Tri ân những nhà báo - liệt sĩ nói chung, những nữ nhà báo - liệt sĩ nói riêng, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội có trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” kéo dài đến hết ngày 31/12/2022, tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tri ân những nhà báo - chiến sỹ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sẵn sàng lên đường vì Tổ quốc
Nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh là phóng viên năng nổ lớp GP10 (Thông tấn xã Việt Nam). Năm 1972, khi vừa tốt nghiệp khóa học thì Thông tấn xã Việt Nam vào Trường Đại học Tổng hợp tuyển phóng viên, chị đã trúng tuyển. Biết là phải đi chiến trường ngay nhưng chị sẵn sàng nhận quyết định. Như mọi thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, chí khí tuổi trẻ luôn thôi thúc con người ta hành động vì mục tiêu cao cả của Tổ Quốc mà không băn khoăn, toan tính.
Gia đình nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh được tin chị đã tốt nghiệp, chuyển sang làm nhà báo và sẽ ra mặt trận trong ngày một, ngày hai, cả nhà đều không ai dám ngăn cản vì biết con, em mình đã quyết làm việc gì thì khó mà lay chuyển. Khi ấy, mẹ của chị chỉ lựa lời động viên con gái đi cho “chân cứng, đá mềm…”, nhưng đêm đêm bà lại âm thầm khóc một mình vì thương con gái út.
Nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh |
Tháng 3/1973, nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh cùng đồng nghiệp vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Khi đi đến biên giới Việt Lào, đoàn phóng viên di chuyển bằng xe tải không mui suốt ngày đêm. Dọc đường xe phải bí mật ngụy trang, đêm không bật đèn pha, chạy tới một hai giờ sáng tới binh trạm mới nghỉ. Đoàn phóng viên GP10 đến địa phận tỉnh Attapu (Nam Lào) thì xe bị đổ, nhà báo Kim Oanh và hai người nữa hy sinh.
Nhớ về em gái, ông Phạm Bảo Long, anh trai nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh kể: “Ngày đoàn nhà báo Thông tấn xã Việt Nam lên đường vào chiến trường, cùng với bao nhiêu người khác đưa tiễn người thân, tôi đã về số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội đưa tiễn em gái. Tôi thay mẹ dặn dò em: Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, đừng lo gì cho người ở lại. Lúc đó em tôi chỉ biết cúi đầu giữ chặt bàn tay tôi… Có ngờ đâu đây lại là lần gặp gỡ cuối cùng của hai anh em chúng tôi”.
“Em đã ra đi với mắt cười thanh thản”
Khi con gái mới được 16 tháng tuổi, hai vợ chồng Nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã gửi con vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam khốc liệt. Chị hy sinh đêm ngày 8/3/1969 tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn ác liệt.
Ngã xuống ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn, nhà báo, người chiến sĩ quả cảm. Trong bức thư gửi gia đình ngày 16/4/1968 nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã viết: “Ngày mai 17/4/1968 em chuyển sang cùng chiến trường với Quốc. Những ngày qua em rất khỏe và phấn khởi. Em khỏe đến mức khó hiểu. Chúng em đã đi dưới biển trăng rất tuyệt diệu. Trước khi đi em đã gửi thư cho anh như anh đã dặn. Anh cứ yên tâm về em…”.
Nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý |
“Em ra đi chẳng để lại gì/Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi/Và anh biết khi bất thần trúng đạn/Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/Bởi được biết mình có mặt ở tương lai…” – nhà thơ Bùi Minh Quốc (bút danh Dương Hương Ly) chồng nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã viết “Bài thơ về hạnh phúc” để tưởng nhớ vợ.
Như những lớp thanh niên của thế hệ đó, luôn sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân cho Tổ quốc, những câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc dành cho vợ không chỉ chứa đựng nỗi nhớ thương đau đớn “Anh mất em như mất nửa cuộc đời/Nỗi đau anh không thể nói bằng lời”, mà còn là niềm thấu hiểu của những con người tri kỷ, cùng một lý tưởng “Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu/Em trong anh là mùa xuân náo động/Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu”.
Bông huệ trắng của núi rừng Trường Sơn
Nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ sinh năm 1946, là con thứ 5 trong gia đình, thông minh, học giỏi, hát hay và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, yêu thích viết văn, từng đỗ Đại học Tổng hợp văn nhưng chị đã bỏ giảng đường đại học, tình nguyện đến chiến trường, đơn vị chiến đấu đầu tiên là binh trạm 36, Đại đội Thanh niên xung phong Ninh Bình, làm nhiệm vụ thông tuyến đường chiến lược 20 Quyết Thắng.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 20/12/1968, nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ đã anh dũng hy sinh khi cùng đơn vị vượt trọng điểm Ka Tốc, dưới đỉnh Pu Khao, cách cửa khẩu Lùm Bùm không xa. Di vật còn lại của Huệ là cuốn sổ ghi chép các khoản tiếp nhận quân nhu, trang phục đoàn công tác và tập bản thảo viết về điển hình trạm sửa chữa xe máy Trường Sơn. Tất cả đều nhuốm máu, nhiều trang không đọc được…
Nhà báo, liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ |
“Nằm yên em nhé ngủ ngon/Để cho đầu cáng anh còn trở vai/Đường xa dốc đứng suối dài/Vai anh đòn nghiến, phồng, chai, lại phồng/Đường vào trạm xã loanh quanh/Em ơi đừng vĩnh biệt anh giữa đường/Lời thương đồng đội lời thương/Những ai nằm lại chiến trường hôm nay” – bài thơ này được nhà thơ Trọng Khoát viết lúc tiễn đưa nhà báo – liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ.
Anh trai liệt sĩ là ông Phạm Văn Hồng kể lại: Ngày Huệ hy sinh, đồng đội đã tổ chức an táng và có chụp ảnh lại. Sau mấy ngày Huệ hy sinh, B52 Mỹ rải thảm bom khu vực đó, đồng đội có quay lại để kiểm tra thấy khu vực bị bom Mỹ cày xới, không còn dấu vết. Bài thơ của nhà thơ Trọng Khoát được chôn trong lọ penicillin cùng mảnh giấy ghi địa chỉ, ngày sinh, ngày mất và mộ chí liệt sĩ được đồng đội an táng cùng, sau này được một chiến sĩ công binh nhặt được ở khe suối.
Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, mặc dù đồng đội, gia đình đã nhiều lần đi tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy…
Những nữ nhà báo – liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của các chị mãi mãi là tấm gương, là nguồn động lực thúc đẩy cho thế hệ những người làm báo hôm nay, tiếp tục đóng góp công lao, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cầm bút vì sự phồn vinh của Tổ quốc, dân tộc.