Trạm xá hào hùng của một thời bom đạn

(PLVN) - Trong kháng chiến chống Mỹ, Trạm xá Y 14 (Phú Yên) là nơi cấp cứu và tiếp nhận thương, bệnh binh từ các trạm, để chuyển về Bệnh xá Trúc Bạch tiếp tục điều trị. Để bảo vệ các chiến sĩ, nhiều cán bộ, nhân viên trạm xá đã anh dũng hy sinh.
Các thế hệ ngành y huyện Sơn Hòa chụp hình lưu niệm tại di tích Trạm xá Y 14.

Tháng 1/1965, Trạm xá huyện Sơn Hòa ra đời với mật danh Y 14 đóng tại Trại Cháy (thôn Lương Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) do y tá Huỳnh Thị Nguyệt Thanh và y tá Lê Xuân Diệp phụ trách. Sau đó, y tá Diệp được cử đi học, y sĩ Huỳnh Xuân Hiển được Ban Dân y tỉnh điều về phụ trách. Do nằm cách xa trung tâm vùng giải phóng nên địch càn quét, đánh phá liên tục, Trạm xá Y 14 phải di chuyển vị trí nhiều lần để bảo mật thông tin và bảo vệ bệnh nhân tránh bom càn đạn phá của địch.

Cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, nhân viên trạm xá lúc bấy giờ vô cùng kham khổ, hiểm nguy. Những người “thầy thuốc cách mạng” ấy không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn phải ra sức lao động như: chặt cây, cắt tranh làm nhà, làm giường sạp, chõng, băng ca khiêng, ghế bàn bằng tre nứa, mây. Ngoài ra, họ còn tăng gia sản xuất, dỡ đất đắp đập dẫn nước suối về trồng lúa nước nuôi cả đơn vị và hàng trăm bệnh nhân.

Hàng ngày, ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, nhân viên trạm phải thay phiên nhau đi “khẩu” cõng gạo từ Hòa Đa, An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên)... Ngày họ còn gùi bắp, hái rau rừng, bẻ măng; đêm soi đèn bắt ếch, nhái, cá, cua để cải thiện bữa ăn.

Ông Nguyễn Văn Tòng (68 tuổi, nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hòa, từng làm nhân viên tại Trạm xá Y 14), cho biết: “Trạm xá Y 14 là nơi cấp cứu và tiếp nhận thương, bệnh binh từ các trạm, rồi chuyển về Bệnh xá Trúc Bạch tiếp tục điều trị cho cán bộ, chiến sĩ. Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt nhưng cán bộ, nhân viên Trạm xá Y 14 vẫn luôn kiên định lập trường, lạc quan, tin tưởng tuyệt đối cách mạng. Chúng tôi vừa làm công tác cứu chữa vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong quần chúng, quan hệ đối xử với nhau chân tình, nhân ái như anh chị em ruột thịt một nhà”.

Cán bộ, nhân viên Trạm xá Y 14 đã lấy thân mình che chở cho thương, bệnh binh trong những đợt càn quét của địch. Đồng chí Đinh Văn Thọ (kế toán, nhân viên quản lý liệu) cùng vợ là đồng chí Dương Thị Nhân (nhân viên cấp dưỡng, hộ lý) và một con nhỏ hy sinh trong một trận càn; đồng chí Trương Khắc Minh (kế toán, tiếp liên), các y tá Nguyễn Thị Hít, Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Thị Mai, Phạm Thị Đầm… cũng bị địch bắn chết...

Những việc làm của cán bộ, nhân viên Trạm xá Y 14 đã góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng cách mạng, giải phóng huyện Sơn Hòa (24/3/1975) và cuộc Tổng tiến công nổi dậy, giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975) rực rỡ.

Bác sĩ Đào Phi Long - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa), cho biết: “Trạm xá Y 14 là tiền thân của Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa ngày nay. Do vậy, nhằm giáo dục, học tập, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, nhân viên Trạm xá Y 14 mong các cơ quan chức năng quan tâm để trạm xá được trùng tu tôn tạo. Bởi nơi đây là một di tích có ý nghĩa rất lớn về giáo dục truyền thống, đặc biệt là ngành y”.

Đọc thêm