Triển lãm 'Mộc bản trường học Phúc Giang- Di sản tư liệu thế giới' tại Hà Nội

(PLO) -Ngày 23/5, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức khai mạc triển lãm “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới”.

Triển lãm “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới” trưng bày một số hiện vật tiêu biểu, điển hình của Mộc bản trường học Phúc Giang. Đây là những tư liệu thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của Nho giáo với đất nước và đợi sống xã hội, đặc biệt trong việc đào tạo nhân tài từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, khối tư liệu gốc minh chứng cho giai đoạn hoạt động văn hóa và giáo dục của dòng họ Nguyễn Huy. Bản thân mỗi mộc bản cũng là một tác phẩm độc đáo, một cổ vật quý hiếm.

Với những giá trị về lịch sử văn hóa, khoa học, Mộc bản trường học Phúc Giang đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí di sản tư liệu ký ức của UNESCO về hình thức và nội dung cũng như tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế… Ngày 19/5/2016, Mộc bản trường học Phúc Giang đã chính thức được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO công nhận và cấp bằng Di sản tư liệu thế giới.

Ban tổ chức cắt băng khánh thành triển lãm

Theo ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, mộc bản trường học Phúc Giang là những bản gỗ dùng in sách “giáo khoa” để phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động giáo dục, văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc trước đây, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mộc bản ra đời từ giữa thế kỷ XVIII, được sử dụng cho đến những năm đầu thế kỷ XX, gắn liền với Trường Lưu học hiệu, Phúc Giang thư viện và các danh nhân của họ Nguyễn Huy, nơi đã đào tạo được trên 30 Tiến sĩ và hàng ngàn Hương cống, Cử nhân. Nhiều người trong số họ về sau là các quan lại cao cấp, các nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo nổi tiếng.

Theo truyền ngôn và ký ức của các thế hệ hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy, trước đây Mộc bản có đến hàng ngàn bản, được bảo quản và cất giữ ở nhà thờ đại tôn dòng họ. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Mộc bản đã bị mai một, hư hỏng mất mát với số lượng quá nhiều. Hiện nay Mộc bản chỉ còn 383 bản, là khối Mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam.

Mỗi bản được xẻ từ gỗ cây thị đực lâu năm, có chiều dài 25-30cm, rộng 15-18 cm và dày khác nhau từ 1-2 cm, tùy theo loại trang. Chữ khắc là chữ Hán ngược, có hình thức đẹp theo các dạng như giản, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… Phần lớn các Mộc bản được khắc hai mặt là nội dung của sách, một số ít khắc một mặt là tên sách, tờ đầu, lời tự, tự, bạt, trình bày chính giữa là tên sách, trang, tập, quyển…

Mỗi bản để lề trên và dưới 1-1,2cm, lề phải và trái 1cm. Mỗi bản khi gập đóng quyển sẽ được 2 trang kề liên (tức 1 tờ 2 mặt) theo kiểu sách thời xưa. Ngoài nội dung tập sách, còn khắc về thời gian, tên và chức danh người biên soạn, người chỉnh sửa và hiệu đính, người viết chữ, người tổ chức trông coi việc khắc và những người liên quan.

Hiện nay Mộc bản chỉ còn 383 bản, là khối Mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. 

Nội dung của Mộc bản trường học Phúc Giang gồm các tập sách giáo khoa kinh điển của Nho giáo được “toản yếu” là Tinh lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn (gồm 11 quyển) và một cuốn sách quy định về việc học, thi cử và đỗ đạt của trường Phúc Giang: Thư viện quy lệ; được các tác giả họ Nguyễn Huy tổ chức biên soạn, viết chữ, tổ chức cho thợ khắc với thời gian và địa điểm cụ thể, hình thức khắc tinh xảo, phong phú, đa dạng, chữ viết đẹp… lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu ấn khẳng định bản quyền của 5 danh nhân văn hóa họ Nguyễn Huy.

Triển lãm “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới” sẽ mở cửa đến hết ngày 30/5.

Đọc thêm