Nhưng có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận rằng, tình yêu giữa cha và con gái là thứ tình thương yêu đạt tới đỉnh cao của ý niệm mà ngôn từ đôi khi cũng không thể diễn tả hết. Những khoảnh khắc trong cuộc đời giữa cha và con gái luôn được găm chặt trong tim bất cứ cô gái nào. Từ khi là một đứa trẻ lọt lòng đến khi trưởng thành rồi hoá thành bà lão và trở về với cát bụi thì những khoảnh khắc ấy vẫn rất gần gũi và vẹn nguyên.
Con nợ bố một lời cảm ơn
Thật vậy! Mất cha từ sớm, nên khi đứng trước những bức ảnh, những tâm sự của cuộc triển lãm ảnh “Bờ vai ấm áp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện, tôi như thấy trái tim mình đập hẫng một nhịp, nước mắt dâng bờ mi. Cũng như tôi, những người phụ nữ trong ảnh có một người cha thật tuyệt vời. Và may mắn hơn tôi, họ luôn có cha theo suốt cuộc đời, có chỗ để tìm về mỗi khi khổ đau ập đến.
38 tuổi, nhà báo Trần Ý Dịu (Hà Nội) đã thừa cứng cáp, thừa trưởng thành, nhưng với cô, bờ vai bố vẫn là chỗ dựa ấm áp nhất. Trong cô luôn đầy ăm ắp những kỷ niệm về bố, từ ngày ấu thơ khi ông dạy con gái mình trở thành người mạnh mẽ: “Bố không khi nào can thiệp chuyện con trẻ.
Khi trẻ con xích mích, nhiều ông bố sẽ thẳng tay đánh đứa đã động vào con mình hoặc sang nhà đứa kia mà tố cáo. Bố thì không! Bố chỉ phân tích tình huống, để tôi tự xử hoặc phải mạnh mẽ hơn thay vì dùng nước mắt. Vì vậy, trong cuộc sống, tôi vẫn luôn tự chủ động tìm đường cho mình. Sai sẽ phải trả giá nhưng cơ bản tôi đã ít và không sợ trả giá”, cho đến nuôi dưỡng trong cô ước mơ làm báo: “Những chuyến đi dài dọc miền đất nước, quà bố mang về là những câu chuyện từ những vùng đất, con người xa xôi mà gần gũi.
Tôi vẫn nhớ câu bố nói: “Nghề báo, ở đó các con sẽ có cơ may hiểu cuộc sống này ở những góc nhìn thật nhất”. Trí nhớ của một đứa trẻ không bao giờ quên tiếng máy bay trực thăng phành phạch, quay mòng mòng và nhất bổng mình lên trời. Vâng! 5 tuổi tôi đã được bố cho bay vào Đà Nẵng trên chiếc máy bay quân sự. Chừng đó đủ để tôi ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà báo”.
Tôi là đứa con gái thứ tư trong một gia đình có 4 chị em gái, ngày sinh tôi mẹ kể, cha bế tôi và nói với láng giềng rằng: “Con gái tôi, có mang mười thằng con trai đến đây tôi cũng không đổi”. Tôi đã lớn lên trong tình yêu đủ đầy của cha dành cho đứa con gái thứ tư như thế. Nên tôi cũng đã bật khóc trước sẻ chia của nữ nhà báo Trần Ý Dịu về người cha của mình: “Mẹ chỉ sinh được chị gái tôi và tôi. Bố đón nhận các con bằng sự yêu thương đong đầy. Chưa bao giờ ông so sánh chúng tôi dù mỗi chị em ở một thái cực từ tính cách đến học hành. Cũng không bao giờ ông nói với ai: “Tôi cần một đứa con trai”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nợ ông một lời cảm ơn về điều này”.
Ngày con gái đi lấy chồng là ngày cha lo nhất
Người đời vẫn nói rằng: Mẹ yêu con bằng những cái ôm, cha yêu con bằng bờ vai vững chãi. Với chị Đỗ Vân Anh ở Long Biên, Hà Nội thì đúng là như vậy. Chị kể: “Hồi bé tôi bị viêm phế quản mãn tính. Mẹ bận chăm em nhỏ nên bố luôn là người lo lắng, chăm sóc tôi. Hai bố con thường xuyên đưa nhau đi viện 1- 2 tuần, có lần cả tháng mới về đến nỗi tất cả bác sĩ trong khoa đều quen mặt. Thậm chí bố còn trồng cả cây bỏng nước trong viện để tôi ăn phòng ho. Cứ như thế tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của bố”.
Đã là trẻ con có ai không có lần bị bố mắng, thậm chí đánh đòn vì hư. Nhưng đòn roi không phải nỗi đau của chị Nguyễn Ngọc Hương ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, mà chị đau vì những giọt nước mắt của bố đã vì chị mà tuôn rơi: “Tôi nhớ như in lần bị lạc khi tròn 7 tuổi. Bố là người đầu tiên tìm thấy tôi. Khi tôi nhào ra ôm lấy bố thì bị bố tát vào má như trời giáng. Bố đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ và cứ thế đi không nói gì. Đến tối, mẹ hỏi han, ôm tôi vào lòng rồi nói: “Con biết không, hôm nay bố đã rất lo khi chưa tìm thấy con. Lần đầu tiên mẹ thấy bố khóc. Cả chiều nay bố đi tìm khắp các cửa hàng để mua con gấu bông này tặng con gái đấy. Bố dặn mẹ hỏi con chỗ má. Còn ngày con gái đi lấy chồng là ngày cha lo nhất đau lắm không và cho bố xin lỗi nhé. Nghe mẹ nói mà tôi chỉ biết òa khóc nức nở”.
Với mọi người cha, ngày con gái đi lấy chồng là ngày cha lo nhất. Không lo sao được khi biết bao nhiêu câu hỏi dồn dập đặt ra: người đàn ông ấy có yêu thương con mình hay không; con có thực sự hạnh phúc suốt cả đời bên bờ vai người chồng hay chỉ là nụ cười bên ngoài trí trá mà bên trong nước mắt trào dâng…
“Đêm trước ngày cưới, bố hỏi: “Con đã chuẩn bị hết đồ chưa, cần gì nữa không bảo bố”. Tôi không kìm được, khóc như mưa trước tình cảm bố dành cho mình. Tôi sống với nhà chồng ở xa, tuần 1, 2 lần bố vẫn gọi điện cho tôi, nghe giọng là biết tôi khỏe hay mệt…” – chị Hoàng Hải Chinh 40 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ. “Ngày tôi đưa bạn trai (giờ là chồng tôi) về giỗ mẹ, ông đứng im lặng trước bàn thờ mẹ tôi mà khóc. Ngày tôi cưới, tay bố run run cầm gậy cùng tôi tiến vào lễ cưới, hai bố con ôm nhau khóc là cả hội trường bật khóc theo. Bố bị điếc nên chẳng nghe rõ âm thanh trong lễ cưới, nhưng ông hạnh phúc vì con gái út đã tìm được bến đỗ bình yên” – là câu chuyện của chị Nguyễn Cẩm Lai, (Thanh Hóa)…
Đức Phật nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ
Quả thật là như vậy. Con cái kiếp này, vì vậy cũng là nhân duyên tiền kiếp nào đó. Vì sao đứa trẻ lại chỉ muốn đầu thai vào nhà bạn, mà không phải là đầu thai vào một gia đình nào khác? Theo lý luận Phật giáo, bạn và đứa trẻ không có bất kỳ mối nhân duyên nào thì chúng sẽ không tới nhận bạn làm cha mẹ. Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn.
Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước… Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp.
Thế nên cũng đừng quá căng thẳng với câu nói: “Con gái là người tình kiếp trước của cha” mà cho rằng nó cổ súy cho thứ tình cảm loạn luân, coi thường đạo lý. Chánh Văn - Hoàng Anh Tú đã từng chia sẻ: “Khi nói, “con gái là người tình kiếp trước của cha” vốn là ý văn học vậy. Chỉ là nhiều người biến nó thành đời. Mà đời thì quá đỗi sù sì”.
Hãy biết rằng, tình yêu của mẹ như nắng ấm, ngọt ngào và dễ thấy, tình yêu của cha như trời đêm, lặng im nhưng vô cùng sâu thẳm. Ngày ngày, ta dán hình thần tượng khắp nơi nhưng thần tượng ngay trước mắt thì ta chẳng nhận ra tóc người đang bạc. Thế nên, đừng để có những lời xin lỗi không còn gửi được đến mẹ cha, có những lời yêu thương không còn là kịp nữa…
Rời bờ vai của cha, con gái về với người. Và rồi cũng đến một ngày, con gái lại chứng kiến con gái mình rời bờ vai cha mẹ. Ấy là vòng đời. Và trong vòng đời ấy, tình yêu thương của cha như một sợi dây xuyên suốt để những cuộc đời không bị vụn vỡ vì khổ đau.
Người chồng của chị Phạm Trần Cẩm Linh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội trước ngày cưới đã được bố vợ căn dặn rằng: “Người đàn ông đầu tiên đón nhận con bé khi nói đến với cuộc đời là bố. Người lau nước mắt và đỡ nó dậy khi nó vấp ngã cũng là bố. Nhưng con mới là người đồng hành cùng con bé suốt cuộc đời”. Tình cảm ấy người chồng của chị Phạm Trần Cẩm Linh luôn khắc ghi: “Chồng tôi luôn nói chính bố em là người đã truyền thêm ngọn lửa yêu thương cho anh mỗi khi anh mệt mỏi trong cuộc sống. Anh cũng sẽ làm như ông trước khi chuẩn bị trao con gái cho người bạn đời của nó” – chị kể.
Từng hạnh phúc bên bờ vai của bố, giờ đây nhà báo Trần Ý Dịu lại nối tiếp hạnh phúc khi chứng kiến con gái mình có chỗ dựa vững chắc là người chồng, người cha của gia đình nhỏ của chị: “Con gái bước vào tuổi dậy thì mơ mộng và ẩm ương. Những cơn cái giận vô cớ, những niềm vui thăng hoa trồi sụt ở tuổi 13 của con khiến người mẹ ở ngưỡng bấp bênh trung niên thật khó kiểm soát cảm xúc. Nhưng bố của cô gái ấy luôn tròn vai nghệ sĩ thăng bằng. Một cuộc trò chuyện với vợ, một lời động viên con gái, một ánh mắt, một nụ cười đủ để tan nhanh những bức xúc, bực dọc giữa vợ và con gái”.