Tranh Hàng Trống: sức sống mãnh liệt

(PLO) - Nhớ khi xưa, mỗi dịp tết đến, xuân về, nhà nhà lại nô nức kéo nhau ra chợ tìm mua cho kì được một bức tranh dân gian như tranh Hàng Trống về treo trong nhà chơi Tết.  
Tranh Hàng Trống ngày nay kén người chơi.
Tranh Hàng Trống ngày nay kén người chơi.
Có trong tay vài chục bức đã là gia sản đồ sộ 
Tranh Hàng Trống xưa được bán chủ yếu ở khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống, phát triển rực rỡ vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Theo trí nhớ của một nghệ nhân tranh Hàng Trống thì “đó là khoảng thời gian phồn thịnh của tranh Hàng Trống. Khắp con phố dài, người ta bày la liệt mấy chục quầy tranh để thu hút người mua. Cứ vài quầy tranh lại đến hàng một ông đồ viết câu đối, hàng bán hoa đào rồi lại đến quầy tranh”. 
Trí nhớ của nghệ nhân ấy vẽ ra một khung cảnh thật nhộn nhịp và đầy sắc xuân, tiếc là ngày nay có tìm mỏi mắt tại phố Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống cũng chẳng thấy nổi một cửa hàng bán tranh Hàng Trống. Bây giờ, người ta muốn mua tranh Hàng Trống chỉ còn cách đến cửa hàng tranh ở số 5 Tô Tịch, một con phố chẳng có nguồn gốc lịch sử gì liên quan đến nghề làm tranh Hàng Trống; hoặc tìm đến tận nhà của người nghệ nhân duy nhất còn âm thầm bám trụ với nghề tại số 22A phố Cửa Đông. Đây là nhà của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên năm nay đã 66 tuổi, dáng người ông gầy gò, cách nói chuyện vui vẻ, dễ gần. Tuổi đã gần thất thập nhưng nghệ nhân dường như chẳng có được ngày nào nhàn rỗi. Một ngày, ông chỉ được thảnh thơi vài phút vào lúc giữa trưa, ấy là khi ông ngồi nhâm nhi chén nước bên cửa hàng cà phê đối diện nhà. Những khoảng thời gian còn lại, ông vùi đầu vào việc vẽ tranh.
“Như người ta về hưu là lúc được hưởng tuổi già thư thái nhàn hạ, còn ông ấy về hưu thì càng bận rộn, đến mức chẳng có thời gian cho những thú vui của bản thân. Lúc nào ông ấy cũng vẽ tranh, không thì tiếp khách” - bà Nguyễn Thị Lý, vợ nghệ nhân Nghiên cho biết. 
Giá cả mỗi bức tranh Hàng Trống không hề nhỏ, bức ít tiền nhất cũng phải có giá từ 400 – 800 ngàn đồng, còn lại đều  lên đến tiền triệu, thế nhưng khách đến nhà nghệ nhân đặt hàng vẫn nườm nượp. Nếu nhìn vào khung thời gian bận rộn vẽ tranh của nghệ nhân và lượng khách đặt hàng để đo sức sống của dòng tranh dân gian này thì có thể thấy dòng tranh này vẫn còn sức sống mãnh liệt lắm. Chỉ tiếc là cung không đủ cầu, một nghệ nhân không thể phục vụ đủ cho lượng người muốn mua tranh.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân duy nhất của dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân duy nhất của dòng tranh dân gian Hàng Trống.
  
“Bây giờ, ai có trong tay vài chục bức tranh Hàng Trống, người đó đã được coi là có một gia sản đồ sộ” - chị Lê Ngọc Diệp, chủ cửa hàng tranh số 5 Tô Tịch, cửa hàng duy nhất bán tranh Hàng Trống trên đất Thăng Long cho biết.
Dù kén người chơi nhưng sức sống vẫn mãnh liệt
Điều đó không khó hiểu vì tranh dân gian Hàng Trống là một dòng tranh quý, sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Không giống tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống sau khi vẽ mẫu, khắc gỗ rồi in nét, cuối cùng mới tô màu bằng tay. Công đoạn tô màu là khó khăn, tốn nhiều tâm sức và thời gian nhất. Nghệ thuật ở chỗ dầm bút lấy màu ít nhiều đối với ngòi bút, bụng bút lông và cường lực ở tay khi tô màu nặng hay nhẹ để gây được hiệu quả sáng, tối và tạo cảm giác hình khối của người hay vật… Do đó, ở mỗi bức tranh Hàng Trống thường có điểm khác dù cùng được in một mẫu. Màu sắc tuy được dùng bằng phẩm màu nhưng lại có ưu điểm là tươi tắn, sống động và ưa nhìn. 
Cũng theo lời của chị Diệp, dòng tranh này rất kén người chơi. Khách mua tranh của chị đều là những người có hiểu biết sâu về nghệ thuật, hoặc hiểu rất rõ về giá trị của bức tranh. Lượng khách này không nhiều. Nếu như khách Tây mua tranh quanh năm theo mùa du lịch thì khách Việt chủ yếu mua vào những dịp trước hoặc sau tết. Dù lượng khách không nhiều nhưng vì là những người có hiểu biết về tranh nên mỗi lần mua, họ lại mua đến vài ba bức tranh. 
“Với cái tâm của người làm nghề, tôi rất muốn giới thiệu tranh của mình với đông đảo mọi người. Tôi muốn bán cho người nước ngoài để qua đó quảng bá dòng tranh dân gian của nước mình với thế giới. Quan trọng hơn, tôi muốn bán cho người Việt để người dân biết, trân trọng và gìn giữ những tuyệt tác hết sức tài hoa của dòng tranh dân gian nước mình” - chị Diệp trăn trở.
Tranh Hàng Trống tuy không phát triển rực rỡ như xưa nhưng sức sống vẫn còn mãnh liệt. Ngày xưa khách hàng có suy nghĩ đây là tranh thờ nên chỉ mua về để thờ hoặc chơi tết, bây giờ hướng chơi đa dạng hơn, nhất là hiện giờ đang thịnh hành trào lưu “hoài cổ”. Người ta không chỉ mua tranh về thờ mà có thể mua để trang trí trong các quán cà phê, trang trí nhà cửa, nghiên cứu hoặc đơn giản chỉ để thi thoảng mang ra ngắm… Sức sống ấy thôi thúc nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh phải hết sức gìn giữ lấy nghề và truyền lại cho thế hệ mai sau tiếp nối, phòng khi sau này tuổi cao sức yếu. 
Với suy nghĩ ấy, trong nhiều năm nay nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã nỗ lực làm ra nhiều ván in tốt, tìm tòi, khôi phục các bản vẽ mẫu cũ… Mong rằng với những nỗ lực của nghệ nhân, dòng tranh Hàng Trống lại tiếp tục được bừng lên sức sống trong những thế hệ mai sau./.

Đọc thêm