Trắng đêm vã mồ hôi kiếm cơm

Mưu sinh ban ngày đã khổ, nhưng những người làm nghề dọn phế thải xây dựng, dọn đất, cát thuê còn khổ hơn. Bởi giấc ngủ ban đêm vô cùng quý giá đối với sức khỏe, mà họ phải trắng đêm đổ mồ hôi, mà tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao.

Mưu sinh ban ngày đã khổ, nhưng những người làm nghề dọn phế thải xây dựng, dọn đất, cát thuê còn khổ hơn. Bởi giấc ngủ ban đêm vô cùng quý giá đối với sức khỏe, mà họ phải trắng đêm đổ mồ hôi, mà tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao. 

Đắng đót một chợ lao động

Ngay cửa khẩu Vân Đồn, cạnh cửa bệnh viện Hữu Nghị, cắt phố Trần Khánh Dư (Hà Nội) có một cái “chợ” lao động khoảng hơn 100 người đứng chờ việc. Khoảng 19h30 là chợ bắt đầu họp, cho đến đêm khuya.

Nhọc nhằn nghề dọn phế liệu

Hỏi về lý do phải họp ban đêm, anh Nguyễn Văn Trìu (Xuân Trường - Nam Định) cho biết: “Ban ngày, nhiều chỗ cũng có đông người tụ tập chờ việc. Nhưng việc của chúng tôi phải làm ban đêm. Đó là vì một số nơi người ta cần chuyên chở phế thải xây dựng, nơi đào móng nhà thừa đất, nhưng  ban ngày ô tô không thể vào đó, mà phải đi vào buổi tối. Không ảnh hưởng đến chuyện đi lại của dân.

Chúng tôi là những người đáp ứng nhu cầu cần lao động buổi tối, nên tụ tập ở đây. Các chủ xe sẽ chạy qua đây “lấy người” và đến đó thỏa thuận tiền công. Cũng có khi quen chủ xe, họ làm thường xuyên nên có số điện thoại của nhau. Tối, có việc họ gọi, chúng tôi chỉ chờ ở đây, họ đến thì đi theo. Xong việc lại ra đây đứng đợi việc tiếp”.

Cũng theo anh Trìu, nếu có việc cả đêm thì tốt nhất và tiền công sẽ “đầy đặn” hơn. Chỉ có việc làm đến nửa đêm, cầm 100 ngàn đút vào túi rồi ra đợi việc, có khi đến sáng chẳng được ai gọi nữa, coi như đêm đó… thất bại. Ấy thế, chuyện thất bại không phải hiếm, thậm chí có đêm có người phải về tay không vì không kiếm được việc.

Tôi được đi theo anh Cao Văn Tạo, Trần Văn Đồng, Trần Văn Khả thôn Phong Miêu (Xuân Thành, Xuân Trường, Nam Định), cùng chiếc xe tải chở đất đến một con ngõ ở phố Bà Triệu. Đó là một hộ gia đình làm lại nhà, đào móng sâu nên lượng đất cần phải chuyển đi khá nhiều.

Chủ xe đã “hợp đồng” với chủ nhà. Ba anh được thuê để đội đất (đã đào lên) trong ngõ, đội đổ ra ô tô đỗ ở đầu ngõ. Đầy xe thì chủ chở đi đổ, chiếc xe tải khác thế chỗ luôn. “Tất cả mọi thứ nặng nề phải đội lên đầu. Nếu ngõ ngắn còn đỡ, chứ ngõ dài, đội ra đến xe là ê cả đầu, khổ lắm!”, anh Đồng chia sẻ.

Đẫm mồ hôi đổi bát cơm

Đội chừng 10 phút, với 6 chuyến nâng lên, đổ xuống là các anh đã vã mồ hôi. Nhìn không khí nhanh chóng, gấp gáp, tôi hiểu là dù rất mệt mỏi nhưng các anh cũng vui mừng vì có việc. Cho nên, họ nhận mình là những kẻ “ngủ ngày cày đêm”.

Ai cũng biết đây là đi bán sức, và không chỉ sử dụng sức khỏe của đôi bàn tay mà còn phải cần đến cái đầu, cái cổ chịu được sức nặng đè lên. Hỏi anh Tạo tiền công của đêm nay, anh nói: “Làm đến sáng, suôn sẻ thì được 400 ngàn. Đúng ra được nhiều hơn đấy, nhưng chủ xe người ta chỉ cho có thế. Mình bị phụ thuộc vào người ta, họ cho bao nhiêu được bấy nhiêu, không làm thì lại có người khác làm. Đúng là đổi bát mồ hôi lấy bát cơm anh ạ”.

Chợ lao động

Mỗi đêm làm việc quần quật như thế, một lao động đã đội lên đầu hàng tấn đất, đá hoặc vôi, cát, dẫn đến chuyện có người vẹo cổ. Một số người từng phải đi khám, bốc thuốc hết sạch tiền công cả tháng trời. Kém may hơn, có người bị ảnh hưởng đốt sống cổ, vĩnh viễn không thể làm việc nặng nhọc, rất thiệt thòi cho vợ con.

Quay trở lại “chợ người” khi đã 22h, vẫn còn người đang chờ, chưa được chiếc xe tải nào “bốc đi”. Họ ngồi hút thuốc vã trong ánh đèn leo lét phố phường. Anh Nguyễn Văn Hải, người nông dân quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, nếu có một công việc tốt hơn, thì anh và các anh em khác cũng chẳng đứng ở đây thế này.

Họ phải thuê trọ tại các căn phòng trọ tồi tàn ở rìa bờ sông Hồng và “nhồi” hơn 10 người một phòng cho rẻ. Chịu khổ thế, ngoài bản thân ra cũng vì gánh ước mơ cho vợ con. Như vợ chồng anh Hải, với hai đứa con mà chỉ có hai sào ruộng, việc anh phải quanh năm đi làm thuê làm mướn, bán sức là bất khả kháng.

Anh Hải tự hào: “Không đi làm thì chết đói. Vợ tôi ở nhà, chăm sóc hai đứa con, nuôi thêm con lợn con gà, tháng tháng tôi gửi tiền về cho con ăn học. Thật may là các con tôi cũng ngoan, học khá lắm!”

Câu chuyện của những người bán sức liên tục bị đứt quãng bởi tiếng phố đêm nhộn nhạo. Khuôn mặt khắc khổ của các anh đều ánh lên sự nhọc nhằn, chịu đựng, nhưng có lẽ cũng đầy ước mơ. Và công việc của các anh đâu chỉ thấm mồ hôi, nước mắt, mà nó chở ước mơ học hành của những đứa con nơi quê nghèo. Có lẽ, điều an ủi các anh lớn nhất, là những lần về quê hiêm hoi của mình được ăn bữa cơm nóng với gia đình và được chứng kiến sự tiến bộ của con mình trong cuộc sống.

Sơn Bình

Đọc thêm