Bầu máu nóng nhiệt huyết vì nước, vì dân của những đảng viên làng Vạc từng vấp phải sự lạnh ngắt của địa phương... Nhưng sự việc còn chưa đến hồi kết. Phía sau câu chuyện hàng trăm đảng viên làng Vạc (xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đồng lòng vạch mặt nhóm quan tham lợi ích nhóm hoành hành tại địa phương, có những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Bài học này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng Đảng và Nhà nước phát động đang ngày càng quyết liệt.
“Mỏ vàng” đất công ích
Cụ Nguyễn Văn Đán (SN 1940, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Học giai đoạn 1985 - 1992, hiện sinh hoạt tại Chi bộ thôn Vạc) cho biết, thôn Vạc (còn có tên thôn Hoạch Trạch) từng có đặc thù vô cùng nhiều ao chuôm. Nằm ở khu vực đồng bằng hàng chục km xung quanh không đồi núi, nên thời mở làng, muốn có nền đất phải đào chỗ này lấy đất đắp chỗ nọ, tạo thành những khu dân cư chi chít ao hồ.
Tới những năm 2010, theo thống kê trên giấy, làng vẫn còn trên 20 mẫu ao, tương đương hơn 100 ngàn m2, chưa kể những diện tích đất công khác như sân kho, nhà mẫu giáo... Toàn bộ ao chuôm được giao Hợp tác xã, sau này giao thôn sử dụng, xã thu hoa màu. Qua các thời kỳ, những đất công và ao chuôm ấy có tên đất hợp tác, đất công điền, hay đất công ích…
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) giải thích, dù có gọi dưới cái tên gì thì đó cũng là đất công. Theo Điều 37 và Điều 72 Luật Đất đai 2003, diện tích này là “quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn”, được UBND cấp xã quản lý, cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…
Tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của địa phương. Luật quy định UBND xã phải trực tiếp cho thuê, trực tiếp thu tiền, chứ không được ủy quyền cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Về thời hạn cho thuê đất trên, khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai 2003 quy định, thời hạn không quá 5 năm mỗi lần ký hợp đồng.
Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất này sang trồng cây xây nhà, theo khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai 2003, thẩm quyền phải thuộc UBND cấp huyện và người nhận đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật Đất đai 2003.
Luật quy định rất rõ ràng là vậy, nhưng ở làng Vạc, Trưởng phó thôn và lãnh đạo xã đã “coi trời bằng vung”, khi mang những ao hồ, sân kho, nhà mẫu giáo bán tràn lan thời hạn đến 30 năm, tự ý chuyển mục đích, thậm chí còn bán để xây nhà “sử dụng thời gian lâu dài”…
Theo nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Học giai đoạn 1985 – 1992 Nguyễn Văn Đán, có thể lấy cái mốc năm 2007 để thuật lại sự việc, khi thôn bầu ông Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng thôn mới. Trong một cuộc họp sau đó, ông Nhữ Đình Trang (thời điểm 2007 là Bí thư Đảng ủy xã, phụ trách thôn Vạc) gợi ý việc xây đình làng.
“Các cụ cao tuổi họp với xã, thôn, thống nhất dự định xây đình hết 1 tỷ, dân đóng góp là chính, nếu thiếu sẽ sử dụng đến “nguồn tài chính” từ diện tích công điền. Nói như vậy ai cũng nghĩ là tiền cho thuê đất công, chứ ai nghĩ các ông ấy câu kết bán đi”, cụ Đán kể lại.
Đình làng hoàn thành, tính ra hết 1,9 tỷ; trong đó 1,4 tỷ dân đóng góp và vận động các nơi ủng hộ, 500 triệu còn lại là “nguồn tài chính” từ diện tích công điền.
Mãi đến đầu năm 2014, khi một số người “nhận thuê khoán” rầm rộ xây nhà trên “đất thuê”, dân làng mới vỡ lẽ những diện tích ấy đã bị dấm dúi “cho thuê” tới 30 năm hoặc “bán đứt”. Số tiền thu được, ngoài khoản 500 triệu góp xây đình làng, biết bao tỷ đã tứ tán nơi nào không rõ. Những vi phạm này diễn ra từ trước năm 2007, “lai rai” đến những năm 2012.
Một ngày, bán “chui” 12 thửa đất
Trong số hơn 81 bản hợp đồng bán đất công ích ở làng Vạc mà PLVN thu thập được đều thể hiện việc những cán bộ đứng đầu xã Thái Học câu kết Trưởng phó thôn Vạc cho thuê đất sai thời hạn, lạm quyền huyện tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, thậm chí lấy đất công bán cho người khác làm nhà ở.
Các hợp đồng đều có chữ ký, con dấu xác nhận của lãnh đạo xã Thái Học, nhưng tất cả đều không có số.
|
Xác nhận của Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch vào một bản hợp đồng trái luật hồi năm 2012. |
Dù là hợp đồng cho thuê khoán đất công thuộc thẩm quyền UBND xã quản lý nhưng hợp đồng không viện dẫn các điều khoản Luật Đất đai. Nhiều hợp đồng “quái dị” đến mức không ghi diện tích đất thuê là bao nhiêu m2, vị trí thửa đất thuê là thửa nào.
Dù xã chỉ được quyền cho thuê không quá 5 năm nhưng tất cả hợp đồng, các bên đều “giao kèo” thời hạn 10, 15, 20, 22, 23, 30 năm, thậm chí… bán đứt khi thống nhất “sử dụng lâu dài”. Số tiền bán đất không rõ căn cứ vào đơn giá nào để tính toán ra, chỉ thấy ghi con số “chốt hạ”, từ hơn 6 triệu đến hơn 151 triệu đồng mỗi “thương vụ”.
Ở thời kỳ đầu, loại hợp đồng này có tên “Hợp đồng kinh tế khoán thầu diện tích ruộng cấy lúa, ao, thùng nuôi trồng thủy sản có thời hạn”. Như hợp đồng ngày 1/1/2005 xác nhận có ông Nhữ Đình Trang (khi đó là Thường vụ Đảng ủy; sau này khi sự việc bị phát giác năm 2014, ông Trang là Bí thư Đảng ủy xã - NV), Vũ Hồng Tâm (Đảng ủy phụ trách thôn), Phạm Ngọc Mạnh (Đảng ủy cơ sở), trưởng phó thôn Vạc, giao khoán thầu cho một người dân gần 6.000m2 để “chuyển mục đích đào ao lập vườn” trong thời hạn… 20 năm.
Chỉ trong một ngày này, những cán bộ trên đã cùng nhau lập ít nhất bốn hợp đồng “xẻ thịt” đất công, trong đó 3 hợp đồng phần diện tích bị bỏ trống. Và phải hơn 4 năm sau, trong cùng một ngày 16/3/2009, các hợp đồng này mới đóng dấu, có chữ ký xác nhận của ông Vũ Hồng Tâm, lúc này đã là Phó Chủ tịch UBND xã.
Thời gian sau này, hợp đồng bán đất công ở làng Vạc được khoác một cái tên có vẻ “chính đáng” hơn là “Hợp đồng khoán quản lý, sử dụng diện tích ao ô nhiễm” và trong hợp đồng cũng không còn ghi tên những cán bộ xã có mặt khi giao kèo.
Như trong hợp đồng ngày 25/3/2009 ký giữa Trưởng, Phó thôn với một cá nhân, nêu lý do thôn được xã giao quản lý mặt nước để khoán cho các hộ nuôi trồng thủy sản, nhưng “một số nay đã bị ô nhiễm không thể nuôi trồng được”, thôn cho hộ này thuê 500m2 trong thời gian dài tới… 30 năm để chuyển mục đích trồng cây hoa màu.
Thực tế, nhiều người dân làng Vạc cho rằng tới tận ngày nay, những ao chuôm còn sót lại ở làng cũng hiếm khi bị ô nhiễm tới mức “không thể nuôi thả cá”. “Lý do “ô nhiễm” là họ bịa ra để nghe cho xuôi tai”, một nhân chứng nói.
Chỉ trong một ngày 25/3/2009, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng ký ít nhất 9 hợp đồng như vậy với 9 cá nhân. Tất cả những hợp đồng này, hơn một năm sau, cùng vào một ngày 24/3/2010, Chủ tịch xã Thái Học khi đó là Đỗ Văn Mỳ ký xác nhận.
Đất công ích thôn Vạc bị xẻ bán ồ ạt vào năm 2010. Ao chuôm lúc này không chỉ “ô nhiễm”, mà bị các đối tượng cho rằng đã “ô nhiễm nghiêm trọng”, để tự ý chuyển mục đích, cho ít nhất 38 hộ thuê, thời hạn tới 30 năm.
Ngày 15/3, cho 5 cá nhân thuê 5 thửa; ngày 2/4 là 4 thửa; ngày 20/4 5 thửa. “Kỷ lục” là ngày 10/5/2010, xã Thái Học “chuyển mục đích sử dụng” 12 thửa tổng diện tích 2.245m2, ký hợp đồng cho 12 hộ thời hạn tới năm… 2040. Những hợp đồng này được Chủ tịch xã Đỗ Văn Mỳ và Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Phong ký, đóng dấu xác nhận.
“Ăn” đến cả sân kho, nhà trẻ…
“Đỉnh cao” của sai phạm đất đai tại thôn Vạc, phải kể đến những hợp đồng “thu lệ phí để được sử dụng đất của tập thể quản lý”. Đó chỉ là cái tên che đậy bản chất sự việc xẻ sân kho bán lấy đất xây nhà.
Theo hợp đồng lập ngày 10/5/2011, “bộ sậu” Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng, Phó thôn Đỗ Văn Động và Phó thôn Lê Văn Bình thỏa thuận “giao khoán” cho một cá nhân diện tích 84m2 sân kho với giá 1,8 triệu/m2, tổng giá trị 151,2 triệu đồng, trả ngay bằng tiền mặt và… được sử dụng lâu dài.
Chỉ trong một ngày, gần 333m2 sân kho, khu đất ở vị trí đẹp bậc nhất làng Vạc đã bị xẻ bán cho 5 cá nhân làm nhà cùng phương thức trên. Các bản hợp đồng vẫn không số nhưng có đóng dấu, chữ ký xác nhận của Phó Chủ tịch xã Vũ Hồng Tâm. Trắng trợn hơn, những hợp đồng vụng trộm, dấm dúi này được ghi là “căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân đội 4, thôn Vạc”.
|
Nhiều đời lãnh đạo xã Thái Học đã ký xác nhận vào những hợp đồng “xẻ thịt” đất công. |
Chỉ 5 tháng sau đó, đến lượt nhà trẻ làng Vạc bị “làm thịt” với sự có mặt, đồng ý của Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch. Theo phản ánh của các nhân chứng, trường học này tới thời điểm đó mới xây được hơn 10 năm, chất lượng tốt, còn có thể sử dụng vào nhiều mục đích. Thế nhưng ngày 4/10/2011, ông Mạch cùng cán bộ địa chính Phạm Văn Thao và cán bộ văn phòng Nhữ Đình Thắng vẫn đến lập biên bản.
Họ cho rằng “toàn bộ công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, phần rui mè bị mối mọt, mái ngói bị dột nát, phần tường xây bị hư hỏng có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào… gây mất an toàn cho mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến cảnh quan chung trong thôn xóm”, để đi đến kết luận: Phải phá dỡ.
Vậy vì sao lại lập “Biên bản thanh lý tài sản”? Âm mưu của các đối tượng đã lộ rõ, khi lập “Biên bản thanh lý tài sản” mà không có bất kỳ nội dung gì liên quan đến “thanh lý tài sản”, không có hội đồng định giá cái “xác” nhà, chỉ “chốt hạ” sau khi dỡ nhà thì “giao đất cho thôn sử dụng”. Và chỉ hơn một tháng sau, ngày 30/11/2011, diện tích đất này lại được “bộ sậu” Trưởng, Phó thôn Vạc “bàn giao” cá nhân khác làm lối ra vào một nhà thờ họ, đổi lấy số tiền hàng trăm triệu đồng.
Phải đến đầu năm 2014, khi nhà cửa kiên cố ùn ùn mọc lên từ những diện tích đất “nhận giao khoán”, làng nước mới ngã ngửa chuyện Trưởng, Phó thôn cùng lãnh đạo xã bao năm nay dấm dúi bán trái phép hàng vạn mét vuông đất công trong làng lấy tiền chi tiêu bất minh. Làng Vạc sôi sùng sục.
Ông Nguyễn Văn Thắng khi này là Phó Bí thư Chi bộ thôn Vạc, bị Chi bộ đánh giá không chỉ vi phạm Điều lệ Đảng mà còn “làm trái pháp luật, tham ô, tham nhũng”. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn “trình bày loanh quanh”, cho rằng “đã xin ý kiến cấp trên là Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã (khi đó là ông Nhữ Đình Trang và Phạm Ngọc Mạnh, cùng sinh hoạt tại Chi bộ thôn Vạc - NV), trước khi thực hiện”.
Chi bộ thôn Vạc sau khi báo cáo tình hình “hội nghị Chi bộ vẫn chưa có lối thoát”, cực chẳng đã phải làm một lá đơn “vô tiền khoáng hậu” gửi Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Bình Giang, Chủ tịch huyện Bình Giang, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Giang với nội dung: “Chi bộ nhất trí và biểu quyết kết quả 74/75 đồng chí tán thành viết đơn lên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật cấp tỉnh vào cuộc”, đồng thời đề nghị xem xét lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã Thái Học “có phải là người liên đới cấp trên “bật đèn xanh” và là ô dù che đỡ cho đồng chí Thắng đi ngược đường lối lãnh đạo của Đảng, làm trái pháp luật của Nhà nước dẫn đến tham nhũng hay không?”.
Lá đơn được gửi đi với biết bao kỳ vọng, tin tưởng rằng sự dũng cảm, trung thực, tinh thần đấu tranh chống tham nhũng của những đảng viên sẽ được ghi nhận, thấu hiểu, hưởng ứng…
Mời độc giả tiếp tục đón đọc!
Cho đến tận năm 2012, sai phạm trong quản lý đất công tại làng Vạc nói riêng và xã Thái Học nói chung vẫn chưa dừng lại, thậm chí “hợp đồng” còn cẩu thả hơn trước.
Như văn bản không số lập ngày 16/2/2012, ông Nguyễn Văn Thắng “giao khoán” thời hạn 22 năm cho một hộ khu ao chuôm không xác định diện tích, chỉ nêu chung chung “tại ao Đình Giáp, cách mép đường làng 15m” để lấy 60 triệu đồng. Thế nhưng, Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch vẫn ký xác nhận, đóng dấu vào cái gọi là “hợp đồng” này.