Tranh luận về án phạt dành cho cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh

(PLVN) - Ngày 23/3, trong trận đấu bóng đá giữa CLB TP.Hồ Chí Minh và CLB Hà Nội, tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh đã thực hiện cú xoạc bóng nguy hiểm khiến Hùng Dũng bị chấn thương nặng. Sau sự việc đó, dư luận đã hết sức lên án hành vi phi thể thao, đồng thời phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ban hành án phạt đối với cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh, tuy nhiên vẫn có tranh luận xung quanh án phạt này...
Tranh luận về án phạt dành cho cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh

Hành vi phi thể thao

Pha quay chậm cho thấy cả hai chân của Hoàng Thịnh đã giẫm lên chân của Hùng Dũng, khiến cổ chân của cầu thủ bên phía Hà Nội bị gập cong, không thể tiếp tục thi đấu. Theo các chuyên gia về chấn thương, Hùng Dũng sẽ mất một khoảng thời gian để xương liền và phục hồi chức năng thì mới có thể quay lại sân.

Với chấn thương dạng này, Hùng Dũng sẽ phải phẫu thuật, đóng đinh nẹp vít, sử dụng dụng cụ kết hợp xương. Nếu thêm tổn thương cổ chân và đầu gối thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Sau này khi hồi phục, hậu quả của chấn thương có thể gây ra biến chứng như dễ bị cứng khớp, co rút, khó bình phục nếu như vận động mạnh. Vậy, hình phạt được VFF đưa ra dành cho Ngô Hoàng Thịnh là gì?

Pha vào bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng gặp chấn thương nghiêm trọng.
 Pha vào bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng gặp chấn thương nghiêm trọng.

Chiều 24/3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có án phạt cho Ngô Hoàng Thịnh sau hành vi vào bóng thô bạo với Đỗ Hùng Dũng. Trưởng Ban kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành xác nhận: “LĐBĐ Việt Nam (VFF) phạt 40 triệu đồng, đình chỉ thi đấu Ngô Hoàng Thịnh đến ngày 31/12. Hoàng Thịnh có trách nhiệm đền bù theo khoản 4 điều 39 trong Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2021)”.

Theo đó, hành vi của tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh được xác định là xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu một án phạt tương đối nặng khi bị phạt tiền ở mức cao nhất là 40 triệu đồng, cấm thi đấu 9 tháng và phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi của mình theo khoản 4 Điều 39 nói trên. Ngoài ra, CLB TP.Hồ Chí Minh - đội bóng chủ quản của tiền vệ này cho hay họ cũng sẽ có những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với hành vi phi thể thao, đi ngược với tiêu chí CLB.

Phải bị nhận án phạt, nhưng có đáng bị chỉ trích?

Trên Twitter, HLV Alexandre Polking của CLB TP.Hồ Chí Minh viết: “Tôi phải đưa ra một tuyên bố ở đây. Những gì Thịnh đang trải qua ở thời điểm hiện tại là không ổn. Cậu ấy có mắc sai lầm không? Có. Đó là một sai lầm lớn không? Đúng là vậy. Nhưng cậu ấy là con người và con người thì có sai lầm. Cậu ấy không đáng phải chịu những lời lẽ nhắm vào mình như thế”.

HLV Polking nói bên lề buổi tập chiều 25/3 của CLB TP Hồ Chí Minh: “Tôi hiểu Ban kỷ luật VFF muốn đưa ra một thông điệp cứng rắn nhằm răn đe các cầu thủ có lối chơi bạo lực trên sân cỏ. Nhưng từ một góc nhìn khác, án phạt mà họ đưa ra cho Hoàng Thịnh là quá nặng. Cậu ấy phải ngồi ngoài 9 tháng, đến khi trở lại được thì mùa giải cũng kết thúc rồi”. 

“9 tháng cấm thi đấu là quá dài và quá đủ với Hoàng Thịnh. Cậu ấy phải nộp phạt 40 triệu đồng và lo chi phí điều trị cho Hùng Dũng nữa. Do vậy, CLB sẽ không có án phạt thêm nào với Hoàng Thịnh nữa. Cầu thủ thi đấu thì mới có tiền lương. Cậu ấy giờ ngồi ngoài dài hạn, phải hỗ trợ tiền viện phí cho đồng nghiệp nữa, thì đó là khó khăn”, nhà cầm quân người Brazil nói thêm.

Bên cạnh đó, sau khi mức phạt được đưa ra, có rất nhiều ý kiến tranh luận đã xuất hiện, một số cho rằng đây là hình phạt thích đáng, đúng luật cho một hành vi rất phi thể thao, phạt nặng như vậy cũng nhằm răn đe các cầu thủ khác, đây cũng là ý kiến của trưởng Ban kỷ luật VFF ông Vũ Xuân Thành: “Tôi cho rằng bản thân các cầu thủ phải ý thức được việc giữ gìn sức khoẻ cho đồng nghiệp. Bóng đá chuyện ham thắng thua là bình thường nhưng không được phép vượt qua giới hạn, gây ảnh hưởng tới thân thể người khác. Tuy nhiên, trên tinh thần chính, chúng tôi vẫn phải dựa vào luật để đưa ra quyết định. Bóng đá là môn thể thao quyết liệt, đòi hỏi tính đối kháng. Nhưng ở tình huống nhanh như vậy, đối với Hoàng Thịnh thì hành vi đó mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh bóng đá Việt Nam”.

HLV Polking vào viện thăm hỏi Hùng Dũng.
 HLV Polking vào viện thăm hỏi Hùng Dũng.

Một số ý kiến lại cho rằng đây là hình phạt có phần nặng tay, thậm chí là không thỏa đáng, nhất là về việc tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh phải chịu các chi phí cho việc chữa trị chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng. Họ đưa ra luận điểm rằng tại các CLB bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, chi phí điều trị chấn thương của cầu thủ sẽ do CLB chủ quản chịu trách nhiệm. Còn ở các CLB Việt Nam, các chi phí cho việc chữa trị chấn thương hầu như do bảo hiểm chi trả vì trên thực tế, CLB Việt Nam chưa sẵn sàng đáp ứng đầy đủ kinh phí điều trị cho cầu thủ xuất phát từ việc tất cả các đội bóng hiện tại đều chưa thể tự kiếm ra tiền và cũng không thực sự giàu có như các CLB lớn tại châu Âu. 

Vậy về mặt pháp lý CLB chủ quản có trách nhiệm gì không? Thông thường, chi phí điều trị chấn thương của các cầu thủ đều do CLB chủ quản kết hợp với bảo hiểm chi trả, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các CLB bóng đá trên thế giới vì mối quan hệ giữa cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và CLB được xác lập bằng hợp đồng lao động nên việc chấn thương của các cầu thủ trên sân có thể xem là một dạng tai nạn lao động vì đó là “tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động” (Khoản 8 Điều 3 luật An toàn vệ sinh Lao động 2015). 

Mặc dù không trực tiếp thừa nhận các chấn thương gặp phải trên sân là một dạng tai nạn lao động nhưng các CLB vẫn thực hiện nghĩa vụ phối hợp với bảo hiểm, thanh toán các chi phí y tế liên quan đến điều trị chấn thương cho cầu thủ. Thực tế cho thấy các CLB Việt Nam đã ý thức được nghĩa vụ của mình và chỉ trả chi phi điều trị chấn thương cho cầu thủ, kể cả những chấn thương nặng, phải phẫu thuật ở nước ngoài với chi phí rất cao ví dụ như trường hợp CLB Hà Nội phối hợp với bảo hiểm PTI trả chi phí phẫu thuật đắt đỏ cho 2 cầu thủ là Đình Trọng và Duy Mạnh của mình hồi năm ngoái.

PTI cũng sẽ chi trả chi phí điều trị chấn thương cho cầu thủ Hùng Dũng vì đây là quyền lợi bảo hiểm được quy định trong hợp đồng đã ký kết với VPF vào đầu năm 2021. PTI sẽ chi trả cho các chi phí y tế phát sinh do chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu tại hệ thống các Giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia gồm: giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 1), giải Hạng Nhất Quốc gia (V.League 2), giải Cúp Quốc gia (National Cup) và cả trận Siêu cúp Quốc gia. Số tiền bảo hiểm bảo vệ cho cầu thủ là 300 triệu đồng và trọng tài là 200 triệu đồng. Trong giải đấu năm nay, PTI bảo hiểm cho gần 600 cầu thủ và trọng tài.

Án phạt hợp lý, nhưng phải trả chi phí điều trị là điều bất cập

Dư luận thắc mắc một điều là xét trên tình trạng chấn thương thực tế của Hùng Dũng thì bảo hiểm PTI và CLB Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng được khoản phí chữa trị chấn thương cho tiền vệ này, vậy sao còn yêu cầu Hoàng Thịnh phải chi trả chi phí điều trị? 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) nhận định, mặc dù các pha phạm lỗi dẫn đến chấn thương trên sân cỏ thông thường không đưa ra xét xử theo tố tụng dân sự nhưng dựa trên tinh thần BLDS 2015, chuyện phí tổn chữa trị trong trường hợp này phải được giải quyết bằng vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” (Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015). 

Trong đó, người bị buộc bồi thường là cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh thuộc pháp nhân chủ quản là CLB TP.Hồ Chí Minh nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Hùng Dũng sẽ phải do CLB TP.Hồ Chí Minh lo liệu chứ không phải Ngô Hoàng Thịnh (Theo điều 597 BLDS 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. 

Người có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp này là tiền vệ Hùng Dũng và CLB Hà Nội trên nguyên tắc thỏa thuận hoặc thủ tục tố tụng dân sự cho nên phán quyết của ban kỷ luật VFF yêu cầu Hoàng Thịnh bồi thường là không hợp lý.

Trên thực tế, bản thân quy định tại khoản 4 Điều 39 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam yêu cầu “Người vi phạm phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra” cũng không phù hợp trên tình thần quy định về kỷ luật của FIFA (VFF là một thành viên của FIFA) nên có nhiều người thắc mắc, tranh luận cũng là điều dễ hiểu.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh chia sẻ ý kiến về sự việc.
  Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh chia sẻ ý kiến về sự việc.

Trong quá khứ tại giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam cũng ghi nhận một số trường hợp cầu thủ gây ra chấn thương phải chi trả phí điều trị cho “nạn nhân” của mình gây rất nhiều tranh cãi: như vụ việc Đình Đồng phạm lỗi với Anh Hùng năm 2014, sau đó Đình Đồng bị phạt 20 triệu đồng và phải lo mọi chi phí thuốc men, điều trị trong quá trình Anh Hùng bị gãy chân. 

Nổi tiếng nhất là pha bóng của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa năm 2015, pha phạm lỗi kinh hoàng khiến Anh Khoa mất luôn sự nghiệp bóng đá ở tuổi 24, trung vệ Quế Ngọc Hải đã bị cấm thi đấu 6 tháng (sau đó được giảm án) và phải nộp phạt 15 triệu đồng, cũng như sẽ phải chịu toàn bộ chi phí điều trị chấn thương cho Anh Khoa với số tiền lên đên 830 triệu đồng. Khi ấy Quế Ngọc Hải đã phải khốn đốn với số tiền 830 triệu đồng đó và gần như không có lối thoát cho đến khi nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân cũng như CLB để chi trả chi phí điều trị nói trên. 

Để tránh đi lên vết xe đổ của vụ Quế Ngọc Hải, VFF đã điều chỉnh các quy định về kỷ luật của mình khi sửa đổi Điều 39 từ việc quy định “người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra” thay đổi thành “người vi phạm phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra” với mức phạt cao nhất không quá 15 tháng lương của cầu thủ vi phạm. Cùng với động thái mua bảo hiểm của PTI cho thấy bóng đá Việt Nam đang từng bước phát triển và sẽ từ từ loại bỏ quy định yêu cầu người vi phạm chịu chi phí chưa trị do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Bóng đá là môn thể thao đối kháng nên những tình huống va chạm trên sân là không thể tránh khỏi, những chấn thương nặng là điều không mong muốn, không một cầu thủ nào muốn gây thương tích nặng cho đồng nghiệp của mình cả. Nên ngay từ đầu, các CLB nên có những phương án cụ thể về nghĩa vụ chi trả các khoản điều trị chấn thương cho cầu thủ để bóng đá Việt Nam phát triển một cách chuyên nghiệp, tránh những tranh cãi liên quan đền vấn đề này.

Tóm lại, mức phạt tiền 40.000.000 đồng cùng với án phạt cấm thi đấu đến hết 31/12/2021 dành cho tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh là hợp lý, còn về các chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra thì còn nhiều bất cập. Nhưng nếu đứng ở cương vị của ban kỷ luật VFF, họ muốn đưa ra một án phạt thật nặng để tạo sức răn đe tới các cầu thủ khác đừng quá quyết liệt trong những tình huống tranh chấp dẫn tới những hậu quả không mong muốn, hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng chuyên môn của giải đấu và lối đá của các cầu thủ thì điều này là có thể hiểu được.

Án phạt đã được đưa ra phù hợp với các quy định về kỷ luật mà VFF công bố vào đầu năm. Việc của Hoàng Thịnh là nghiêm túc chấp hành án phạt và thay đổi trong tương lai. Chi phí điều trị cho tiền vệ Đỗ Hùng Dũng sẽ được PTI chi trả tối đa 300.000.000 đồng, ngoài ra CLB Hà Nội cũng có trách nhiệm, do đó có thể Hoàng Thịnh sẽ không cần phải chi trả bất cứ chi phí phẫu thuật nào.

Việc tồn tại những tranh luận xoay quanh vụ việc này cho thấy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam còn nhiều việc phải làm, họ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp từ dư luận cũng như điều chỉnh lại quy định khen thưởng, kỷ luật phù hợp với pháp luật Việt Nam, tinh thần của FIFA và thực trạng phát triển của bóng đá nước nhà.

Đọc thêm