Tranh luận dị thường về Quan Thế Âm Bồ Tát

(PLO) -Phật tử mọi nơi đã quá quen với hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát là người phụ nữ đoan trang, xinh đẹp. Có nơi Quan Thế Âm Bồ Tát còn được gọi là Phật Bà Quan Âm. Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng Quan Thế Âm Bồ Tát là nam chứ không phải nữ. Vậy thực hư chuyện giới tính của Quan Thế Âm Bồ Tát là thế nào và vì sao lại có những tranh luận dị thường, tưởng như bất tôn kính như vậy?
Tranh luận dị thường về Quan Thế Âm Bồ Tát

Không thể nào là nữ nhân

Để trả lời những câu hỏi này, thông tin từ Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng tải trên website phatgiao.org cho thấy mười phương chư Phật không hề có nữ thân. 

Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn có câu: "Cần thích hợp một Phật thân để tế độ, Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện Phật thân để nói Pháp và tế độ". Thế thì, đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài làm sao có thể hiện được Phật thân? 

Thực ra trong kinh Đại Nhật và kinh Bi Hoa đức Bổn Sư Thích ca đã từng dạy rằng, đức Quan Thế Âm Bồ Tát đời quá khứ đã thành Phật hiệu là chánh pháp Như Lai vào thuở lâu xa vô lượng kiếp về trước. Vì bi nguyện độ sanh mà Ngài thị hiện làm thân Bồ tát. Cũng trong kinh Bi Hoa, đức Phật luôn luôn gọi đức Quan Thế Âm Bồ Tát là "thiện nam tử" tốt. Vì vậy đức Quan Thế Âm Bồ Tát không thể nào là nữ nhân được.

Nhưng tại sao hiện nay hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát tại các cơ sở thờ tự, chùa chiền đều là nữ nhân với dung mạo xinh đẹp, đoan trang? “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn cho biết: 

“Quán Âm là một vị đại Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa (q.II, tr.679). Hễ ai thờ Ngài, ắt được các sự phước đức; ai cầu nguyện và niệm tưởng Ngài thì được sức lành của Ngài chở che và cứu trợ trong các nạn nguy (...).

Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn cho các chúng sanh và vì sự tuyên truyền Phật pháp, Ngài tùy tiện mà hiện thân, khi làm Phật, khi làm Bồ tát, khi làm Duyên - giác, khi làm Thinh - văn, khi làm tiên, khi làm quỷ, thần, khi làm quốc vương hoặc đại thần, trưởng giả, tỳ kheo, cư sĩ. Và ngài cũng mang thân phụ nữ mà độ chúng sanh nữa” (q.II, tr.685-686).

Chính vì Quan Thế Âm Bồ Tát có thể hiện thành phụ nữ nên mới có một hình tướng là Phật Bà Quan Âm, thường được tạc, đúc thành tượng thờ, có thể thấy một cách phổ biến trong Phật giáo Đại thừa ở Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Hình tướng và tượng thờ này xuất hiện trước tiên tại Trung Quốc vào thời Nam Bắc triều (420-589) rồi đến đời Đường (618-907) mới thịnh hành”.

Cũng theo Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ theo lịch sử về tôn giáo, Linh ứng truyện ký và các lịch sử (tính chất sự tích) của Trung Hoa từ sau nhà Châu vua Chiêu Vương đến cận đại và Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ ba đến cận kim thì đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã từng hóa hiện vào các thế gia và cả bần gia để ứng cơ hóa độ chúng sanh.

Mượn sự tướng của thế đạo để dẫn dắt nhân gian hướng thượng quay về chánh đạo. Như Quan Âm Diệu Thiện về đời vua Trang vương. Quán Âm xách giỏ cá đời vua Huyền Tôn nhà Đường, Quán âm Thị kính đời nhà Minh, Quán Âm linh ứng đời nhà Nguyễn…

Tham khảo điều này cho ta thấy qua các đời phong kiến mọi quyền hành sanh sát và làm tao loạn nhân gian hay thịnh suy cho đất nước, đều nằm trong tay nam giới. Tuy vậy những nữ lưu tuyệt đẹp và xuất sắc vẫn là cao điểm để đam mê và dễ bị nữ sắc lung lạc và điều khiển.

Vậy sự hiện người nữ nhằm để chuyển hóa tâm xấu ác và cải thiện những xa hoa trụy lạc, đó là mục tiêu tùy duyên hóa độ của Quan Thế Âm Bồ Tát, và cũng từ đó mà tượng, ảnh của Ngài trở nên nữ mạo trong một số quốc gia châu Á. 

Cũng cần nói thêm về ý nghĩa của tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng. Thế là cõi đời, cõi hữu tình thế gian. Âm là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra. Bồ Tát là độ thoát cho loài hữu tình, cứu thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh có tình cảm được vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn. 

Quan Thế Âm Bồ Tát đạt được diệu quả Nhĩ căn viên thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sanh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy. Hằng năm, Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát  vào các ngày 19/2, 19/6 và 19/9 Âm lịch.

Vì đâu nghìn mắt, nghìn tay?

Phật giáo trong mỗi giai đoạn phát triển đều không thể tách rời với bối cảnh lịch sử. Vì thế, theo sự phát triển của lịch sử, hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cũng có những biến đổi để phù hợp với thực tế. Đức Phật bà nghìn tay nghìn mắt xuất hiện xuất phát từ nhu cầu của Phật tử mong được thấy một đức Quan Âm thần thông hơn để ra tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi trầm luân bể khổ.  

Từ góc độ điển tích Phật giáo, ở một dị bản, Phật bà nghìn tay nghìn mắt được lý giải bằng câu chuyện vua Diệu Trang Vương lâu lắm chẳng thấy có con nối dõi. Sau 50 tuổi chỉ có ba cô con gái và cô con gái út là công chúa Diệu Thiện tính tình rất hiền từ, không thích vinh hoa phú quý chốn cung đình, một lòng khát khao xuất gia tu hành để siêu độ chúng sinh. Công chúa đã dứt khoát từ chối lệnh của phụ vương yêu cầu xuất giá. 

Dùng mọi mưu kế ép con lấy chồng không được, Diệu Trang Vương liền ra lệnh giết công chúa Diệu Thiện. Thế nhưng lưỡi kiếm chém vào người công chúa bị gẫy đôi, dùng mâu đâm thì mâu cũng vỡ vụn. Sau đó công chúa bị thắt cổ chết.

Linh hồn công chúa khi vào đến địa ngục thì địa ngục biến thành thiên đường. Để bảo toàn địa ngục, Diêm Vương liền đưa nàng trở về nhân thế. Công chúa Diệu Thiện được chuyển kiếp khác, sống trên một đài hoa sen ở núi Phổ Đà để trị bệnh cứu khổ, cứu nạn.

Diệu Trang Vương do ác nghiệp nên gặp ác báo, bị bệnh vô cùng khổ cực, bách dược đều vô hiệu. Có người mach phương thuốc hiệu quả nhất để chữa khỏi bệnh là thứ cao nấu bằng một con mắt, một cánh tay do người khác hiến tặng. Song chẳng ai dám làm việc đó kể cả con gái cả và con gái thứ hai của ông. 

Được tin cha lâm bệnh, công chúa Diệu Thiện đã tình nguyện hiến một cánh tay, con mắt của mình để chữa bệnh cho cha. Khỏi bệnh, Diệu Trang Vương đã cho dựng tượng công chúa Diệu Thiện để tỏ lòng thiện của mình. Ông ra lệnh cho người thợ làm tượng “nguyên tay nguyên mắt”, nhưng người thợ lại nghe nhầm thành “nghìn tay nghìn mắt” từ đó nặn tượng nghìn tay nghìn mắt và để lại cho đời sau cái tên Quan Âm Bồ Tát đại từ bi nghìn mắt nghìn tay.

Nhưng như đã nói ở trên, dù có là hiện thân nào đi nữa thì đó cũng là sự tùy duyên hóa độ của Quan Thế Âm Bồ Tát để cứu độ chúng sanh vượt thoát tất cả những hiểm nguy, dẫn dắt nhân gian hướng thượng quay về chánh đạo – mục tiêu cao nhất của giáo lý nhà Phật. 

Quán Thế Âm là một vị Bồ tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo.

Trong Kinh Bát Nhã Ba-La-Mật, Quán Thế Âm Bồ Tát được gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát, ẩn tàng một triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát. 

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ.

Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát.

Đọc thêm