Triển khai thực hiện Đề án 06 tại tỉnh Hà Nam: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Hà Nam vừa tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Dự hội nghị có Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Đại tá Tô Anh Dũng - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam; Thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Các đơn vị đã ký kết trong việc triển khai Đề án 06 thời gian tới.

Các đơn vị đã ký kết trong việc triển khai Đề án 06 thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án 06 là nội dung công tác quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, lâu dài, không những giảm được giấy tờ, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết các giao dịch dân sự mà còn phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo thực hiện Đề án 06 của tỉnh Hà Nam tại hội nghị có cho thấy, đến nay, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện 11/11 dịch vụ công. Trong đó có 6 dịch vụ công đạt kết quả tốt, trả lời đúng hạn 100% yêu cầu gồm: Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Khai báo tạm vắng; Đăng ký thường trú, Đăng ký tạm trú, Thông báo lưu trú.

3 dịch vụ công gồm: Thủ tục đăng ký mẫu con dấu mới, đăng ký lại mẫu con dấu và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy (do nhu cầu của doanh nghiệp không có và có thủ tục mới được triển khai thực hiện từ tháng 6/2022), kết quả bước đầu còn hạn chế.

2 dịch vụ công gồm: Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Có 9/11 dịch vụ công thuộc các sở, ngành đạt kết quả và giải quyết đúng thời hạn đạt 100%, gồm: Công ty Điện lực Hà Nam; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên môi trường; Sở Tư pháp; Sở Lao động thương binh và Xã hội.

3 dịch vụ công thiết yếu đang triển khai, bao gồm: Tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân. Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; 2 thủ tục liên thông chưa thực hiện được giải quyết liên thông (Liên thông đăng ký khai sinh; đăng ký thường trú; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử; xóa đăng ký thường trú; trợ cấp mai táng phí).

Tính đến ngày 10/10, dữ liệu thẻ BHYT đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 342.574 người; Có 50 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi khám, chữa bệnh.

Đến nay, Công an tỉnh đã cấp 705.730/754.628 thẻ căn cước công dân gắn chip (đạt 93,52%); thu nhận 110.479 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2...

Đại diện C06 phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện C06 phát biểu tại Hội nghị.

Trước những kết quả đã đạt được, cũng như hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Tổ trưởng tổ công tác Đề án 06 cấp huyện phải nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công cuộc Cải cách nền hành chính phục vụ chuyển đổi số hướng tới triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 422 ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đối với 24 dịch vụ công thiết yếu, Kế hoạch số 524 ngày 2/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị định danh và xác thực điện tử cho khối tài chính - ngân hàng, viễn thông nhằm tránh hoạt động lừa đảo, giả mạo, giảm tình trạng phạm tội trên địa bàn tỉnh...

Các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc qua ứng dụng VNeID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp)...

Phát huy ứng dụng VNeID để triển khai các tiện ích phục vụ dịch vụ công, công dân số, tiện ích phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID...

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an (C06) đề nghị,Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai nội dung Kế hoạch triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đọc thêm