Trẻ vị thành niên có nguy cơ bị bạo hành...qua mạng Internet

Nghiên cứu của các bác sỹ Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, có 11% trẻ ở lứa tuổi vị thành niên trong 3 tháng gần đây bị bạo hành mạng, trong đó có 6,4% các em được hỏi nhận được nội dung đe dọa phổ biến qua thư điện tử, tin nhắn tán ngẫu. Hầu hết các em nam nhận tin nhắn đe dọa qua hình thức thư điện tử, chơi game, từ các trang web đen… Còn các học sinh nữ đa phần nhận được tin nhắn đe dọa qua chatroom (phòng tán ngẫu), thư điện tử và mạng xã hội

Nhóm bác sỹ Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành nghiên cứu vấn đề bạo hành mạng trên gần 200 học sinh cấp hai ở quận Ba Đình (Hà Nội). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới gần 96% học sinh nam và gần 97% học sinh nữ sử dụng mạng Internet tại nhà không phải vì học tập…

Hình minh họa
Hình minh họa

Nguy cơ bạo hành mạng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới gần 96% học sinh nam và gần 97% học sinh nữ sử dụng mạng Internet tại nhà.  Một nửa số học sinh trên được hỏi cho biết sử dụng mạng Internet từ 2 đến 6 ngày trong một tuần. Điều đáng lưu ý là có tới 71% số học sinh có dùng mạng từ 2-5 giờ/ngày. Mục đích sử dụng mạng của các em chủ yếu là nghe và tải nhạc (98%), tán gẫu (94%), chơi game (87%), thư điện tử (59%), nhắn tin (39%). 
Tuy nhiên, nghiên cứu của các bác sỹ Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, có 11% trẻ ở lứa tuổi vị thành niên trong 3 tháng gần đây bị bạo hành mạng, trong đó có 6,4% các em được hỏi nhận được nội dung đe dọa phổ biến qua thư điện tử, tin nhắn tán ngẫu. Hầu hết các em nam nhận tin nhắn đe dọa qua hình thức thư điện tử, chơi game, từ các trang web đen… Còn các học sinh nữ đa phần nhận được tin nhắn đe dọa qua chatroom (phòng tán ngẫu), thư điện tử và mạng xã hội. Hầu hết các em sau khi nhận được tin nhắn đe dọa bản thân có những hành động đáp trả như xóa tin nhắn đe dọa, tránh xa kẻ đó, chặn thông tin…Tỷ lệ các em nhờ sự giúp đỡ của người thân còn thấp. 
Thạc sỹ Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội cho biết: Hiện nay học sinh đặc biệt là các em ở lứa tuổi cấp hai đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Lứa tuổi này dù các em đã có thể xác của người lớn nhưng lại không phải là người lớn với những khủng hoảng tâm sinh lý trong quá trình hoàn thiện nhân cách, nên khi tiếp xúc với thông tin xấu đầy rẫy, trái chiều các em sẽ khó phân biệt được đúng sai, thật giả. Tuy mới xuất hiện nhưng loại bạo hành  mạng này lại có mức độ lan rộng nhanh. Nhưng bà Hải cho rằng, trong thế giới ngày nay vấn đề cấm trẻ tiếp xúc với mạng là không thể. Vì thế cơ quan chức năng phải quản lý thông tin mạng, kiểm soát những trang web độc hại, ngăn chặn xử lý những đối tượng lừa đảo.
“Trên người em chi chít vết sẹo mà họ đâu hay”
Nhiều phụ huynh do mải mê những thương vụ làm ăn, thường về nhà khi con đã đi ngủ và sáng ra chỉ gặp nhau thoáng chốc rồi mỗi người mỗi ngả. Có một thực tế, đẩy con em tới những lớp học thêm để tránh xa các tệ nạn là một nhu cầu có thật của phụ huynh. Tuy nhiên, với các cô cậu cấp hai, không phải hôm nào các em cũng đến lớp học thêm như lịch. Bữa nào chán thì tụ tập đi chơi, có em vào quán net… miễn sao trước 9 - 10 giờ tối có mặt ở nhà bởi bố mẹ không hề hay biết. 
Nói đến việc đi học thêm của học trò, nhiều GV bày tỏ rằng ngoài nhu cầu mong con học được nhiều kiến thức thì nhiều gia đình mục đích chính để giải quyết vấn đề không có người trông con sau giờ học. Hoặc họ “đẩy” con đến các lớp học năng khiếu, các khóa học kỹ năng, nâng cao này nọ chỉ vì lý do để... gửi con. 
Và đây là tâm sự của một nữ sinh lớp 8, được giáo viên cho biết học giỏi, gia đình rất khá giả, thường ngày có tài xế đưa đón đi học bằng ô tô: “Bố mẹ bắt em phải học thật giỏi, phải đạt thành tích này nọ… nhưng có bao giờ hỏi han việc học, chuyện trường lớp của em chưa? Hết giờ học em không muốn về nhà vì buồn chán kinh khủng, chẳng có ai bên mình. Nghỉ hè nào cũng vậy vì bận việc mà bố mẹ đẩy em sang nhà dì ở Singapore để học Ngoại ngữ. Lần đó em đã dùng dao lam rạch vào đùi đến chảy máu, cách mà nhiều bạn mách nhau để tránh nỗi buồn nếu không em sẽ tự tử mất. Cả năm nay em vẫn thường hay làm như vậy, trên người em chi chít là sẹo mà họ cũng đâu hay biết”. 
Theo bà Đỗ Thị Hải nhiều gia đình cha mẹ mải mê làm ăn, suốt ngày để con vùi đầu vào mạng hoặc không quản lý được thời gian của các em, không quan tâm chia sẻ và cho đó là an toàn là sai lầm. Cha mẹ phải kiểm soát con lên mạng học gì, làm gì, giao lưu với ai và đặc biệt là dạy con biết tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy, hướng con vào hoạt động văn hoá, thể thao, kỹ năng sống. 
Có thể nói, không chỉ là vẻ trẻ con bên ngoài, những cô cậu học trò dù là cậu ấm cô chiêu tưởng như không thiếu gì nhưng cái các em không có lại chính là tình cảm, các em mất lòng  tin ngay trong gia đình, tới xã hội, học đường và cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Thế nên có những tâm sự của các em dù tuổi cấp một thôi nhưng đã buồn thê thảm: “ Ba mẹ ơi, giàu để làm gì khi cả tháng nhà ta không có một bữa cơm nào bên nhau…” và rất nhiều điều “cùng” nhau khác trong những yêu thương, chia sẻ để mỗi đứa trẻ được lớn lên ấm áp và hồn hậu…
Uyên Na

Đọc thêm