Linh vật được tôn vinh ở làng nghề ngàn tuổi
Làng gốm sứ Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách nội thành Hà Nội hơn 10km. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.
Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các sản phẩm gốm Bát Tràng như: lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ... đã khẳng định được thương hiệu và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Để tạo ra được những sản phẩm gốm cao cấp, nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kỹ thuật cao. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn đất, xử lý pha chế, tiếp đó là tạo hình, trang trí hoa văn, phủ men…
Trong văn hóa đại chúng, hình tượng con trâu phổ biến trong văn hóa phương Đông và gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là trong văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu) ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), trâu có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước. Trâu là con vật dùng vào việc lễ tế thần thánh. Trong 12 cung hoàng đạo của phương Tây, có cung Kim Ngưu.
Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Trong y học, nhiều bộ phận của con trâu có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người. Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những con thú được nhắc đến (súc sanh). Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt.
Hình ảnh con Trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị thanh bình vùng miền quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền.
Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.
Thời kỳ Vua Hùng dựng nước, con trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Tượng trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm.
Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng - hồ Tây (Hà Nội). Theo huyền sử ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi trâu rước cờ lau tập trận. Đây là một vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng.
Chính vì vậy, năm Tân Sửu, các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đặc biệt kỳ công tạo nên những chú trâu ngộ nghĩnh. Tượng trâu vàng được thể hiện khá đa dạng dưới nhiều tư thế và ở nhiều bộ môn khác nhau như cầu lông, bóng đá, bóng bàn, chú bé thổi sáo trên lưng trâu...
Có những loại tượng trâu chỉ đơn thuần là đồ vật trang trí, có những loại tượng lại kiêm thêm cả chức năng của lọ hoa, lọ tăm, gạt tàn... Và cũng tuỳ vào khả năng sáng tạo và khéo léo của từng gia đình mà tượng những chú trâu vàng được thể hiện sinh động và hóm hỉnh khác nhau.
Những chú trâu gốm ngộ nghĩnh tại làng nghề Bát Tràng. |
Ngoài loại tượng trâu vàng được đúc khuôn hàng loạt còn có tượng trâu vàng được làm thủ công bằng tay với độ tinh xảo và sinh động cao hơn, với nhiều tư thế khá ngộ nghĩnh. Giá làm tượng trâu bằng tay cũng thường cao gấp đôi hoặc gấp ba loại tượng trâu vàng đúc khuôn.
Háo hức đón “trâu vàng” về nhà đón Tết
Những ngày giáp Tết cổ truyền, khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô, mà còn tới từ nhiều tỉnh, thành tới Bát Tràng để mua những sản phẩm gốm sứ về dùng hoặc tặng bạn bè, người thân. Bà Thu Minh, 63 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Năm nay là năm Tân Sửu, tôi cùng bạn đồng nghiệp sang làng nghề ngàn năm tuổi để mua những chú trâu “madein Bát Tràng” làm quà tặng cho nhân viên cơ quan nhân dịp năm mới”.
Trong lò gốm nghệ nhân Đ. Anh, cơ man trâu gốm được xếp đầy trên các giá treo hay bày la liệt tại nền nhà. Lò trâu gốm có rất nhiều chủng loại trâu. Mỗi sản phẩm trâu gốm có giá từ 40 - 800 nghìn đồng/ tùy loại, kích cỡ.
Mỗi chú trâu đều có khuôn mặt, hình dáng khác nhau nhưng đều toát lên vẻ hiền lành, chăm chỉ, đáng yêu. Tượng trâu gốm sứ đường nét chi tiết sắc xảo, men màu nâu vàng trong sáng, long lanh như hổ phách. Màu chủ đạo của những sản phẩm này đều là sắc nâu nhạt hoặc đậm thẫm đẫm màu quê hương đong đầy không khí Tết cổ truyền.
Tượng trâu cũng là một sản phẩm thuộc dòng tượng linh vật phong thủy và thường được lựa chọn đặt trên bàn làm việc hoặc bàn trà với ý nghĩa nhắc nhở làm việc chăm chỉ. Trâu nằm tượng trưng cho sự thanh nhàn, an nhiên, thư thái trong công việc. Nó là biểu tượng cho sự phú quý, cát tường bởi tính cách con trâu là chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm việc. Bày trí tượng trâu giúp hội tụ phúc khí xung quanh, sự nghiệp nhanh chóng thành công và phát đạt.
Đặc biệt, năm nay là năm trâu vàng nên một số nghệ nhân đã sản xuất trâu gốm… dát vàng. Để dát vàng được lên trâu đất thì những chỗ cần dát vàng không được tráng men lên khu vực đó. Nghệ nhân dát vàng sẽ phải đánh giấy ráp rồi quét sơn lên khu vực cần dát. Sau đó, nghệ nhân sẽ thực hiện công đoạn dát vàng 9999.
Những chú trâu này được sản xuất tỉ mẩn đòi hỏi thời gian, công sức, tay nghề cao nên không thể sản xuất đại trà. Giá trâu vàng khá đắt khoảng một vài triệu thậm chí vài chục triệu đồng/ con tùy kích cỡ. Trâu vàng tượng trưng cho mong muốn có sức khỏe dồi dào, tinh thần sung mãn để “cày cuốc”, mang tài lộc và thịnh vượng trong năm mới 2021.
Theo các nghệ nhân làng gốm thì để sản phẩm gốm nói chung, trâu gốm nói riêng chất lượng tốt thì phải theo quy trình: xử lý, pha chế đất dẻo rồi cho vào máy xay nhuyễn như bột, sau đó đổ vào khuôn, để 10-15 phút rồi đem ra phơi hai nắng.
Phơi xong, các chú trâu được đưa vào lò sấy rồi đưa ra chuốt. Công đoạn vẽ, làm men đòi hỏi sự tỉ mẩn. Các chú trâu lại được đưa vào lò với nhiệt độ khoảng 1180- 1200 độ với 13 - 14 tiếng. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Mỗi lò gốm đều có một “bí kíp” riêng để tạo nên men bóng.
Nhu cầu tiêu thụ trâu gốm cao. Trung bình mỗi ngày, mỗi lò gốm tiêu thụ 1500-2000 con. Làm đến đâu, khách mua buôn, khách lẻ mua hết đến đó. Lò gốm anh Đ. Anh và các lò gốm khác như: N. Ánh, T. Hương… phải thuê thêm người làm. Khách đông tới mức không kịp có thời giờ để ăn trưa, vì thế ai ngơi tay lúc nào thì tranh thủ ăn lúc đó. Những ngày giáp Tết này, họ hầu như ăn bánh mì, xôi cho tiện.
Không chỉ bán cho những du khách mua trâu gốm về làm quà tặng, lưu niệm, các nghệ nhân Bát Tràng còn nhận đơn đặt hàng của các nhà vườn trồng quất cảnh ở Hà Nội, Hưng Yên. Bên cạnh những chậu quất truyền thống, các nghệ nhân trồng quất tại đây đã tung ra thị trường mẫu độc đáo: Trâu vàng đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc, “cõng” trên lưng những cây quất bonsai thế đẹp, độc lạ phục vụ khách. Theo một số chủ nhà vườn, năm nay những chậu trâu gốm nhuộm sắc vàng nhũ chở quất mang đến nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Những chú “trâu vàng” mang trên lưng cây quất cảnh đủ các dáng, thế độc đáo, giá lên đến hàng chục triệu được các chủ vườn ở Hà Nội trưng bày, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Tân Sửu.
Con đường làng Bát Tràng dường như chật hẹp hơn bởi các ô tô con, ô tô tải loại nhỏ chất hàng đầy ăm ắp nối đuôi nhau ngược xuôi hối hả. Ngoài ra, còn có các ô tô du lịch chuyên chở những vị khách phương xa. Theo ước tính, mỗi ngày vào xuân làng nghề Bát Tràng đón khoảng 200 – 400 khách tham quan, mua sắm.
Trước thềm năm mới, những du khách đến tham quan làng nghề, chọn mua những món đồ tinh tế, chất lượng do chính người dân bản địa làm ra. Thú vị hơn, du khách được nghe những lời giới thiệu của họ về sự phát triển làng nghề gốm sứ cũng như việc bảo tồn, giữ gìn làng nghề ngàn tuổi.
Xuân Tân Sửu đang rộn ràng…