng sốt xen lẫn sự khâm phục. Nhờ thầy, Hoa được nhận vào lớp, thầy còn làm riêng cho cô một chiếc bàn đặc biệt để Hoa viết bằng chân.

Như nhận thêm được sự cổ vũ, Hoa học càng quyết tâm hơn. Để có thể viết bằng chân, cô bé luyện tập một cách điên cuồng đến chảy máu chân vẫn không chịu nghỉ. Chân bị phồng rộp Hoa vẫn ngậm nước mắt viết chữ. Đến khi gót chân chai sần Hoa mới viết được tên mình. 

Mùa đông trời lạnh dưới 0 độ, nhưng Hoa vẫn phải để chân trần viết chữ, về nhà đôi chân sưng tấy khiến cô không sao cởi được giầy, đau đớn khó tả. Người cha thấy vậy xót xa rớt nước mắt dùng kéo cắt giầy cho cô.

Sau những nỗ lực không ngừng ngh,ỉ Hoa luôn đứng đầu lớp trong học tập. Năm 1995 cô được bầu là đội viên tiên tiến 10 tốt toàn quốc. Cùng năm đó cô cũng thi đỗ vào cấp 2, 3 năm sau thi đỗ cấp 3. Nhưng một lần nữa vì cơ thể tật nguyền nên cô bị từ chối vào học.

Bất hạnh hơn, lúc này người mẹ của cô được phát hiện đã chết đuối ở Hà Nam. Người mẹ ra đi khiến Hoa hụt hẫng. Thấy cha ngày ngày vất vả, cô quyết định giúp cha gánh vác công việc gia đình. Cô bắt đầu dùng chân học nấu cơm, nuôi lợn, làm vườn… 

Tháng 7/2000, Hoa viết thư cho đài truyền hình và báo chí kể về câu chuyện của mình mong nhận được sự trợ giúp. Câu chuyện về cô gái nghị lực này khiến hiệu trưởng trường trung cấp công nghiệp cảm động, đặc cách nhận cô vào học. Do từ bé đã yêu thích thư pháp nên Hoa chọn khoa Mỹ thuật. 

Sự ngưỡng mộ khởi đầu cho tình yêu

Nghe xong câu chuyện của Hoa, Thành kinh ngạc về sự kiên cường của cô bạn mới. Do không có kiến thức nền về mỹ thuật nên ngoài những lúc đi ngủ và ăn cơm, mọi người đều thấy Hoa cặm cụi ở giảng đường và phòng vẽ. Cô hi vọng dùng sự cần cù bù lại khiếm khuyết bản thân. 

Thư pháp là bộ môn rất coi trọng cách cầm bút, nếu dùng tay có thể thay đổi tư thế, nhưng Hoa phải dùng chân nên chỉ có một tư thế duy nhất. Các thầy cô giáo cũng không có kinh nghiệm trong việc dạy một học sinh không có tay nên tất cả đều phải dựa vào sự nỗ lực luyện tập và lĩnh hội của chính bản thân cô. 

Mỗi khi kẹp bút vào hai đầu ngón chân để viết, Hoa phải căng các cơ của chân. Không lâu sau, do ngồi quá nhiều nên phần hậu môn của cô đau đớn không tả nổi. Bác sĩ ở phòng khám chẩn đoán có thể cô bị ung thư ruột. Có thể do đã phải chịu quá nhiều khổ nạn nên nghe thấy hai từ “ung thư” Hoa vẫn cảm thấy bình thường. Cô chỉ nghĩ mình không thể chết.

Vậy là, cô mua ít thuốc giảm đau rồi cắn răng luyện tập. Mãi đến kỳ nghỉ hè về nhà, được chị đưa đi viện kiểm tra, bác sĩ cho biết Hoa không bị ung thư mà do ngồi thời gian dài để luyện thư pháp khiến cô bị trĩ nặng, chỉ cần cắt bỏ phần trực tràng bị bệnh là được.

Về phía Thành, mỗi lần Hoa ngồi vẽ anh lại giúp cô sắp màu, lấy nước, đặt giá vẽ. Sự quan tâm của Thành khiến trong lòng Hoa cảm thấy vô cùng ấm áp. Tuy nhiên, nghĩ mình mất đôi tay giống như con vịt xấu xí nên cô cũng không dám mơ ước nhiều. 

Năm học thứ 2, hôm sinh nhật Thành cô muốn tặng anh một bức thư pháp do mình sáng tác. Nhưng khi đưa quà đến, cô thấy một cô gái xinh đẹp đang tặng cho Thành một bông hoa. Đêm hôm đó về phòng, Hoa không sao ngủ nổi nên từ đó trở đi cô cố ý tránh mặt Thành.

Thành cảm thấy sự thay đổi nên nhân một lần chỉ có hai người anh hỏi tại sao thì Hoa bảo rằng: Thành đừng đối xử tốt với mình nữa. Nghe vậy, Thành nói sẽ chỉ đối xử tốt với một mình Hoa. “Nhưng mình không đáng để bạn quan tâm vì đến đôi tay còn không có!”, Hoa nói. “Mình thích bạn! Mình muốn được làm đôi tay của bạn, ôm ấp bạn suốt đời”, thì ra từ trước đó Thành đã yêu cô gái kiên cường này. 

Tình yêu quá nhiều sóng gió

Năm 2002, Hoa dự định sau khi tốt nghiệp sẽ thi vào Học viện mỹ thuật Trung ương nên cuối tuần cô đến nhà một nhà thư pháp nổi tiếng để học nâng cao. Từ nhà đến chỗ thầy gần 10km, thấy bạn gái vất vả đi mấy chặng xe, Thành mua một chiếc xe đạp cũ để đưa đón cô. Sau khi tốt nghiệp, Hoa thi đại học nhưng do thiếu điểm nên trượt Học viện Mỹ thuật Trung ương, sau đó được nhận vào Học viện Âu Á Tây An.

Thời gian này chuyện Thành có tình cảm với cô gái không tay cũng đến tai cha mẹ anh, họ kiên quyết không đồng ý. Thành vô tình nói ý kiến của cha mẹ cho Hoa biết, lòng tự trọng của cô bị tổn thương nên trước khi đi Tây An cô đề nghị chia tay với Thành. 

Hoa chủ động cắt đứt liên hệ với Thành, nhưng vừa đến trường cô nhận được thư của Thành viết: “Anh nhất định sẽ thuyết phục cha mẹ chấp nhận em. Anh muốn quan tâm em suốt quãng đời còn lại, cho dù có gặp bao trở ngại…”. Nói là làm, khoảng một tuần sau, Thành giấu cha mẹ đến Tây An, làm việc trong một công ty thiết kế đồ họa.

Mùa đông đến, thấy các bạn cùng phòng đan khăn áo cho người yêu, bên trên thêu những lời yêu thương, Hoa cũng học dùng chân thêu khăn cho Thành. Đan còn dễ, nhưng khi thêu cô liên tục bị mũi kim đâm vào chân đau đớn. Bạn cùng phòng thương tình muốn giúp nhưng Hoa một mực từ chối. Cô nói, mỗi mũi kim đường chỉ cô thêu đều tâm huyết và tình yêu, có như vậy chiếc khăn mới thực sự ấm áp. Sau hơn một tháng nỗ lực cuối cùng chiếc khăn cũng hoàn thành. Lúc Hoa dùng chân quàng khăn lên cổ Thành, anh xúc động đến rơi nước mắt.

Trong 3 năm học tại Tây An, Hoa luôn cố gắng đạt thành tích xuất sắc. Sau đó còn tổ chức thành công cuộc triển lãm thư pháp bằng chân của riêng mình. Các tác phẩm của Hoa được hiệp hội thư pháp tỉnh Thiểm Tây sưu tập. Cuối năm 2004 Hoa được bầu chọn là gương mặt điển hình học sinh toàn quốc. Sau khi hoàn thành khóa học 3 năm ở học viện, Hoa lại thi tiếp lên đại học. Cô là một trong số ít học sinh có số điểm cao nhất.

Người khó tính cũng phải rơi lệ

Mùa đông 2005, lần đầu tiên Thành đưa bạn gái về ra mắt cha mẹ. Trên đường đi anh nói với cô: “Anh nói với mẹ em là vợ tương lai của anh, mẹ bảo đã chuẩn bị cho con dâu tương lai một chiếc chăn mới, tối nay em sẽ được đắp rồi”. 

Nghe bạn trai miêu tả, Hoa tràn ngập niềm vui và hi vọng. Tối đó đến nơi, cha mẹ Thành vui mừng đón hai người từ ngõ. Tuy trong điện thoại cha mẹ anh đã chấp nhận Hoa, nhưng khi giáp mặt nhìn hai cánh tay áo trống rỗng của cô, họ cũng không khỏi trầm sắc mặt. 

Điều này khiến trong lòng Hoa lại dấy lên sự mặc cảm vô cùng lớn. Ăn cơm xong, cả nhà ngồi nói chuyện rồi đi ngủ, cô phát hiện trên chiếc giường cũ không có chiếc chăn mới như người yêu nói. Thay vào đó là đống chăn màn cũ, cô hiểu rằng mình không được cha mẹ người yêu nghênh đón. Nằm trên giường, cảm giác lạnh lẽo như đâm vào tim, hai dòng nước mắt bất giác chảy dài.

Sáng hôm sau, Hoa dậy từ sớm giúp mẹ bạn trai làm việc nhà và nói chuyện với bà. Tối đến cô còn tranh đi lấy nước rửa mặt cho cha mẹ Thành. Tuy nhiên, đây là công việc hết sức khó khăn với Hoa, cô phải dùng hai cánh tay tật nguyền ôm phích nước nóng quỳ đặt xuống rồi dùng miệng mở nắp, sau đó lấy chân kẹp vào quai đổ nước ra chậu. 

Thấy Hoa không có tay như người khác nhưng vẫn chăm chỉ việc nhà, cha mẹ Thành vô cùng cảm động. Hai hôm sau Hoa phải về nhà, nhưng cô đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của cha mẹ người yêu. Trước khi về, mẹ Thành ôm lấy cô: “Con gái, con đã chịu nhiều khổ cực quá, chính là ông trời đã sắp xếp để con về gia đình này, cha mẹ sẽ bù đắp tình yêu thương cho con!”. Thấy cha mẹ chấp nhận người yêu từ tấm lòng, Thành cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Đầu năm 2006, xưởng phim Bắc Kinh đạo diễn bộ phim về Hoa, mời cô làm diễn viên chính. Nhưng trong bộ phim có đoạn khiến cô không thể chấp nhận. Đó là lúc hai mẹ con đi trên dòng sông băng, người mẹ bị thụt xuống hố băng, do không có tay nên cô chỉ biết đau đớn đứng nhìn người mẹ ra đi. Đạo diễn bộ phim đưa đoạn này vào để bộ phim thêm chấn động. 

Nhưng Hoa nghĩ, dù mình không có đôi tay, nhưng cũng không thể nào bỏ mặc người mẹ như vậy. Do đó cô đã từ chối làm diễn viên. Sau đó xưởng phim mời một cô gái không tay khác đóng bộ phim này. Bộ phim sau đó đoạt giải quốc gia vào năm 2007, diễn viên cũng trở thành một người nổi tiếng. 

Nhiều người tiếc nuối cho Hoa nhưng cô nói: “Thực ra tôi thích một cuộc sống bình lặng. Có thể khi tôi đóng bộ phim này cuộc sống của tôi sẽ hoàn toàn thay đổi. Rất có thể tôi sẽ đánh mất Lữ Thế Thành, đó là điều tôi không bao giờ muốn”. 

Hạnh phúc tròn đầy

Tháng 7/2007, Thành cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, trở thành quản lý của một công ty thiết kế lớn ở Tây An. Hoa đưa người yêu về gặp cha, ông gạt nước mắt ôm chặt lấy Thành xúc động thầm cảm ơn người thanh niên tuyệt vời này. Cha mẹ Thành cũng ngày càng yêu quý cô gái kiên cường, họ giục hai người nhanh chóng cử hành hôn lễ, rồi gom tiền mua cho hai vợ chồng một căn nhà. 

Ngày 1/1/2008, họ chính thức làm lễ thành hôn, đúng hôm đó trời lại mưa, mọi người có mặt đều nói tình yêu của họ đã cảm động đến cả trời xanh.

Sau khi Hoa tốt nghiệp, cô đi tìm việc, trong buổi phỏng vấn, tổng giám đốc công ty thiết kế lớn ở Tây An rất thích tác phẩm mà cô đem đến nhưng thấy cô mất hai tay nên không dám tự tin nhận cô nên nói: “Tôi không kiểm tra ý tưởng thiết kế của cô, chỉ cần cô đánh máy được 100 chữ/phút thì sẽ lập tức nhận vào làm việc”. Kết quả mỗi phút Hoa đánh được 102 chữ, tổng giám đốc công ty trên kinh ngạc liền ký hợp đồng ngay hôm đó.

Một thời gian sau, Hoa phát hiện ra rằng việc giúp những thanh niên tạo dựng suy nghĩ đúng đắn về cuộc sống là điều hết sức ý nghĩa. Nhưng cảm thấy mình vẫn còn thiếu hiểu biết về tâm lý những người trẻ. Vì vậy cô có ý định học thạc sĩ ngành tâm lý và được chồng khuyến khích ủng hộ. Nhưng muốn thi ngành này thì tiếng Anh là cửa ải khó nhất. 

Để ôn luyện, hàng ngày Hoa ép mình phải học thuộc 10 trang từ vựng. Nhưng do vừa phải chăm con vừa học nên sức khỏe cô bị ảnh hưởng trầm trọng phải vào viện điều trị vì quá mệt mỏi, men gan tăng cao. Sau khi vợ ra viện, Thành về nhà sớm hơn hơn bình thường để chăm con, đêm đến lại chăm sóc, giúp vợ đọc sách. 

Tháng 9/2010, Hoa tự hào bước vào lớp thạc sĩ tâm lý. Câu chuyện của cô một lần nữa khiến mọi người kinh ngạc. Năm 2011, Hoa được bình chọn là một trong 10 nhân vật cảm động nhất Nội Mông Cổ.

Khi được phỏng vấn cô nói: “Tôi mất đi đôi tay, nhưng chồng tôi đã cho tôi đôi cánh vô hình để tôi có thể bay cao và xa hơn. Anh ấy khiến tôi cảm thấy tự tin rằng: Dù cuộc sống không cho tôi trọn vẹn nhưng tôi vẫn mỉm cười và yêu cuộc sống để được đền đáp lại như ngày hôm nay”.

Đọc thêm