Thị trường tranh thiếu định hướng…
Chưa hết bất ngờ và bức xúc khi cộng đồng mạng xã hội đăng tải hàng loạt bức ảnh chứng minh cho việc hoạ sĩ D.N.H đã nhiều lần đạo nhái tranh nước ngoài. Đơn cử, bức tranh cổ động “Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng” của hoạ sĩ này bị nghi đạo lại một bức tranh cổ động về kỳ thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô; còn bức tranh cổ động “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được cho là tác phẩm đạo lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.
Trong trường hợp bức tranh về ASEAN, chính hoạ sĩ D.N.H đã xin lỗi và thừa nhận rằng “thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng nên áp dụng và không hề nghĩ đó là đạo, nhái”.
Trả lời báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết quy trình thẩm định, chấm chọn các tác phẩm tranh cổ động để trao giải và phục vụ công tác tuyên truyền được triển khai rất chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những vụ việc tác phẩm vi phạm bản quyền tham dự các cuộc thi. Ở đây vẫn phải nói đến vấn đề trách nhiệm của người có tác phẩm tham gia.
Bức tranh cổ động của hoạ sĩ H. (bên phải) bị cho là đạo một tác phẩm của một hoạ sĩ Ukraina. |
Đồng tình, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng cho rằng đạo tranh là do ý thức bản quyền và đạo đức nghề nghiệp của họa sĩ kém. Còn hoạ sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ sự tồn tại của một thị trường tranh thiếu định hướng”.
Quả thực, sự “thiếu định hướng” này thể hiện trong tư duy và nhận thức của tác giả, trong lỗ hổng của công tác thẩm định tranh thật – giả, thị hiếu của khán giả. Song đáng trách nhất chắc chắn vẫn chính là tác giả. Sau rất nhiều vụ việc đạo, nhái bị phát giác, vấn đề xâm phạm quyền tác giả đã được nêu ra trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, báo đài trong nhiều năm nay.
Việc tác giả nói rằng “không biết hành vi của mình là hành vi đạo nhái” rõ ràng chỉ là một lời nguỵ biện. Lý do này được cho là “chống chế” cho tư duy nghệ thuật nghèo nàn, đạo đức làm nghề yếu kém, cũng như hiểu biết sơ sài về tác quyền và sở hữu trí tuệ.
Trong nhiều trường hợp, dù tác phẩm đã bị phát giác, tác giả đạo, nhái hoặc im lặng hoặc chỉ giãi bày một số lý do như “không biết”, “sơ sót”, “trùng ý tưởng”… cho xong chuyện. Chỉ khi dư luận tạo rất nhiều áp lực, họ mới xin lỗi trên mạng xã hội, báo đài, truyền thông. Hiếm hoi mới có người liên hệ với tác giả gốc để trả tiền bản quyền.
… trước “toà án” dư luận
Đáng nói, vụ việc trên còn chưa hết “nóng” thì lại có câu chuyện một tác phẩm đoạt Giải nhất cuộc thi mỹ thuật năm 2019 do Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức bị thu hồi giải vì nghi sao chép ý tưởng từ ảnh chụp của một tác giả nước ngoài. Quan điểm về vụ việc, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định tác phẩm tranh lụa nói trên có hình tượng chính giống ảnh chụp đến 90%. Tuy nhiên, tác giả vẫn không thừa nhận và gửi đơn ra toà.
Điều khiến người trong nghề và dư luận bức xúc là, đã có không ít bức tranh đạo, nhái xuất hiện tại các cuộc thi sáng tác từ quy mô nhỏ đến quy mô quốc gia, quốc tế.
Trong mỗi cuộc thi, quy trình thẩm định, chấm chọn luôn được đảm bảo khắt khe, chặt chẽ; tác phẩm dự thi được đánh giá bởi những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, nhưng vẫn để “lọt” các tác phẩm xâm phạm bản quyền. Về phía các chuyên gia thẩm định, giám khảo chấm thi, lý do được đưa ra cũng rất nhiều, nhưng nhiều nhất là do “không đủ thời gian để phân định, kiểm tra thật giả”, “không thể biết hết các tác phẩm nghệ thuật trên đời này”…
Nhiều bức tranh cổ động không chỉ giống về ý tưởng mà gần như trùng khớp về hình ảnh. |
Như vậy, một cách bất đắc dĩ, dư luận và cộng đồng mạng lại trở thành “hội đồng thẩm định” thật - giả khi đăng tải, phơi bày ra những hình ảnh, bằng chứng chứng minh một tác giả nào đó “ăn cắp” tác phẩm của người khác.
Trước thực trạng nêu trên, ông Vi Kiến Thành cũng đề xuất nên có thêm quy định sau khi chấm giải xong sẽ đưa các tác phẩm đó lên mạng lấy ý kiến; sau bao nhiêu ngày không ai có ý kiến mới trình lãnh đạo Bộ làm quyết định trao giải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy chưa chắc giải quyết được bản chất vấn đề, đồng thời cũng nảy sinh nhiều câu hỏi khác. Đơn cử, nếu thực sự dư luận có “quyền năng phán xét” tranh thật - tranh giả thì vai trò của ban tổ chức, ban giám khảo và tổ tư vấn chuyên môn ở đâu? Với những tác phẩm đã “qua mắt” được hội đồng chấm thi nhưng bị dư luận phát hiện đạo, nhái thì phải xử lý như thế nào, cuộc thi có được tổ chức lại từ đầu hay không?
Thiết nghĩ, có cần một “toà án” dư luận để thẩm định thật - giả của thị trường tranh Việt hay không khi vấn đề nằm ở ý thức, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng của người tác giả?