Quá khứ từng giam mình dưới giếng sâu để cai nghiện
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề mộc truyền thống ở Hưng Yên, nhưng do gia cảnh nghèo túng nên ngay từ khi còn nhỏ Tiễu đã phải theo người bố phiêu bạt khắp miền đất Tây Bắc. Năm 14 tuổi, sau mỗi ngày làm mộc cho những gia đình khá giả ở Sơn La, thì đều được gia chủ khoản đãi cho vài điếu thuốc phiện. Thửa đầu, hút vì tò mò, sau đó hút nhiều thành quen, và chính bản thân anh cũng không biết mình đã nghiện thứ thuốc chết người đó từ khi nào.
Anh Nguyễn Hà Tiễu |
Hai năm sau, gia đình Tiễu phát hiện, họ đưa anh về nhà để cai nghiện. Năm 1993, sau những nỗ lực của bản thân cùng với sự kiên trì của gia đình, anh đã thoát khỏi sự đeo bám của khói thuốc. Trở về với cuộc sống bình thường, tiếp tục làm nghề mộc nhưng Tiễu không lên Tây Bắc nữa mà lần này anh theo chú ruột vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Thật không ngờ, cũng chính tại mảnh đất xa xôi này anh đã tìm thấy một nửa cuộc đời của mình. Người phụ nữ đó là chị Trần Thị Ngọ (SN 1978, quê ở Hưng Yên). Năm 1995, sau những lần hẹn hò yêu đương hai người quyết định tổ chức đám cưới. Với số tiền hồi môn và tiền đi làm thuê trong hai năm của hai vợ chồng gom lại đã mua được hơn 3ha đất, trên đó dựng một căn nhà làm nơi sinh hoạt. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trôi qua trong những tháng ngày hạnh phúc, Tiễu mở xưởng mộc tại nhà, còn vợ trồng hoa bán cho các mối quen. Bốn năm chung sống qua đi, hai người có với nhau 2 đứa con (1 trai, 1 gái).
Khi nhu cầu về hoa phát triển, Tiễu phụ vợ chở hoa ra thành phố Buôn Ma Thuột giao hoa cho các đại lý. Sau mỗi lần đi bán hoa, khi về anh lại làm cuốc xe ôm cho đỡ tiền xăng, cũng chính trong khoảng thời gian này, Tiễu đã bị các con nghiện rủ rê lôi kéo. Anh lường gạt vợ con, bán hết đất lấy tiền mua thuốc. Đến khi gia tài chỉ còn có cái nhà nhỏ bằng cái bếp thì chị Ngọ chịu không nổi, ôm con nhỏ bỏ về quê.
Tình yêu gia đình, tình yêu lao động giúp anh Tiễu vượt lên quá khứ, làm giàu chính đáng |
Sau cơn phiêu diêu cùng khói thuốc chấm dứt là cuộc sống hiện thực phơi bày ra trước mắt: “Gia đình thì chia ly, vợ con nheo nhóc, cả gia đình đều khổ sở vì một người. Lúc đó tôi nghĩ, sao mình lại khốn nạn đến vậy, là một thằng đàn ông mà để vợ con phải đói khổ, gia đình hai bên phải khóc hết nước mắt khuyên can. Có lần đứa con gái lớn khóc hết nước mắt đòi mẹ làm tôi xúc động mà khóc theo. Tôi ôm con vào lòng vỗ về, rồi lại nghĩ đến thân phận của kẻ nghiện ngập sống không bằng con vật,…”, Tiễu chia sẻ.
Cũng chính những dòng suy nghĩ đó đã thúc giục anh cai nghiện cho bằng được. Thử hết các cách mà anh vẫn bị cơn đói thuốc hành hạ, dù Tiễu cố gắng lao động cực nhọc để quên đi, và làm cho thứ thuốc chết người kia thoát ra khỏi cơ thể. Cuối cùng Tiễu đã nghĩ ra một cách, đó là anh tự đào giếng, rồi giam mình dưới đó cả ngày. Khi đói lại nhờ người thân thả cơm xuống, chờ trời tối lại nhờ người kéo lên. Mỗi ngày trôi qua, Tiễu thấy người khỏe lên, những cơn nghiện thưa dần, rồi chấm dứt.
Nhưng để cho chắc ăn, Tiễu tìm đến những nhà người quen xin được đào giếng không công cho gia đình họ. Vì nhà nào cũng cần giếng lấy nước tưới rẫy nên ai cùng đồng ý, cứ thế, những giọt mồ hôi rơi xuống là những cơn nghiện dần tan biến. Người vợ nghe tin Tiễu đang cố gắng cai nghiện để làm lại cuộc đời nên cũng bế con vào động viên chồng. Tình yêu thương của người vợ càng làm cho Tiễu có thêm quyết tâm chiến thắng được khói thuốc.
Khi họ hàng vẫn ngờ vực anh chưa dứt được nghiện ngập, thì anh tự viết đơn xin được đi trại cai nghiện tập trung. Sau gần 1 năm chấp hành tốt các tiêu chí ở Trung tâm Giáo dục Lao động tỉnh Đắk Lắk, Tiễu được trở về nhà. Ngày hội ngộ, chứng kiến cảnh vợ con nheo nhóc, đói khổ càng khiến cho anh thêm quyết tâm thay đổi mình tốt hơn. Sự trở về của Tiễu khiến cho cả nhà vui sướng, họ hàng thấy anh béo tốt lên, làm việc chăm chỉ hơn, lúc này họ mới tin thực sự anh đã cai nghiện thành công.
Làm giàu trên vùng đất “chết”
Thấy Tiễu không còn nghiện nữa, họ hàng hai bên hùn vốn cho vợ chồng anh mượn tiền mua một mảnh rẫy để canh tác. Khi đó, những khu đất màu mỡ, gần đường xá đã không còn, chỉ còn một lô đầy sỏi đá, cỏ lau, rất khó cải tạo. Quyết định mua lô đất này của Tiễu khiến cho hết thảy đều sửng sốt bởi khu đất đó được mệnh danh là “vùng đất chết” chẳng thể dùng được vào việc gì. Với Tiễu thì đó cũng là một quyết định táo bạo, nhưng ý nghĩ “có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm” đã giúp anh vượt lên tất cả.
Có được đất, hai vợ chồng bắt tay vào việc trồng hoa, loài hoa được lựa chọn là hoa huệ, cũng bởi trên vùng đất toàn đá sỏi rất thích hợp với loại hoa này. Tiễu còn đào ao thả cá và cung cấp nước tưới cho vườn hoa của mình. Chiếc ao đầu tiên được anh nuôi cá giống, còn chiếc thứ hai nuôi cá thịt rộng 7 sào. Những năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm, nên cá chết hết. Ngỡ rằng anh chán chường mà nghĩ bậy nên vợ anh khuyên bảo: “Có thất bại thì sẽ có thành công, coi đó là những bài học rồi mình sẽ làm được mà thôi”.
Trang trại hoa huệ của vợ chồng anh Tiễu mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng |
Rút kinh nghiệm sau những lần thất bại, đến giờ mỗi năm anh thu 3-4 tấn cá, cho thu nhập 150 – 200 triệu đồng. Thu được bao nhiêu tiền hoa anh lại đầu tư vào nuôi cá, vì thế số lượng cá đã tăng dần lên. Cứ tưởng chỉ dừng lại ở đó, nhưng anh còn cải tạo tiếp số đất bạc màu, hoang hóa, để trồng thêm hoa huệ và trồng cà phê.
Chuyện Tiễu có nghề trồng hoa cho thu nhập cao được nhiều hộ dân biết tới, vì thế cũng có nhiều người tìm đến học hỏi. Tiễu không những không dấu nghề mà còn dạy tỉ mỉ cho những ai muốn học, anh còn sẵn sàng đầu tư nếu ai muốn hợp tác.
Tiễu tâm sự: “Với tôi, điều giúp tôi có thể làm lại cuộc đời chính là nỗi ân hận về trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình. Nhưng để tôi có thể cai nghiện thành công thì tình yêu thương của vợ và con là điều quan trọng, cô ấy đã không nhẫn tâm rời xa tôi khi tôi gần như rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng. Cũng chính nghề trồng hoa huệ đã giúp vợ chồng tôi xây được ngôi nhà, mua thêm đất rẫy, và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Chỉ riêng nghề trồng hoa, mỗi năm gia đình tôi thu trên 100 triệu đồng. Vừa rồi, tôi còn mạnh dạn đầu tư trồng thêm 2000m2 hoa huệ nữa, dự tính mỗi năm số hoa đó sẽ cho thu từ 15-20 đợt, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Chính loài hoa đó đã giúp tôi sống trên vùng đất đầy sỏi đá này đấy!”.
Ông Quách Đình Ngân, Trưởng Công an xã Quảng Hiệp cho biết: “Sau khi cai nghiện thành công trở về địa phương, anh Tiểu đã chăm chỉ lao động sản xuất, chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách và là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Cũng cần phải nói rằng để anh Tiễu cai nghiện thành công, thì sự động viên, giúp đỡ của gia đình hai bên nội, ngoại, sự đùm bọc của bà con làng xóm là điều rất quan trọng. Nghề trồng hoa huệ của gia đình anh đáng để cho những gia đình khác học hỏi và làm theo”./.