Tranh cãi nghi thức rước "của quý" tại lễ hội ở Lạng Sơn

(PLO) - Rước "của quý" là nghi thức trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về nghi thức này.
Nghi lễ rước linh vật được mô phỏng giống bộ phận sinh dục nam gây tranh cãi (Ảnh: TTT)
Nghi lễ rước linh vật được mô phỏng giống bộ phận sinh dục nam gây tranh cãi (Ảnh: TTT)
Ở lễ hội, có một nghi thức mô phỏng hình dáng bộ phận sinh dục nam được làm từ gỗ nghiến dài khoảng 1 mét, nặng 80kg được rước đi.
Tục truyền, xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn, hay còn gọi là giặc răng đỏ, đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên). 
Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.
Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. 
Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.
Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn.
Không lâu sau trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. 
Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá.
Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân. 
Trong lễ hội có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.
Sau khi những hình ảnh, thông tin về lễ hội Ná Nhèm được đăng tải trên một số báo và trang tin, nhiều cư dân mạng bày tỏ ý kiến trái chiều về nghi thức này.

Một tài khoản facebook, bày tỏ: “Lại là ăn theo nước ngoài…”

Tài khoản khác, bình luận: “Buồn cho lễ hội”.
“Việt Nam bây giờ bị “bội thực” lễ hội, làng nào thôn nào cũng tự “són” ra một cái lễ hội và gọi đó là truyền thống. Theo thống kê thì số lễ hội trong năm khoảng hơn 8.000, thật là không thể tin được. Vác thực khí đi lòng vòng cũng là nét văn hóa thì cũng đủ hiểu… nó tào lao cỡ nào”, có tài khoản tỏ ra băn khoăn. 
Tài khoản khác thì viết: “Thế mà em tưởng họ đang cố gắng kéo khách du lịch. Thôi thì nếu làng bản nhờ vậy có thêm ít khách du lịch, đời sống khấm khá hơn thì cũng tốt mà”.
“Làm du lịch nó phải có chiến lược, kế hoạch đàng hoàng chứ đâu phải cái kiểu này. Mấy cái kiểu này giống tự sướng nhiều hơn”, một cư dân mạng phản biện.
Một nick name đáp lại: “Thế nhưng mà chờ Nhà nước lâu lắm, nên dân toàn tự phát mà bác (hiệu quả thì ko rõ lắm). Nhưng cái kiểu nhìn chỗ khác người ta phát triển du lịch giàu lên, thì làng cũng nhảy ra úm ba la xì bừa cho nó máu mặt (biết đâu giàu lên thật).
Cư dân mạng khác tỏ ý ủng hộ: “Bạn nói quá đúng với thực trạng hiện nay, mà đôi khi họ “rặn” ra cái lễ hội cũng chẳng phải vì du lịch mà cho bằng anh bằng em kiểu như làng này có truyền thống chẳng lẽ làng mình không à?...
Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng có người ủng hộ cho rằng đó là nghi thức trong lễ hội được lưu truyền nhiều đời, cần gìn giữ như một nét đẹp tự nhiên trong lễ hội. Song cũng không ít quan điểm cho rằng, đã là lễ hội thì phải thể hiện nét đẹp văn hóa theo hướng nhân văn một cách “có văn hóa nhất”. 
“Có những nghi thức lâu đời nhưng phản cảm, thiếu tế nhị thì phải thay đổi cho phù hợp. Không phải cứ lâu đời thì phải duy trì. Như lễ hội Ném Thượng ở Bắc Ninh năm nay vẫn duy trì nghi thức chém lợn nhưng không mang ra giữa đình, mà chém trong vùng quây bạt”, một cư dân mạng bình luận.
Những hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận sôi nổi với nhiều ý kiến:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
"Không tham khảo linh vật của Nhật Bản"

Ông Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, được phục dựng 5 năm nay.

Các diễn viên tham gia đều bôi mặt nhọ với ý nghĩa nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh. 
Lễ hội nhằm phát huy những nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng.
Vị chủ tịch xã chia sẻ: “Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn”.
Ở Nhật Bản, lễ hội “rước của quý” cũng được biết đến là một trong những ngày hội độc - lạ nhất thế giới, được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Tư hàng năm với cái tên “Kanamara Matsuri” (Lễ hội dương vật thép).
Lễ để thờ vị tổ nghề rèn sắt thép, vị thần có công chế tác ra các mô hình sinh thực khí nam, tiêu diệt ma quỷ chuyên quấy nhiễu, chọc ghẹo các cô gái trẻ. Kanamara Matsuri có từ thế kỷ thứ 17 và được người dân lưu truyền, gìn giữ đến nay.
Trả lời trên Danviet , ông Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những người tham gia phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, lễ hội Ná Nhèm bị lãng quên từ năm 1963 và đến năm 2012 mới phục dựng lại.
Trong đó, nhiều người có liên tưởng tàng thinh (sinh thực khí nam) giống của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Năng nói: “Tôi xin khẳng định, tôi cùng các cụ bô lão trong làng Mỏ (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) phục dựng lại và không tham khảo linh vật của Nhật Bản”.

Đọc thêm