(PLO) -Quán cà phê bình dân ở xóm thu hút rất nhiều người trốn con, tụ tập “chém gió”. Hầu hết đều trao việc nuôi dạy con cho người giúp việc, còn mình rảnh rang buôn chuyện, xiết nợ, ghi lô, đề, bù khú rượu chè.
Trong xóm, nhiều trẻ bố mẹ gốc bắc nhưng lại nói giọng Nghệ An, Thanh Hóa chỉ vì người giúp việc là người trong đó. Nghe thế, có người dọa con: “Cái hay không học, học giọng đó hử?”. Sự quát mắng của những ông bố, bà mẹ khiến con sợ. Nhưng càng sợ thì càng thích chơi với người giúp việc, thậm chí quý người giúp việc hơn bố mẹ, vì họ không mắng và gắn bó hơn.
Có lần, tôi hỏi một người bạn thường xuyên nhậu nhẹt, la cà quán xá: “Có con rồi, chắc thời gian đi uống bia cũng giảm đi, còn phải trông con nữa, đúng không?”. Người bạn này lắc đầu, giải thích: “Thế có ô sin để làm gì. Mỗi tháng bỏ mấy triệu ra mua sự rảnh rang chứ có ít đâu”. Tôi thắc mắc: “Thế thì nó sẽ không quý bố!”. Người bạn xua tay: “Ui xời, trẻ con nó biết gì. Sau này chơi với nó sau cũng chẳng muộn. Chứ cứ để cho nó theo, nó càng yêu mình thì càng khó đi”.
Nhiều người vẫn nói trẻ con bây giờ sướng thật, nhất là trẻ thành phố, muốn cái gì có cái nấy. Thế nhưng, qua quan sát thực tế và với những hậu quả đã diễn ra, trẻ em ngày nay không sướng, bởi chúng đã bị tước đi cái quyền được chơi với bố mẹ.
Nhiều công chức thành phố đi làm 8 giờ một ngày. Tối đón con về, người vợ thì lao đầu vào cơm nước, giặt giũ, người bố thì tranh thủ xem tivi, đọc báo, lướt mạng... Tối ăn cơm xong, đẩy con vào phòng riêng, rồi bố, mẹ lại cành cạch làm việc hoặc lướt mạng. Con cái trong nhà cứ lủi thủi một mình với đống đồ chơi vô tri, vô giác. Thành ra nhiều trẻ lại tìm đến máy tính, ipad, tivi... và trở thành sở thích.
Tất cả những điều đó khiến kỹ năng sống của các em thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhiều em thành “gà công nghiệp”. Vậy nên, cũng thật dễ hiểu khi có em học sinh được cô giáo ra bài văn tả con gà vốn chạy nhảy sinh động, thì lại tả con gà đã bị làm thịt, luộc chín đặt trên bàn thờ.
GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng: “Bố mẹ chính là người thầy tốt nhất của con cái. Bố mẹ bỏ rơi con cái trong những năm đầu đời sẽ tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong tâm hồn và trí não ở trẻ”.
Bác sĩ Quách Thúy Minh (Bệnh viện Nhi Trung ương) từng cảnh báo, việc bố mẹ không quan tâm nhiều đến con cái sẽ có thể khiến con cái bị tự kỷ. Nhiều em đã được điều trị, có chiều hướng tốt, nhưng vì về nhà gia đình không có thời gian quan tâm, nên bệnh trở nên nặng hơn. Từ đấy có thể thấy, không thể chậm trễ hơn, mỗi người bố, người mẹ hãy vì tương lai con cái mà trả cho chúng được quyền... chơi với bố mẹ.
Mỗi ông bố, bà mẹ cần biết rằng, việc nuôi dạy một đứa trẻ khôn lớn, có đạo đức, không phải chỉ cho chúng cuộc sống no đủ, với rất nhiều đồ chơi đắt tiền, đòi hỏi gì cũng có, mà phải cho chúng tình yêu thương, bằng chính quãng thời gian ở bên con, trò chuyện, chia sẻ, cảm thông và dạy dỗ.
Và bao giờ những đứa trẻ được bố mẹ dành ra mỗi ngày 1 đến 2 tiếng để cùng chơi, trò chuyện sẽ nhanh biết nói hơn, biết đọc sớm, thông minh, tự tin, ngoan ngoãn hơn, lễ phép hơn những đứa trẻ cả ngày bị nhốt vào căn phòng với cả đống đồ chơi.