Đề xuất gây tranh cãi
Người Việt đón Tết Nguyên đán theo lịch âm, người H’Mông đón Tết theo lịch nông nghiệp. Khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã đóng cẩn thận vào bồ cũng là lúc người H’Mông bắt đầu ăn Tết.
Ngày mùng 1 Tết H’Mông không cố định, mỗi năm có thể xê dịch rơi vào khoảng tháng 12 dương lịch. Đây là lúc bà con thu hoạch xong vụ mùa, các gia đình thay ban thờ cúng thần, tổ tiên, tạ ơn cha mẹ, thăm hỏi người thân và chơi hội. Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Mông và thường kéo dài trong khoảng 20 ngày gồm cả phần hội và phần lễ diễn ra đan xen nhau.
Trước Tết gia chủ làm sạch nhà tượng trưng bằng cách quét với ba cây tre tươi và nhiều hạt ngô màu đỏ; người dân sửa sang bàn thờ, nhà cửa, giã bánh dầy, thịt gà, mặc váy áo đẹp ăn mừng đón xuân. Mỗi nhà giã một chiếc bánh dày lớn làm “sân chơi” cho các thần linh. Ngày 30 tết, họ làm bánh dầy xong và mâm lễ cúng tổ tiên đón giao thừa.
Đêm 30, người H’Mông “treo niêu”, không ăn uống một ngày và tin rằng nếu ai ăn uống sẽ bị cháy nhà. Sáng mùng 1, mọi người được ngủ thẳng giấc mà không ai được đánh thức. Người H’Mông quan niệm rằng đây là giấc ngủ đầu năm, nếu đang ngủ mà bị gọi dậy tức là gọi sâu bọ về, cả năm mùa màng sẽ thất bát. Tết của người H’Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng.
Tết của người H’Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán hơn một tháng. Nhưng vài năm gần đây, một số nơi, người H’Mông tổ chức đón Tết cổ truyền trùng với Tết Nguyên đán. Và mới đây, UBND xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), ngày 18/12 có văn bản đề nghị người dân không ăn Tết cổ truyền của người H’Mông để chuyển sang ăn Tết Nguyên đán như cả nước.
Xã đề nghị các đơn vị thông báo đến toàn thể nhân dân để cùng thực hiện, từ Tết Kỷ Hợi năm 2019. Thông báo trên là kết quả của hội nghị tiếp giáp bốn xã Lóng Luông, Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) tổ chức ngày 7/12/2018. Và gần 100% người dân đồng tình.
Ông Sùng A Màng - Chủ tịch xã Pà Cò lý giải, vì Tết H’Mông và Tết Nguyên đán cách nhau hơn một tháng gây ra những khó khăn nhất định cho người dân. Cụ thể, học sinh, sinh viên, người người con H’Mông làm ăn xa chỉ được nghỉ dịp Tết Nguyên đán.
Để ăn Tết H’Mông, họ rất khó khăn trong việc xin nghỉ: sinh viên phải xin nghỉ học (đúng mùa thi), người làm ăn xa thì nghỉ làm (công việc cuối năm ở cơ quan bộn bề). Mà nếu không về thì không còn Tết. Trong khi, họ được nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Nếu các gia đình có người đi xa đã ăn Tết người H’Mông rồi, đến khi con cháu về lại tổ chức ăn Tết Nguyên đán nữa thì gây lãng phí.
Cần tôn trọng bản sắc văn hóa
Chủ tịch xã Pà Cò khẳng định bỏ Tết H’Mông ăn Tết Nguyên đán không làm mất bản sắc văn hóa, bởi: “Nội dung, phong tục, tập quán trong Tết cổ truyền người H’Mông vẫn giữ nguyên, không bỏ chi tiết nào. Chỉ thời gian ăn Tết có sự thay đổi để thuận lợi cho các cháu học hành về nghỉ Tết”.
Trước đề xuất “gộp” Tết này, có nhiều ý kiến trái chiều. TS Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng ý tưởng khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số bỏ Tết cổ truyền của họ để ăn Tết Nguyên đán có từ lâu, nhưng thế là không đúng, đi ngược lại quan điểm của UNESCO khuyến khích tôn trọng đa dạng văn hóa.
Dịp lễ Tết mỗi nơi luôn mang bản sắc văn hóa của từng tộc người và cần được tôn trọng như nhau, không nên coi văn hóa của nơi này là văn minh, nơi khác là lạc hậu để loại bỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quang Thắng nhà nghiên cứu kinh tế, du lịch (Viện Hàn lâm Việt Nam) chia sẻ, có thể thấy “gộp Tết” ấy sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân nhưng tôi e rằng bản sắc dân tộc của họ sẽ phần nào bị phai nhạt, thậm chí bị hủy hoại văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, bao đời nay, tổ tiên họ lại ăn Tết vào những ngày tháng 12 dương lịch.
Trong thế giới phẳng hiện nay, đa dạng văn hóa rất được coi trọng. Dù thế nào, mỗi dân tộc đều mong giữ được bản sắc văn hóa riêng của họ. Ví dụ, người Lào, bao nhiêu năm sinh sống ở Việt Nam nhưng họ vẫn dành thời gian về đất nước họ đón Tết.
“Theo tôi, không nên “gộp Tết”! Các nhà chính sách nên có sự ưu tiên cho những người dân tộc như: người đi làm, học sinh, sinh viên được nghỉ phép 2-3 ngày trong dịp lễ Tết của họ. Ngoài ưu tiên cho nghỉ, cơ quan có người dân tộc còn trích quỹ công đoàn để thưởng chút tiền Tết để động viên họ. Bởi họ là “di sản sống” bảo vệ đa dạng văn hóa các dân tộc”, theo ông Lê Quang Thắng.
GS.Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam lại có quan điểm khác. Theo ông, việc thay đổi lịch ăn Tết của dân tộc H’Mông cùng với Tết Nguyên Đán, chỉ là thời gian thay đổi (chậm hơn 1 tháng). Còn các phong tục, nghi lễ trong ngày Tết của người H’Mông không thay đổi. Hãy để người dân tộc tự quyết định thời gian ăn Tết của mình.
Các nhà quản lý, chính sách, văn hóa cần tôn trọng ý nguyện cộng đồng. Có thể, cùng trong một huyện, có xã vẫn đón Tết H’Mông theo thời gian cũ, có xã “gộp Tết”, chúng ta đều tôn trọng. Các nhà quản lý, văn hóa nên động viên, định hướng họ giữ được “linh hồn” Tết riêng có với những phong tục, nghi lễ, cốt cách của tổ tiên họ bao đời trao truyền. Đó mới là điều quan trọng.
Từ góc độ quản lý nhà nước về văn hóa, ông Vũ Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VH-TT&DL đưa ra quan điểm, cơ quan nhà nước không nên can thiệp làm mất tính truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc cả nước. “Đồng bào người H’Mông có bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Nguyên đán hay không phải do thống nhất từ cộng đồng ở đó.”- ông Việt Dũng nhấn mạnh.