Trẻ dưới 6 tuổi bị "sót" thẻ BHYT do người lớn?

Chị Nguyễn Thị Tỵ - cộng tác viên dân số tổ dân phố 15, phường Định Công tìm mỏi mắt, đi "rạc" cả người vẫn không tìm ra địa chỉ của một số người mà trả thẻ. Hỏi chỗ trọ trước kia thì được biết họ chuyển đi chỗ khác rồi. Có chỗ thì bảo, nhà họ chuyển về quê sinh sống. Cực chẳng đã, chị Tỵ đành vác số thẻ “ế” về nhà.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), tính đến hết năm 2010, còn gần 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo BHXH VN là do công tác bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa cơ quan LĐ, TB & XH và cơ quan BHXH còn chậm; chưa thống nhất quy trình cấp thẻ BHYT tại địa phương… Nhưng, theo ghi nhận của Pháp luật Việt Nam, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó…

Chờ khám bệnh tại BV Nhi Trung ương.
Chờ khám bệnh tại BV Nhi Trung ương.

Trẻ cần, thẻ vẫn "ế"

Cụ thể, khảo sát của một số địa phương về lĩnh vực này cho thấy, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi không chỉ chậm mà còn sai khá nhiều. Thẻ chủ yếu bị sai sót về tên, giới tính, địa chỉ thôn xóm… Vì sai sót, nên phụ huynh yêu cầu đổi lại thẻ và việc đổi thẻ lại mất khá hiều thời gian dẫn đến việc nhiều trẻ em khi khám chữa bệnh bị gây khó khăn là chuyện thường thấy ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Không chỉ có vậy, theo phản ánh của ông Đồng Văn Mai, Phó GĐ BHXH tỉnh Đồng Nai (một trong những địa phương có số trẻ bị bỏ sót khá cao), một trong những nguyên nhân chậm cấp thẻ là do UBND cấp phường, xã chậm lập danh sách các cháu dưới 6 tuổi trên địa bàn mình quản lý gửi về cơ quan BHXH cấp huyện để cấp phát thẻ cho các cháu. Vì theo quy định, UBND xã, phường phải có trách nhiệm lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi, đề nghị cơ quan BHXH cấp huyện cấp thẻ BHYT cho các cháu. Nhưng cái khó hiện nay là ở các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về BHYT. Thông thường, các phường, xã giao việc thống kê danh sách trẻ em dưới 6 tuổi cho cán bộ hội phụ nữ hoặc cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình. Sau đó, các cán bộ này giao về các tổ, khu phố thống kê. Do đó, “tiến độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cán bộ này có tích cực hay không”.

Trong khi đó, “bản thân cán bộ được giao thống kê cũng kiêm nhiệm, lại không có chế độ chính sách, lương bổng gì cho việc thống kê nên chuyện trẻ em dưới 6 tuổi bị chậm phát thẻ cũng là điều dễ hiểu” – ông Mai lý giải.

Tìm hiểu công tác thống kê và cấp phát thẻ trên địa bàn phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về lý do của việc tắc trách này. Cụ thể, theo lời kể của chị Nguyễn Thị Tỵ - cộng tác viên dân số tổ dân phố 15, phường Định Công, ngoài hàng núi công việc như: điều tra về tình trạng sinh, tử; kết hôn; chuyển đến, chuyển đi; kế hoạch hóa gia đình…, 2 năm nay các chị còn phải kiêm thêm cả việc tìm hiểu về số trẻ em dưới 6 tuổi để lên danh sách để in thẻ rồi lại đi cấp phát thẻ. Mọi việc tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp.

Chị Tỵ tâm sự, muốn biết rõ thông tin về trẻ, chúng tôi phải đến tận nhà tìm hiểu hoặc nhờ trạm y tế phường cung cấp thông tin, thậm chí ra đường, thấy bà bầu nào đi qua là hỏi thăm tình hình để tránh bỏ sót, thiệt thòi cho các cháu. Chính vì mò mẫm đến từng nhà hỏi thăm, không ít lần chị đã bị xua đuổi và chửi mắng thậm tệ vì lầm tưởng là nhân viên tiếp thị sản phẩm, ăn xin…, rồi bị chó cắn... “Phức tạp nhất vẫn là đi nắm bắt tình hình tại gần 300 hộ dân ngoại tỉnh đến đây thuê trọ thuê trọ” - chị Tỵ bức xúc cho biết.

Thực tế, chị Tỵ cho hay, khi chị đến tìm hiểu, có gia đình từ chối khéo bằng cách nói: “Cháu làm bảo hiểm ở quê rồi”, có trường hợp do không hiểu biết, sợ mua thẻ mất tiền nhất quyết không mua (dù cho cán bộ dân số có giải thích thế nào chăng nữa); thậm chí có người dân không chỉ từ chối còn mỉa mai: “Đằng nào cũng mất tiền, khám bệnh bằng BHYT làm gì, vừa thời gian lại không khỏi bệnh”… Ngoài mức lương cộng tác viên dân số “còm” (chưa đầy 350.000 đồng/tháng), cứ 5 năm một lần (thời kỳ tổng điều tra dân số), các chị chỉ được hỗ trợ 500 đồng/hộ dân khi đi điều tra, cộng với 500 đồng phường hỗ trợ nữa là 1000 đồng, “nếu không có sự nhiệt tình và yêu trẻ thì khó lòng mà làm nổi...” - chị Tỵ khẳng định.

Cộng tác viên Nguyễn Thị Tỵ đang băn khoăn với cả tập thẻ BHYT không người nhận
Cộng tác viên Nguyễn Thị Tỵ đang băn khoăn với cả tập thẻ BHYT không người nhận

Khi đi phát thẻ, chị lại một lần nữa bực mình khi tìm mỏi mắt, đi "rạc" người mà vẫn không tìm ra địa chỉ của một số người mà trả thẻ. Hỏi chỗ trọ trước kia thì được biết họ chuyển đi chỗ khác rồi. Có chỗ thì bảo, nhà họ chuyển về quê sinh sống...  Cực chẳng đã, chị Tỵ đành vác số thẻ “ế” về nhà.

Nên bãi bỏ việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em?

Tìm hiểu công việc này ở một số địa bàn khác ở Hà Nội, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời tương tự. Thậm chí còn có tình trạng, có em bị bỏ sót, nhưng lại có nhiều trường hợp một mình “sở hữu” tới 2-3 cái thẻ, vì cha mẹ sợ con mình nhỡ có về quê mà không có thẻ thì không được khám bệnh, nên nhân tiện cán bộ dân số đến tìm hiểu cứ kê khai bừa đi, vì “được cấp thì tốt mà không được cấp cũng chả sao”. Từ thực trạng trên cho thấy, lại một lần nữa những vướng mắc và bất cập  lại tiếp tục nảy sinh trong chính sách đầy tính nhân văn này. Thực tế, theo phản ánh của nhiều gia đình trẻ, dù có hay không họ cũng chẳng mấy quan tâm đến tấm thẻ này, bởi mấy khi chiếc thẻ này phát huy tác dụng đâu. Có nhà, sợ con ốm thêm vì được cấp phát thuốc rẻ tiền, không hiệu quả, thậm chí sợ bị nhân viên y tế đối xử không tử nên cũng từ chối sử dụng thẻ BHYT... Tóm lại, vô vàn lý do khác nhau, vô hình chung, tốn kém biết bao công sức, giấy, mực in..., chiếc thẻ cuối cùng chỉ để bày trong tủ cho đẹp.

Cũng chính vì những lý do này, cộng tác viên dân số Nguyễn Thị Tỵ đề nghị: “ Nên bãi bỏ việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em. Bù lại nên khám chữa bệnh miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cần căn cứ vào giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh, vừa đỡ tốn kém, lại vừa đỡ mất công cán bộ dân số”.

Đang có vấn đề trong việc lập danh sách trẻ em để làm thẻ

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN. Theo ông Tỉnh,  bên dân số thì quản lý và giám sát đối tượng trẻ em, nhưng bên LĐTB & XH lại có trách nhiệm lập danh sách. Trong khi đó, hệ thống cộng tác viên dân số vừa thiếu vừa yếu (mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có một cộng tác viên dân số), lại không được giao nhiệm vụ và không có kinh phí hỗ trợ nên họ nắm bắt tình hình không mấy sâu sát.

Thậm chí, kể cả khi có thẻ BHYT rồi, việc cấp phát thẻ cũng rất khó khăn. Có trường hợp trẻ ốm, cha mẹ trẻ đi hỏi thì mới được phát thẻ BHYT là chuyện bình thường. Để chấn chỉnh tình trạng này, BHXH VN vừa làm việc với Bộ Y tế và LĐ, TB & XH để hướng dẫn cách chi trả và phân rõ trách nhiệm giữa các bên, với mục tiêu đề ra: cố gắng trong năm 2011 sẽ thống kê và cấp phát hết số thẻ còn lại cho các em. Bên cạnh đó, BHXH vẫn tiếp tục đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh linh động giải quyết khám chữa bệnh cho những trẻ em chưa có thẻ BHYT bằng giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh…”.

Trà Long  

Đọc thêm