Một số lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện phó phát triển sức khỏe cộng đồng cho hay, Viện đã khảo sát các nhóm lao động di cư và họ cho biết chưa nhận được hỗ trợ trong khi không còn tiền tích lũy. Nhiều người sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện và thậm chí không có smartphone để cập nhật chính sách.
Một trong những rào cản khiến lao động tự do khó tiếp cận chính sách từ gói 26.000 tỷ đồng, theo bà Giang, là "các thủ tục như yêu cầu về quê, nơi thường trú để xin xác nhận nếu thụ hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại".
Chuyên gia này băn khoăn đúng là cần chống trục lợi chính sách (một lao động hưởng hỗ trợ cả hai nơi thường trú và tạm trú), song "đây là thời điểm họ khó khăn nhất, cần được hỗ trợ ngay".
Bà Giang đề xuất Hà Nội xem xét bỏ hoặc thay đổi thủ tục. Lao động tự do khi nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể làm cam kết (kèm giấy tờ tùy thân) chỉ nhận một lần, nếu nhận hai lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xã, phường Hà Nội chi tiền hỗ trợ, sau đó gửi xác nhận về quê lao động để chính quyền địa phương nắm thông tin, không chi trả thêm lần nữa.
"Thay vì bắt người lao động đang khó khăn phải xác minh nhân thân, thì chính quyền nên chủ động thực hiện và hoàn toàn có thể làm được", bà Giang nói.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nói TP đã đôn đốc các quận, huyện nhanh chóng triển khai nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số nơi báo cáo lại là TP đang giãn cách xã hội nên người lao động chưa ra khỏi nhà để làm hồ sơ. Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh về vướng mắc khi triển khai hỗ trợ cho nhóm lao động tự do.
Lấy ví dụ một người ngoại tỉnh tạm trú ở Hà Nội, đã nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng rồi vẫn có thể về quê hưởng tiếp nếu không có xác nhận, ông Dân giải thích Hà Nội đề ra thủ tục "xác nhận của nơi thường trú" nhằm thực hiện chủ trương tiền phải đến đúng người.
"Chúng tôi đề nghị cấp cơ sở lập hội đồng xét duyệt, công khai để người dân giám sát xem có đúng người hưởng không", ông Dân nói.
Trước phản ánh do giãn cách nên lao động khó về quê xin xác nhận, ông Dân nói Sở sẽ nghiên cứu phương thức xét duyệt bằng cách để người dân viết cam kết. Lao động thường trú hay tạm trú trên địa bàn do công an phường xác định. Trên cơ sở đó, cấp xã tập hợp danh sách, lao động ở nơi nào thì gửi thông báo về nơi ấy với nội dung "đã chi trả khoản này". Song việc bãi bỏ hoặc thay đổi thủ tục không thuộc thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận, tiếp thu đề xuất và trình lại với UBND TP để tháo gỡ kịp thời.
Nhưng để thực hiện được, ông Dân kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần liên thông dữ liệu để tránh trùng lặp. Nếu lao động thường trú cùng địa bàn Hà Nội thì dễ kiểm tra, nhưng nếu quê quán và tạm trú khác nhau, Bộ phải chỉ đạo các tỉnh cùng làm để dữ liệu thống nhất.
Cách xử lý đơn giản tại TP HCM
Chia sẻ về cách đẩy nhanh hỗ trợ lao động tự do, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo phường 15, quận Gò Vấp (TP HCM) nói phường làm hết sức đơn giản. Theo đó, việc yêu cầu người lao động cần có xác nhận không thụ hưởng tại nơi thường trú là bất cập từ thời gói 62.000 tỷ đồng (năm 2020). Năm nay, TP HCM bãi bỏ quy định này và cởi mở trong hỗ trợ, không phân biệt thường trú, tạm trú, qua đó giúp phường mạnh dạn hơn trong khâu thủ tục.
"Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã phổ biến cho tổ dân phố, các Tổ Covid cộng đồng linh hoạt trong cách xác minh. Ví như người ta đi bán dạo khắp nơi, ngành nghề đa dạng lắm, nên chỉ cần xác minh rằng họ bán dạo đúng như vậy là được hỗ trợ rồi", bà Loan chia sẻ.
Lao động tự do đang khó khăn chỉ cần liên hệ với tổ trưởng dân phố, kê khai ngành nghề cụ thể, cung cấp chứng minh thư/căn cước kèm đăng ký tạm trú (nếu có). Nếu người dân không có tạm trú thì tổ trưởng dân phố lập danh sách, chuyển cho cảnh sát khu vực xác nhận đây là những người đang cư trú tại phường, rồi chuyển lên phường xét duyệt. Phường cũng không sợ bị trùng lặp hoặc một người được hưởng nhiều lần, bởi khi nhập dữ liệu, hệ thống báo số chứng minh thư hoặc thông tin của người này đã có, phường bỏ ra là xong.
Tại tọa đàm, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng khuyến nghị ngoài gói hỗ trợ chung, TP cần đẩy mạnh nhiều chính sách khác, như công bằng trong tiếp cận vaccine, dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo...
Hà Nội hỗ trợ lao động tự do 1,5 triệu đồng. Điều kiện người nhận hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của TP, từ 1/5 đến 31/12.
Lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng) cũng trong diện hưởng hỗ trợ.
Lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị hỗ trợ; bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp; nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.