Tri ân cội nguồn Vua Hùng của nhà Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ tới bây giờ, lòng tri ân các Vua Hùng mới được phát huy mạnh mẽ mà cách đây hơn 200 năm các vị vua triều Nguyễn cũng đã có nhiều chính sách đặc biệt nhằm tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công trong việc dựng nước.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3

Từ bao đời nay, câu ca dao ấy vẫn in sâu trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, cứ đến ngày giỗ Tổ là muôn triệu trái tim lại nô nức và đầy tự hào khi hướng về nguồn cội. Không chỉ tới bây giờ, lòng tri ân các Vua Hùng mới được phát huy mạnh mẽ mà cách đây hơn 200 năm các vị vua triều Nguyễn cũng đã có nhiều chính sách đặc biệt nhằm tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công trong việc dựng nước.

Về truyền thuyết Hùng Vương, theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 3 ghi chép: “Con của Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này phía đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Ðộng Ðình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Ðịnh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Ðức (1); đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Ðặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương…”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 3. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 3. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Dưới triều Nguyễn, đền thờ Hùng Vương còn được gọi là miếu Hùng Vương và được xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế Vương. Vào năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã lệnh cho đặt 52 miếu phu ở đây, 52 miếu phu này đều lấy dân sở tại, có nhiệm vụ trông coi, phục dịch ở miếu.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17 ghi chép về việc Triều Nguyễn cho Đặt miếu phu cho các miếu lịch đại đế vương Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 17 ghi chép về việc Triều Nguyễn cho Đặt miếu phu cho các miếu lịch đại đế vương Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Đến triều vua Minh Mạng, năm Quý Mùi (1823), khi ban cấp ruộng tự điền và phu coi mộ cho các miếu thờ, trong đó có miếu thờ Hùng Vương, Thế tổ Nhân hoàng đế đã xuống dụ cho Nội các: “Nhà nước làm cho dòng đứt được nối, họ mất được còn, truy tôn các triều đại trước như Hùng Vương, Sĩ Vương, An Dương Vương cho đến Đinh, Lê, Lý, Trần cũng có cấp cho tự điền và phu coi mộ để thờ cúng lâu dài”(2). Sở dĩ vua Minh Mạng đã thi hành những chính sách tốt đẹp ấy, bởi theo vị vua thứ 2 của triều Nguyễn: “Lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn, vốn không tự hạn chế trong non sông nước Nam. Xét sách “Việt sử ngoại kỷ biên niên” thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương thực là Thủy tổ của đất Việt ta”(3).

Còn vua Thiệu Trị, vào năm Ất Tỵ (1845), Thế tổ Nhân hoàng đế đã cấp cho miếu thờ Hùng Vương 50 miếu phu và sái phu (người giữ việc quét tước) để trông nom việc phụng thờ.

Năm Bính Thìn (1856), khi các Sử thần làm bộ Việt sử, vua Tự Đức sai Đại thần Trương Đăng Quế xét lại thể thức, phương pháp để viết. Đến khi tâu lên, vua chuẩn cho lấy Hùng Vương làm vua đầu tiên chính thống của dân tộc. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 15, mặt khắc 2 ghi chép về sự việc này như sau: “Khi ấy các Sử thần làm bộ Việt sử nghĩ tâu: Thể thức phương phép nên viết, quan ở Nội các phần nhiều xin đổi lại. Vua lại sai đại thần là Trương Đăng Quế xét lại. Đến khi tâu lên, vua chuẩn cho lấy Hùng Vương làm vua đầu tiên chính thống (theo lời Sử thần), Kinh Dương và Lạc Long chia chua ở dưới vua Hùng Vương”.

Đặc biệt vào năm Giáp Tuất (1874), bên cạnh việc cấp phu miếu trông coi, tiền hàng năm cho việc thờ cúng, Dực Tông Anh hoàng đế còn lệnh cho quan và dân địa phương xét thực, nếu lăng miếu có hư hỏng gì thì chi tiền giao cho dân sở tại tu bổ và cấm cắt cỏ chăn trâu, định làm lệ mãi (4).

Có thể nói, những việc làm thiết thực hướng về tổ tông, nguồn cội, tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên của Vương triều Nguyễn đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam./.

Chú thích:

(1) Mộc bản khắc còn thiếu 01 bộ.

(2) Theo sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, tập 4, trang 519.

(3) Theo sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, tập 2, trang 208.

(4) Theo sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, tập 8, trang 51.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ sơ H21/23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H23/54, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H24/16, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H31/2, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Bản dịch sách Đại Nam thực lục của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, năm 2004;

6. Bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2004.