Trong clip ngắn, một nhóm học sinh tiểu học ở Nhật đứng đợi ở vạch kẻ đường cho người đi bộ, khi các xe dừng lại, các em nhỏ mới cùng nhau bước sang đường. Điều đáng ngạc nhiên là khi sang đến đường bên kia, các em nhỏ đều đồng loạt cúi đầu cảm ơn những người lái xe đã nhường đường cho mình.
Ngược lại ở Việt Nam, người lớn hay trẻ nhỏ đều sang đường kiểu “vô tội vạ”, “liều chết”. Có vạch kẻ đường cho người đi bộ không sang, có cần cầu đường bộ trên cao không dùng, người đi bộ sang đường bất cứ nơi đâu họ muốn, bất chấp khu vực cấm hay trèo rào phân cách.
Hành động cúi đầu cảm ơn của các em nhỏ Nhật càng khiến người xem nể phục ý thức của các em. “Giáo dục vậy bảo sao đất nước không giàu, thế giới không nể”, một độc giả thốt lên.
Độc giả Khánh Hưng thì cho rằng, có sự khác biệt giữa trẻ Việt Nam và trẻ Nhật như vậy là do giáo dục: “Trẻ con ở các nước luôn được chú trọng giáo dục nhận thức, ý thức, kỹ năng... về cuộc sống ngay từ nhỏ.
Không giống như ở bên ta chỉ được nhồi nhét kiến thức toán lý hoá các loại để các thầy cô có cơ hội tăng số giờ giảng dạy, tăng số buổi dạy thêm, ngành giáo dục bán được nhiều sách thiết bị trường học, nhà trường thì thu được nhiều đóng góp... nên các cháu hết thời gian để học những điều sơ đẳng nhất đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân các nước văn minh. Đó là Xin lỗi và Cám ơn”.
“Ở Nhật, khi mẫu giáo trẻ con được học về luật giao thông, bố mẹ đến trường cũng được cầm tờ giấy mang về học với con và làm gương cho con những điều nhỏ nhặt đó”, độc giả Đình Tuấn giải thích thêm.
Cảnh sang đường thường thấy ở Việt Nam |
Còn độc giả Đào Thế thì cho biết, sau 10 năm sống ở Nhật anh nhận ra rằng người Nhật tỏ lòng biết ơn đến tất cả mọi vật. Hành động cúi chào của các em nhỏ trong clip là để tỏ thái độ “xin lỗi đã làm phiền” và “cảm ơn đã nhường đường”.
Có nghĩa bọn trẻ ý thức được việc qua đường của chúng làm ảnh hưởng đến nhiều người đang đi trên đường. Vì vậy, sau khi được nhường đường chúng quay lại tỏ lòng biết ơn với những người đã dừng xe cho chúng qua.
“Nói như vậy để thấy con người Nhật dù là nước công nghiệp làm việc theo quy tắc, quy định, luật, nhưng họ vẫn ý thức được cái "tình" trong mọi việc”, anh Đào Thế nói.
Bên cạnh những ý kiến ngưỡng mộ ý thức của trẻ Nhật và cũng muốn dạy con mình trở thành những công dân văn minh, một số ý kiến cho rằng, ở Việt Nam rất khó thực hiện.
“Ở Việt Nam đôi khi muốn chấp hành pháp luật tốt cũng khó, chúng ta tụt hậu với họ quá xa, từ đội ngũ lãnh đạo cho đến người dân. Trong cộng đồng thì người có ý thức cũng chỉ là thiểu số thôi. Chỉ hy vọng tương lai Việt Nam sẽ tốt lên”, độc giả Quang Xuân chia sẻ.