Tranh luận nảy lửa việc có nên bổ sung cơ quan giám định cho Viện kiểm sát

(PLVN) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử. Quy định này vừa qua đã làm “nóng” nghị trường với những tranh luận giữa các vị Đại biểu Quốc hội.
Theo Dự thảo luật, việc giám định âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử sẽ giao cho cơ quan giám định của Viện kiểm sát
Theo Dự thảo luật, việc giám định âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử sẽ giao cho cơ quan giám định của Viện kiểm sát

Theo kế hoạch triển khai Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2020 sẽ triển khai sẽ ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại chưa chuẩn bị được trang thiết bị, tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình nên phải lùi lại thời gian.

Liên quan đến việc triển khai quy định này, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC. 

Yêu cầu phải tránh oan sai trong tố tụng đang đòi hỏi cấp thiết

Góp ý vào đề xuất trên tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) không đồng ý việc bổ sung quy định này. Bởi theo bà, đây là một lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao về kinh nghiệm. Đặc biệt, quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi rất chuyên sâu.

Tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 không thấy nêu về những khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát trong việc trưng cầu các chuyên ngành giám định về âm thanh, giám định hình ảnh. Trong quá trình soạn thảo, thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật trong Chính phủ cũng không trình về nội dung đề xuất thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC. Sau này mới có báo cáo bổ sung trình Quốc hội đề xuất thành lập phòng giám định này.

Thực tiễn công tác giám định thương tật hiện nay cũng có nhiều bất cập
Thực tiễn công tác giám định thương tật hiện nay cũng có nhiều bất cập 

“Tôi hiểu rằng việc bổ sung này có nghĩa là yêu cầu thực tế chưa phải là cấp thiết”, bà Xuân nhận định. Hơn nữa, nếu quy định về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định tư pháp công lập đối với VKSND có xung đột với Luật Tổ chức VKSND hay không? Đồng thời, VKSND vừa thực hiện quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định thì liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong vấn đề này hay không?

Ngoài ra, việc bổ sung quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC là không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39 cũng như Nghị quyết 18 về tinh giảm biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện nay và chắc chắn khi thành lập Phòng Giám định tư pháp công lập này sẽ phát sinh thêm những biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giám định viên.

Sau này, có phình ra thêm ở cấp phòng giám định tư pháp, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND cấp tỉnh, cấp huyện hay không? Từ đó, bà Xuân đề nghị cân nhắc nội dung này. Tranh luận với Đại biểu Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh, câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay.

Việc thiết kế cơ quan giám định ở VKSNDTC xuất phát từ yêu cầu này và được quy định từ khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra. Ông Bộ giả sử, trong giám định âm thanh, kỹ thuật, hình ảnh bây giờ định giao cho VKSNDTC mà đã được chính cơ quan giám định của Bộ Công an giám định, bây giờ người ta phát hiện ra khả năng có vấn đề, nếu như bây giờ giao lại cho giám định của Công an thì họ sẽ kết luận thế nào?

Thực tiễn các đồng chí làm ở tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra thấy trong lịch sử tư pháp Việt Nam chúng ta có vụ Tùng Dương ở cầu Chương Dương, biết bao nhiêu lần giám định kết luận của bên giám định Công an không ra được, đến khi phải giao cho giám định Quân đội lúc đó mới ra vụ án.

Quan trọng nhất là bảo đảm tính khách quan trong giám định

Tranh luận về nội dung này, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu không đồng tình với quan điểm cho rằng để chống oan sai thì chúng ta phải thành lập một phòng giám định của VKSNDTC. Nếu để chống oan sai, theo ông, phải thành lập một cơ quan giám định thuộc TANDTC. Bởi vì, Tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của Tòa mới buộc được người đó có tội hay không có tội.

Theo Báo cáo của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an mà ông Cầu có trong tay thì trong 8 năm từ năm 2012 cho đến giờ chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói và trung bình mỗi năm chỉ có 8 vụ, anh em ngoài đó ngồi chơi không có việc làm. Cho nên, ông cho rằng cần thống nhất thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy tổ chức và không thành lập các cơ quan mới nên nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Về vấn đề ghi âm, ghi hình nhiều nên VKSNDTC liên tục phải giám định, ông Cầu suy nghĩ khác là nền tư pháp ngày càng phát triển thì vấn đề oan sai ngày càng giảm đi, chứ không phải ghi âm, ghi hình là phát hiện ra nhiều oan sai. Nếu lập Phòng này, ông Cầu đặt vấn đề: “Viện kiểm sát có nên thành lập các trại tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra của Viện kiểm sát không?”

Tranh luận với Đại biểu Cầu, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam) dẫn số liệu để minh họa cho sự cần thiết về việc phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự. Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan điều tra, VKSNDTC trong 2 năm 2018 - 2019, cơ quan điều tra, VKSNDTC đã trưng cầu 59 vụ việc tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và thời gian giám định thì trung bình như báo cáo của thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là từ 2 đến 3 tháng, cá biệt có một số trường hợp việc giám định kéo dài như vụ nhận hối lộ tại huyện Ba Vì thời gian giám định là 4 tháng 17 ngày và mới đây nhất là vụ giải quyết tố giác tại Chi cục thi hành án quận Đống Đa thời gian giám định là 8 tháng10 ngày, tức là ngày trưng cầu là ngày 9/9/2019 và đến ngày 19/5/2020 là ngày họp phiên trù bị của Quốc hội thì mới có kết luận giám định.

Như vậy, có thể thấy việc giám định có độ chậm trễ nhất định, kể cả trong trường hợp dự thảo Luật đang được Quốc hội thảo luận thì tình trạng này cũng chưa được khắc phục. “Việc xác định nội dung giám định có khách quan hay không thì có trường hợp vụ án một nữ cán bộ công an đã bỏ ma túy vào cốp xe người khác để vu khống. Khi trưng cầu giám định thì Viện Khoa học hình sự trả lời là không đủ cơ sở kết luận nhưng sau đó trưng cầu giám định ở một cơ quan khác thì đủ căn cứ để kết luận giám định và hiện nay vụ án đã được xử lý”, ông Dũng tiếp tục dẫn chứng.

Do đó, ông Dũng khẳng định, từ số liệu và tính khách quan thì rất cần thiết phải có một cơ quan giám định bổ sung, hỗ trợ cho cơ quan giám định thuộc Bộ Công an cũng như là Bộ Quốc phòng để đảm bảo có sự lựa chọn khi cần thiết để cho việc giám định nhanh gọn và khách quan. Đối với lo ngại sẽ phình bộ máy ở các tỉnh và kể cả ở Viện kiểm sát huyện, ông Dũng phản đối vì dự thảo Luật chỉ quy định là thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, không thể suy luận rằng sẽ mở rộng xuống cấp tỉnh, cấp huyện.

Báo cáo thêm về quy định bổ sung trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, việc thành lập Phòng này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định và để làm cho quá trình tố tụng đúng tiến độ. Đây cũng thêm một kênh để xử lý các trường hợp mà các tổ chức tiến hành giám định bây giờ có vấn đề chưa thống nhất với nhau và chỉ thành lập tại VKSNDTC và đồng thời cũng chỉ gom phạm vi là thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. 

Đọc thêm