Kinh nghiệm từ mùa tuyển quân năm 2021
Từ năm 2020 đến nay, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát. Để thực hiện tốt công tác tuyển quân trong bối cảnh dịch COVID-19, tháng 10/2020, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham mưu đề xuất và dự báo các tình huống tuyển quân khi có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; qua đó chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện công tác tuyển quân gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng kế hoạch, yêu cầu đề ra; không bị động, bất ngờ.
Mùa tuyển quân năm 2021, để bảo đảm giao quân an toàn, không để lây lan dịch bệnh vào đơn vị, Cục Quân lực đã đề xuất Bộ Tổng Tham mưu ban hành Công điện số 09/CÐ-TM ngày 9/2/2021 về việc hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức công tác tuyển quân trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương; theo đó, căn cứ diễn biến của dịch bệnh, địa phương chủ động dự kiến, đề xuất phương án giao quân phù hợp, bảo đảm cao nhất công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Cơ quan quân sự địa phương, nhất là cấp huyện tăng cường biện pháp, nắm chắc số lượng, chất lượng công dân sẵn sàng nhập ngũ năm 2021; thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật hằng ngày về tình hình dịch COVID-19 liên quan công dân nhập ngũ, kịp thời báo cáo giải quyết; chuẩn bị nguồn dự phòng; giao quân đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng giao.
Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu thành phố về việc trước lễ giao quân, tất cả các địa phương trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho thanh niên trúng tuyển. Kết quả xét nghiệm này sẽ được bảo lưu cho đến khi tân binh về đơn vị mới.
Cùng với đó, lễ giao, nhận quân sẽ diễn ra trong vòng 20 phút, không có phần hội, phần lễ ngắn gọn; bố trí nhiều khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xung quanh khu vực tổ chức lễ. Xe đón tân binh của đơn vị nhận quân được bố trí gọn theo đội hình để không ảnh hưởng đến tiến độ giao quân. Các địa phương cũng tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế tham gia tiễn người thân nhằm tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Năm 2021, TP Hà Nội được giao tuyển chọn và gọi hơn 4.000 công dân nhập ngũ, trong đó có hơn 1.000 công dân đi nghĩa vụ công an. Tuy số lượng tuyển quân được giao cao hơn năm 2020 nhưng nhờ các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ công dân đi sơ tuyển đạt 99,79%; 30/30 địa phương điều động công dân đi khám sức khỏe không quá 3/1 chỉ tiêu giao quân. Trong đó, một số địa phương tiêu biểu như: Quận Thanh Xuân đạt 2,68/1 chỉ tiêu, thị xã Sơn Tây đạt 2,77/1 chỉ tiêu, huyện Đan Phượng đạt 2,81/1 chỉ tiêu.
Tỷ lệ công dân chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ của TP Hà Nội đạt 100%; tỷ lệ công dân đạt sức khỏe đủ điều kiện nhập ngũ là 68,9%; tỷ lệ công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 43%; tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện đạt 30%. Các địa phương đã phát lệnh đến 100% công dân trúng tuyển nghĩa vụ, tỷ lệ dự phòng phù hợp, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Khám tuyển NVQS có nhiều đổi mới. |
Công dân nhập ngũ đều phải test COVID-19. |
Nỗ lực cho mùa tuyển quân 2022
Trước những khó khăn trong công tác tuyển quân như: Thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa, ít người ở tại địa phương, thanh niên đủ điều kiện về sức khỏe thấp. Việc khám tuyển còn bất cập, các địa phương đã nỗ lực xử lý các bất cập, đảm bảo tuyển đúng, đủ quân cho mùa tuyển quân năm 2022.
Ý thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cùng những khó khăn, thách thức đặt ra, những năm qua, các địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Thông qua thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, các địa phương đều tiến hành đúng quy trình đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển, xét tuyển, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS). Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch; thực hiện công tác đăng ký, thống kê và tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định.
Các địa phương đã phát huy tốt vai trò của Hội đồng NVQS, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc nắm chắc số lượng, chất lượng nam, nữ công dân trong độ tuổi nhập ngũ; đồng thời, xác định đúng các đối tượng tạm vắng, tạm trú và các đối tượng trong diện miễn làm NVQS, miễn gọi hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ theo Điều 29, Điều 30 của Luật NVQS.
Để khắc phục khó khăn “nguồn ảo”, đối tượng công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ nhiều, nhưng vẫn thiếu do đi lao động xa, sinh viên thuộc diện tạm hoãn, học xong ít trở về địa phương, các địa phương đã chỉ đạo Hội đồng NVQS các cấp chú trọng làm tốt công tác đăng ký NVQS lần đầu, theo dõi, đăng ký bổ sung công dân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở về địa phương, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, nâng cao một bước chất lượng nguồn tuyển quân và góp phần đảm bảo công bằng trong thực hiện NVQS.
Các địa phương đều tặng quân nhân nhập ngũ các phần quà có giá trị. Hằng năm, mỗi công dân nhập ngũ tỉnh Nam Định đều được tặng 1 suất quà trị giá từ 700.000 đến 1.000.000 đồng; công dân nhập ngũ có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Đó là công tác chính sách hậu phương quân đội nhằm động viên tinh thần công dân lên đường nhập ngũ được các địa phương đặc biệt quan tâm. TP Hà Nội năm 2021 tặng 3.299 suất quà, 401 sổ tiết kiệm trị giá từ 5 đến 10 triệu đồng/sổ các địa phương dành tặng cho các công dân sẵn sàng nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, nhằm thực hiện phương châm xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, toàn thành phố có trên 80% thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ được tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Có nhiều cơ hội cho thanh niên xuất ngũ. Những quân nhân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay có tay nghề kỹ thuật, sau khi huấn luyện xong sẽ được tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng hoặc cử đi đào tạo để trở thành sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự nếu như họ có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội. Khi xuất ngũ, họ sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn, việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, các địa phương đã làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách hậu phương quân đội, như: chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho gia đình quân nhân khó khăn, miễn học phí cho con hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ; tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ về địa phương.
Việc làm đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội; là động lực trực tiếp cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.