Tranh luận lành mạnh giúp trẻ tăng khả năng tư duy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dạy cho trẻ những kỹ năng mềm, tranh luận để tăng khả năng tư duy và biểu đạt được các phụ huynh áp dụng trong nhiều năm gần đây. Điều này vừa giúp trẻ tăng khả năng tư duy và hình thành nhân cách vững vàng trong tương lai.
Tranh luận giúp trẻ hình thành tư duy logic.
Tranh luận giúp trẻ hình thành tư duy logic.

Tăng khả năng tư duy cho trẻ

Hầu hết, các gia đình trong xã hội Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn tồn tại một quan niệm rằng, cha mẹ nói gì thì con nhất nhất phải nghe theo. Thậm chí, trẻ không có quyền cãi lại, phản bác. Nếu tranh luận với cha mẹ, trẻ sẽ bị “quy kết” là hỗn, không biết nghe lời.

Đối mặt với con trẻ thích chống đối, tranh luận, hay cãi mẹ, không ít phụ huynh cho rằng, đây là hành động thiếu tôn trọng người lớn. Có phụ huynh còn than thở: “Mới tí tuổi mà nó đã tranh luận với bố mẹ. Lớn lên nó nhất định sẽ là đứa trẻ hư”.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ thích nói lý, tranh luận “chưa chắc” đã hư. Năm 2012, một nhà tâm lý học tại Đại học Virginia (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: Những đứa trẻ thích tranh luận với cha mẹ sẽ ít vướng vào các tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện rượu, bạo lực khi bước vào tuổi vị thành niên.

Từ lâu, văn hóa tranh luận được nhiều gia đình Nhật Bản áp dụng trong cách nuôi dạy con cái. Việc dạy cho trẻ những kỹ năng tranh luận cần thiết sẽ giúp trẻ hình thành nên tư duy phản biện từ sớm, từ đó biết phân tích và xử lý đối với các vấn đề trong cuộc sống.

Kỹ năng tư duy phản biện giúp trẻ chủ động tiếp nhận thông tin, tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác, qua đó có thể xác định lại tính chính xác của thông tin. Việc này giúp trẻ nhỏ làm chủ kiến thức của bản thân.

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí Child Development cho thấy, những lập luận tranh cãi giữa cha mẹ và trẻ em, đặc biệt là thanh, thiếu niên và thiếu niên; rất có lợi cho trẻ trong thời gian dài. Joseph P. Allen – tác giả chính của nghiên cứu nói rằng: Những gì một đứa trẻ học được trong việc xử lý các bất đồng với cha mẹ; chính xác là những gì trẻ áp dụng vào giao tiếp với bạn bè đồng lứa.

Trẻ nhận biết các vấn đề trong cuộc sống và biết nhận thức đúng sai.

Trẻ nhận biết các vấn đề trong cuộc sống và biết nhận thức đúng sai.

Cha mẹ có thể giúp con yêu phát triển tư duy phản biện hiệu quả từ những vấn đề nhỏ diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Điều đầu tiên mà cha mẹ cần dạy con là tư duy và nắm vững khả năng đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề. Muốn có được điều này, trẻ cần có một nền tảng kiến thức vững chãi từ việc đọc sách, rèn luyện kỹ năng qua trải nghiệm cuộc sống,…

Trẻ em có khả năng tư duy còn hạn chế, nhưng bé đã biết so sánh giống nhau – khác nhau, ít – nhiều, to – nhỏ,… Bằng sự so sánh, cha mẹ có thể tạo nền tảng phát triển khả năng tranh luận cho trẻ em. Hãy thường xuyên đặt câu hỏi để con thể hiện mình thích cái gì, không thích việc gì? Cha mẹ cũng có thể cùng con khám phá những điểm giống và khác nhau giữa các sinh vật, đồ vật, hành động,…

Với khả năng tranh luận đúng đắn, trẻ em được dạy phải suy nghĩ rõ ràng và logic. Chúng học cách sắp xếp lời nói của mình để chứng minh quan điểm trong một cuộc tranh luận. Điều cần thiết là trẻ học cách ưu tiên các điểm quan trọng và chuẩn bị cho cuộc phản biện từ những điểm đó. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách ghi nhớ thông tin nhanh hơn và cũng trở nên hiểu biết về các sự kiện.

Để dạy con về tư duy phản biện, phụ huynh có thể giúp trẻ tìm kiếm cả mặt tốt và xấu trong bất kỳ hiện tượng nào. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cùng trẻ tham gia trò chơi “Có, nhưng…”. Trò chơi này dạy tính linh hoạt của tư duy và giúp nhanh chóng tìm ra lý lẽ trong các cuộc tranh chấp. Một người tham gia tìm kiếm lập luận tích cực và người kia tìm kiếm điều ngược lại.

Ngoài ra, các cuộc tranh luận cũng xây dựng các kỹ năng lắng nghe quan trọng ở trẻ em, cho phép chúng phản ứng khéo léo với những người khác. Nhờ đó trẻ em có thể trình bày quan điểm rõ ràng khi đi học. Có lối tư duy rõ ràng và có tổ chức mang lại nhiều lợi thế dù là ở trường hay ở ngoài xã hội.

Trẻ cần học cách tranh luận lành mạnh.

Trẻ cần học cách tranh luận lành mạnh.

Tự tin biểu đạt ý kiến

Giao tiếp luôn là cách thức tuyệt vời nhất để con người thấu hiểu nhau. Một cuộc tranh luận hiệu quả không chỉ là một cuộc tranh luận hay một cuộc thảo luận. Đó là khả năng nhận thức và hiểu một ý tưởng hoặc tuyên bố từ một quan điểm khác. Tranh luận có mối quan hệ liên hệ đến tư duy phản biện (critical thinking), kỹ năng lắng nghe nhạy bén và khả năng đi đến tận cùng một chủ đề cụ thể.

Rèn luyện cho trẻ khả năng tranh luận từ sớm, trẻ sẽ có những kiến thức quan trọng cần thiết trong cuộc sống. Trẻ nắm bắt được những vấn đề và tự tin đưa ra ý kiến trước đám đông để bảo vệ quan điểm của mình.

Học cách tranh luận giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kỹ năng nghiên cứu của trẻ. Khi một đứa trẻ cần thêm luận cứ vào cuộc tranh luận của mình, bé sẽ tự động bắt đầu nghiên cứu chủ đề và học cách tìm ra các bằng chứng. Tuy nhiên, khi đó là một chủ đề rất quen thuộc, bé hoàn toàn có thể rút ra từ chính trải nghiệm của mình mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào.

Đây là một kỹ năng quan trọng không kém khác cần thiết cho trẻ em để trở nên chuyên nghiệp trong giai đoạn đi làm. Hơn nữa, khả năng nghiên cứu nhuần nhuyễn cho phép trẻ em nhận thức được thế giới xung quanh và khám phá ngay cả ngoài lĩnh vực học thuật.

Sau này, trong các cấp học, trẻ sẽ được học và làm quen với kỹ năng thuyết trình. Các thí nghiệm giáo dục ở Mỹ cho thấy trẻ càng phát triển tốt tư duy phản biện và tư duy logic nếu các em bắt buộc phải trình bày vấn đề cho người khác nghe hoặc đọc. Hầu hết chúng ta, những người lớn tuổi, sau nhiều trải nghiệm đều nhận ra rằng việc viết ra các lập luận sẽ luôn giúp ta làm rõ ý tưởng của mình hơn.

Tư duy tranh luận có nhiều tác dụng trong giai đoạn trưởng thành.

Tư duy tranh luận có nhiều tác dụng trong giai đoạn trưởng thành.

Với tư duy tranh luận đã được rèn giũa, trẻ sẽ càng tự tin hơn khi thể hiện ý kiến, quan điểm của mình trong bài thuyết trình. Trong quá trình học, trẻ sẽ trực tiếp tham gia những dự án làm việc nhóm và thuyết trình trước lớp về sản phẩm của mình. Từ đó, trẻ sẽ được thực hành và phát triển kỹ năng tranh luận phản biện khi thuyết trình.

Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý đến rèn luyện khả năng tư duy tranh luận lành mạnh. Nghĩa là trẻ có quyền được tranh luận và bày tỏ quan điểm của mình nhưng sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác và sẵn sàng nhận sai. Cha mẹ hãy khuyến khích con dám thử và chấp nhận sai, chấp nhận làm lại từ đầu. Dần dần bé sẽ làm chủ được kiến thức, có ý kiến riêng và có tinh thần cầu tiến.

Hãy luôn đưa ra những câu hỏi tại sao để con suy nghĩ và tìm hiểu vấn đề. Điều đó sẽ làm con nhớ hơn thay vì bố mẹ giải thích luôn. Việc giải thích luôn khiến hạn chế sự tư duy vấn đề của con và trẻ cũng sẽ nhanh quên.

Và quan trọng hơn là tranh luận lành mạnh giúp trẻ hình thành nhân cách, giúp trẻ tự nhận thức được những khoảng trống trong sự hiểu biết của mình. Trong cuộc tranh luận lành mạnh, trẻ sẽ để ý những khoảng trống trong cách giải thích, những thông tin thiếu sót, lỗ hổng logic. Trẻ biết nhận sai, biết cảm thông và sẻ chia nhiều hơn.

Văn hóa tranh luận mang lại nhiều lợi ích trong việc nuôi dạy con trẻ. Rèn luyện cho trẻ từ sớm để góp phần hình thành tư duy lập luận và nhân cách tốt.

Đọc thêm