Trẻ nuôi con, già chăm cháu, niềm vui hay nỗi khổ của người già?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều người nghỉ hưu xong ở nhà trông cháu, chăm sóc gia đình, họ còn không có thời gian để chăm sóc bản thân, khiến cho sức khỏe nhanh chóng đi xuống. Nhiều người nói rằng, tuổi già được quây quần bên con cháu là hạnh phúc, như vậy liệu có đúng?
Chăm sóc các cháu là công việc nhiều ngn]ời già Việt đang phải làm, thay vì được nghỉ ngơi dưỡng già.
Chăm sóc các cháu là công việc nhiều ngn]ời già Việt đang phải làm, thay vì được nghỉ ngơi dưỡng già.

Nghỉ hưu chăm cháu vất vả hơn đi làm

Con dâu sinh đôi và sinh non nên bà Nguyễn Lý (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nghỉ hưu trước 3 năm để trông cháu, đỡ đần các con. Con trai bà làm ăn xa nên việc chăm cháu do bà và con dâu đảm nhận. Lúc cháu còn nhỏ, cứ khoảng hai giờ đồng hồ là bà lại thức dậy để cho cháu ăn sữa, mỗi lần như vậy, việc ngủ lại rất khó, thậm chí không ngủ lại được, nên mỗi ngày bà chỉ ngủ 3-4 tiếng, thậm chí còn ít hơn.

Khi cháu bị nóng sốt, bà thường thức cả đêm để trông cháu nên bà gầy đi trông thấy, sức khỏe cũng giảm sút. Đến khi các cháu lớn hơn một chút, con dâu bà đi làm, một mình bà xoay với hai đứa cháu thì lại càng vất vả hơn. Có khi đến 1 giờ chiều, khi các cháu đã đi ngủ, dọn dẹp nhà xong bà mới ăn cơm, đến đêm cháu thức giấc hay giật mình, bà cũng dậy dỗ cháu cho các con ngủ.

Cứ như vậy, đến khi cháu được 3 tuổi đi học mẫu giáo, bà Lý cũng đảm nhận việc đưa đón cháu đi học hàng ngày, nhưng cũng đã nhàn hơn một chút. Đến lúc này, bà mới có thời gian để nhìn lại bản thân, trong 3 năm đó, trông bà dường như đã già đi cả chục tuổi, mặt mũi hốc hác, tóc bạc trắng. Nhiều lúc bà cũng thấy rất mệt nhưng rồi tự nhủ phải cố gắng để đỡ đần con cháu.

“Giờ đây, cháu bà đã lớn, tự làm mọi thứ thì tôi mới có thời gian dành cho bản thân để đi học nhảy, tập thể thao. Nhưng dù thế nào, sức khỏe và nhan sắc đi xuống nhanh chóng, sự hoạt bát của những năm trước không thể lấy lại được”, bà Lý tâm sự. 

Ngược lại với bà Lý, một người bạn học của bà lại có quan điểm khác, bà ấy sẵn sàng chi tiêu ít đi, thậm chí căt giảm nhiều thứ không cần thiết để cho con tiền thuê giúp việc trông cháu. Vì có giúp việc trông cháu, nên bà ấy có thời gian đi tập thể dục, gặp gỡ, giao lưu bạn bè… chính vì thế mà đến giờ, bà ấy trông trẻ hơn bà Lý rất nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn. Khi được người bạn hỏi có thấy ân hận vì đã bỏ ra quá nhiều thời gian, sức lực để trông cháu không?, bà Lý chẳng ngần ngại trả lời bà không ân hận vì với bà đó là hạnh phúc. 

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân chính để người già chấp nhận trông cháu là họ muốn con cái mình đỡ một khoản chi phí chăm trẻ, hơn nữa họ cũng không yên tâm để người lạ chăm sóc cháu mình. Do vậy, đáng lẽ ở tuổi về hưu người già phải được nghỉ ngơi, nhưng vì con cháu, họ lại phải dậy sớm ngủ muộn để làm việc. Đôi khi còn vất vả hơn cả thời thanh niên.

Nỗi sợ sự phàn nàn của con cái 

Tuy nhiên với nhiều người cao tuổi, việc chăm sóc trẻ không phải là vấn đề lớn, điều khiến họ thực sự lo lắng là sự phàn nàn của con cái và nỗi cô đơn ở một nơi xa lạ.

Cách đây không lâu, một cô con dâu ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô đã tát mẹ chồng 2 cái bởi bà đến đón cháu muộn. Trước mặt mọi người, cô này chì chiết: "Tôi làm điều này để cho bà nhớ thật lâu".

Vụ việc đã gây một làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc. Một người già khi được hỏi có cảm xúc gì khi xem đoạn video trên đã trả lời: "Nhiều người như chúng tôi không những phải luôn gắng sức chăm cháu thật tốt mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần".

Năm 2014, từng xảy ra một thảm kịch ở Quảng Châu. Bà Quách có hai cậu con trai. Khi bà đến tuổi về hưu, hai người con bắt đầu sinh con. Vì vậy, từ năm 2008, bà liên tục di chuyển sang hai thành phố khác nhau - nơi các con sinh sống- để chăm lần lượt 6 đứa cháu.

Thời gian này, do chăm cháu nhiều, sức khỏe đi xuống, bà bắt đầu mắc các bệnh liên quan đến xương khớp và tiểu đường. Chồng bà xa vợ lâu hay trách móc, mâu thuẫn không được hóa giải, bà ly hôn với chồng.

Trong một lần chăm cháu quá mệt, do bất cẩn, bà để làm bỏng đứa cháu gái. Con dâu đã chửi mắng bà thậm tệ. Đối mặt với sự khiển trách của con dâu, cơ thể suy kiệt vì mệt mỏi, bà Quách tuyệt vọng. Cuối cùng vào một buổi sáng sớm, bà đã bế đứa cháu gái mới 3 tháng tuổi nhảy từ tầng 19 của tòa nhà đang sinh sống, kết liễu cuộc đời.

Nhiều người con cứ nghĩ rằng bất hiếu với bố mẹ là để họ đói ăn thiếu mặc, không chăm lo khi họ đau ốm bệnh tật. Còn việc để cho ông bà trông cháu là tạo niềm vui cho ông bà khi rảnh rỗi, hỗ trợ lại cho con cháu khi khó khăn bận rộn. Họ không hề biết rằng việc đó cũng là một hành động bất hiếu vì nhìn ở một góc độ nào đó họ đang "bạo hành" bố mẹ về tinh thần, lẫn thể xác. Rất nhiều cảnh ông bà già chăm cháu trong nỗi khổ cực mà không biết kêu ai.

Trong một buổi tọa đàm về vấn đề bạo hành đối với người cao tuổi, nhà văn Trang Hạ đã đưa ra một nhận định rất mới mẻ, đại ý rằng đừng nghĩ, chửi bới, đánh đập, không cho ăn, đuổi ra đường… mới là bạo hành người cao tuổi. Mà tước đoạt của người cao tuổi cuộc sống riêng tư, buộc họ phải có trách nhiệm trông cháu, giữ nhà, thay vì nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, thăm thú bạn bè, đi chơi… cũng là một sự bạo hành thầm lặng.

“Nhiều người đi làm về muốn tiếp tục đi chơi với bạn bè, gọi điện nhờ bố mẹ đón cháu, tắm rửa, cho ăn, dạy học, bố mẹ đành phải chấp nhận, cho dù họ đã có cả ngày dài mệt mỏi, cũng muốn con về trả cháu để nghỉ ngơi, hoặc hẹn đi đâu đó”, nhà văn Trang Hạ nêu ví dụ.

Đồng quan điểm, đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng ngược đãi người cao tuổi đang là một vấn đề lớn của xã hội cần được quan tâm đúng mức.

Thực tế, thế hệ ông bà đã cả đời vất vả mưu sinh và chăm lo cho con cái mình. Đến tuổi già, ông bà cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Không những thế, phần lớn các ông bà thường chăm và dạy trẻ theo kinh nghiệm của thế hệ của ông bà, nhiều điều không còn phù hợp với hiện tại. Đặc biệt, trẻ không được ở với bố mẹ lúc nhỏ là một thiệt thòi lớn, sẽ ít gắn bó với bố mẹ hơn. 

Một bác sĩ tâm lý nhi cho biết, nếu phải xa mẹ quá nhiều, trẻ dưới 3 tuổi có thể có các rối loạn về tâm lý, thậm chí còn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Biểu hiện của bệnh này có nhiều nét tương tự với tự kỷ như trẻ khó ngủ, hay khóc, không nhìn mẹ, phớt lờ nỗ lực giao tiếp của mẹ. Tình trạng bệnh có thể bám theo bé cho đến tuổi trưởng thành.

Theo các chuyên gia tâm lý, không chỉ có ý nghĩa với trẻ, việc trực tiếp nuôi con cũng giúp chính bố mẹ trưởng thành, hoàn thiện bản thân hơn. Câu nói "sinh con mới biết lòng cha mẹ" là vậy. Khi thức khuya dậy sớm chăm bẵm con, vất vả lo lắng khi con ốm đau, người cha mẹ mới hiểu thấu tấm lòng đấng sinh thành ra mình và biết nỗ lực hơn trong cuộc sống. Sinh con rồi phó thác con cho ông bà nuôi chứng tỏ người đó chưa trưởng thành, thậm chí còn thể hiện sự ích kỷ khi dồn hết vất vả cho người khác vì lợi ích của bản thân. 

Do đó, nếu ở chung, các cặp vợ chồng có thể nhờ ông bà hỗ trợ chăm trẻ nhưng trách nhiệm chính vẫn là bố mẹ. Một số trường hợp có thể ở riêng, sáng mang gửi ông bà, tối bố mẹ đón về hoặc sáng bố mẹ đưa con đến trường gửi, chiều nhờ ông bà đón sớm. Như vậy, người lớn tuổi có khoảng thời gian riêng được nghỉ ngơi, trong khi vẫn hỗ trợ được con cái và gần gũi cháu. 

Đọc thêm